Phấn đấu xã, thôn, bản không có tệ nạn ma túy

09/07/2013 Lượt xem: 335 In bài viết

Theo thống kê, hiện nay trên thế giới có khoảng trên 200 triệu người mắc nghiện ma túy. Tác hại do tệ nạn ma túy gây ra là vô cùng to lớn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vấn đề an sinh xã hội. Nhận thức được điều này, Việt Nam cũng lấy ngày 26/6 là “Ngày toàn dân phòng chống ma túy” và tháng 6 hàng năm là “Tháng hành động phòng, chống ma túy”.

Ở Việt Nam đã có gần 200.000 người mắc nghiện có hồ sơ quản lý, trong đó số người nghiện đang ở ngoài cộng đồng chiếm 65% và người nghiện chủ yếu là nam giới chiếm 95%. Chỉ tính riêng tỉnh Hòa Bình có khoảng 1.698 người nghiện ma túy, trong đó chỉ có 393 người được quản lý tại các trung tâm cai nghiện, trại tạm giam - tạm giữ, cơ sở giáo dục, số còn lại vẫn ở trong cộng đồng. Các lực lượng chức năng Hòa Bình đã bắt giữ xử lý 226 vụ, 291 đối tượng buôn bán ma túy, thu giữ số lượng lớn hêrôin, ma túy tổng hợp và nhiều tang vật khác.


Phát biểu tại Lễ mít - tinh, ông Nông Quốc Tuấn - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cảnh báo: “Tệ nạn ma túy đang là hiểm họa của nhiều quốc gia, dân tộc trên toàn thế giới. Ma túy không chỉ hủy hoại đến sức khỏe, suy thoái nòi giống, tàn phá phẩm giá và nhân cách của con người mà còn đe dọa cuộc sống an lành, hạnh phúc của bao gia đình mà còn gây nguy hại đến trật tự an ninh xã hội và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia. Ma túy cũng là tác nhân chính dẫn đến tình trạng lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS, trong đó có Việt Nam”.

Ông Xa Hồng Diên - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Hòa Bình cho biết: Hòa Bình là cửa ngõ Tây Bắc, có nhiều tuyến đường bộ, đường thủy nối liền với Hà Nội, Sơn La, Phú Thọ... với điều kiện địa hình tự nhiên phức tạp, thêm vào đó đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương còn nhiều khó khăn là nguyên nhân dẫn đến tình hình tội phạm, tệ nạn ma túy, tái trồng cây thuốc phiện vẫn diễn biến phức tạp, khó kiểm soát... Vì vậy công tác phòng, chống ma túy ở vùng dân tộc thiểu số cần phải được chú trọng và quan tâm đặc biệt, nhất là công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tham gia tích cực đẩy lùi tệ nạn ma túy, không tái trồng cây thuốc phiện, tích cực phát triển kinh tế, gắn với bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ tổ quốc.

Theo ông Nông Quốc Tuấn, công tác phòng, chống ma túy là vấn đề lớn, lâu dài, đòi hỏi toàn dân và toàn xã hội cùng chung tay hành động với những việc làm cụ thể để phòng ngừa, phát hiện tố giác tội phạm ma túy, ngăn chặn đẩy lùi số người nghiện, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, an toàn. Do đó để công tác phòng, chống ma túy tiếp tục phát huy hiệu quả trong thời gian tới, Thứ trưởng Nông Quốc Tuấn đề nghị các tỉnh, các địa phương cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 26/03/2008 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37/2012/QH XIII của Quốc hội về tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình mới và Quyết định số 156/2007/QĐ-TTg ngày 25/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê quyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy. Bên cạnh đó các địa phương cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ nhận thức được đầy đủ mức độ nguy hiểm của tệ nạn ma túy. Vận động các tầng lớp nhân dân tham gia phong trào phát hiện, tố giác tội phạm, tệ nạn nguy hiểm này.

“Các tổ chức chính trị - xã hội cần chỉ đạo cấp cơ sở phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống ma túy, tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý các đối tượng vi phạm, có giải pháp cụ thể để phấn đấu xây dựng xã, thôn, bản lành mạnh không có tệ nạn ma túy”- Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Nông Quốc Tuấn nhấn mạnh.

Đình Dũng

Nguồn: baocongthuong.com.vn

[TT: TBC]