Mọi gia đình và cộng đồng có quyền biết những gì về HIV/AIDS
12/10/2015 Lượt xem: 1346 In bài viết9 điều cần ghi nhớ:
1- Đây là một bệnh không thể điều trị khỏi được nhưng
có thể phòng được. HIV là vi-rut gây nên bệnh AIDS, chúng được lây lan thông qua
quan hệ tình dục không được bảo vệ (giao hợp không dùng bao cao su), truyền máu
không sàng lọc, kim và bơm tiêm bị nhiễm vi-rút (hầu hết là bơm kim tiêm dùng để
tiêm chích ma tuý) và có thể lây truyền từ mẹ sang con trong thời kỳ mang thai,
trong lúc sinh hoặc trong khi cho con bú.
2- Tất cả mọi người, trong đó có cả trẻ em đều có nguy cơ nhiễm HIV/AIDS. Mỗi
người trong chúng ta đều cần có những thông tin và được giáo dục về căn bệnh này
và sử dụng bao cao su để giảm bớt nguy cơ lây nhiễm.
Trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh sống chung với HIV/AIDS có nhu cầu đặc biệt về dinh
dưỡng, tiêm chủng và chăm sóc sức khoẻ thường xuyên để tránh các biến chứng của
các bệnh trẻ em thông thường mà các biến chứng này có thể nguy hiểm đến tính
mạng của chúng. Nếu đứa trẻ bị nhiễm bệnh thì rất có thể cả bố, mẹ chúng cũng bị
nhiễm bệnh. Lúc đó việc thăm khám tại nhà có thể là rất cần thiết.
Có rất ít thanh niên nhận được các thông tin chính xác và hợp lý mà họ cần. Trẻ
em trong độ tuổi đến trường cần được cung cấp các thông tin về HIV/AIDS phù hợp
với lứa tuổi và các kỹ năng sống trước khi chúng có các hoạt động tình dục. Giáo
dục trong thời kỳ này có tác dụng làm cho hoạt động tình dục đến chậm hơn và dạy
cho trẻ em sống có trách nhiệm hơn.
Trẻ em sống trong các trại mồ côi, trên đường phố và trong các trại tị nạn có
nguy cơ lây nhiễm HIV cao hơn các trẻ khác. Và do vậy chúng ta cũng cần cung cấp
cho chúng các dịch vụ trợ giúp thích hợp.
3- Nếu ai đó nghi ngờ mình bị nhiễm HIV cần liên hệ với nhân viên y tế hoặc
trung tâm phòng chống HIV/AIDS để nhận được tư vấn và xét nghiệm HIV một cách bí
mật.
Tư vấn và xét nghiệm HIV giúp phát hiện sớm nhiễm HIV và giúp cho những người đã
nhiễm nhận được dịch vụ trợ giúp cần thiết, đồng thời để kiểm soát các bệnh
nhiễm trùng khác, giúp họ học được cách sống chung với HIV/AIDS và làm thế nào
để tránh lây cho những người khác. Tư vấn và xét nghiệm HIV còn giúp cho những
người chưa bị nhiễm biết cách để phòng nhiễm HIV thông qua giáo dục về tình dục
an toàn hơn.
Xét nghiệm máu xác định HIV có thể không phát hiện ra nhiễm vi-rút này trong
vòng 6 tháng đầu kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm. Vì vậy cần xét nghiệm
lại sau 6 tháng kể từ khi tiếp xúc với nguồn lây nhiễm.
4- Nguy cơ lây nhiễm có thể được giảm xuống nếu chúng ta không có quan hệ tình
dục hoặc nếu chúng ta giảm số bạn tình, hoặc chỉ những người không bị nhiễm quan
hệ tình dục với nhau, hoặc mọi người quan hệ tình dục an toàn hơn – quan hệ tình
dục mà không đưa dương vật vào âm đạo, hậu môn hay miệng hoặc sử dụng bao cao
su. Sử dụng bao cao su thường xuyên và đúng cách có thể cứu sống nhiều người do
tránh được sự lây lan của HIV.
5- Các em gái có nguy cơ lây nhiễm HIV cao do đó cần giúp đỡ các em bảo vệ chính
mình và được bảo vệ chống lại quan hệ tình dục không mong muốn hoặc không an
toàn. Các em gái có nguy cơ lây nhiễm HIV hơn bởi vì:
Các em gái thường không hiểu biết về nguy cơ lây nhiễm và không thể tự bảo vệ
bản thân mình khỏi những đòi hỏi tình dục.
Niêm mạc âm đạo mỏng hơn và nhạy cảm hơn với các bệnh nhiễm trùng hơn so với
người lớn.
Những người đàn ông có tuổi thường tìm đến những người phụ nữ trẻ chưa có hoặc
rất ít kinh nghiệm quan hệ tình dục bởi vì hình như họ ít bị lây nhiễm.
6- Cha mẹ và giáo viên có thể giúp đỡ những thanh niên bảo vệ chính bản thân họ
khỏi bị lây nhiễm HIV/AIDS bằng cách nói cho họ biết cách phòng chống và lây lan
của căn bệnh này, trong đó bao gồm cả việc sử dụng đúng cách và thường xuyên bao
cao su cho nam giới và nữ giới.
Các vấn đề về tình dục thường khó nói đối với thanh niên. Có một cách bắt đầu
câu chuyện với trẻ em tuổi học đường là hỏi xem chúng biết gì về HIV/AIDS. Nếu
thông tin chúng đưa ra không chính xác thì đây là cơ hội để cung cấp thông tin
chính xác cho trẻ. Nói chuyện cũng như lắng nghe trẻ nói là rất cần thiết.
7- HIV có thể lây nhiễm từ mẹ sang con trong lúc mang thai, lúc sinh hoặc thời
kỳ cho con bú. Những phụ nữ đang mang thai hoặc những phụ nữ mới sinh mà đã bị
nhiễm HIV hoặc nghi ngờ mình bị nhiễm HIV nên hỏi ý kiến của nhân viên y tế có
chuyên môn để xét nghiệm HIV và được họ tư vấn. Phụ nữ có thai cần biết:
Quá trình điều trị bằng một số thuốc đặc hiệu có thể giảm đáng kể nguy cơ lây
nhiễm từ mẹ sang con.
Chăm sóc đặc biệt trong lúc mang thai cũng như trong khi chuyển dạ có thể giảm
nguy cơ lây nhiễm từ mẹ sang con.
Nếu các bà mẹ bị HIV/AIDS mà không được điều trị thì có nguy cơ sinh ra đứa trẻ
bị nhiễm HIV/AIDS là 1/3 và 2/3 số trẻ bị nhiễm HIv/AIDS sẽ tử vong trước 5
tuổi.
8- HIV có thể lây lan do sử dụng bơm kim tiêm không được tiệt trùng mà chủ yếu
là bơm kim tiêm dùng để chích ma tuý. Dao cạo, dao hoặc dụng cụ dùng để cắt hoặc
xuyên qua da đã qua sử dụng cũng có nguy cơ làm lây truyền HIV.
9- Những người mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục có nguy cơ nhiễm và
truyền HIV sang người khác cao hơn. Những người mắc các bệnh lây truyền qua
đường tình dục cần được điều trị kịp thời và tránh giao hợp hoặc sử dụng các
biện pháp quan hệ tình dục an toàn như không đưa dương vật vào âm đạo hoặc hậu
môn, miệng hoặc dùng bao cao su trong khi sinh hoạt tình dục.
Nguồn: soyte.hanoi.gov.vn
[TT: TBC]