Không nên xử phạt hành chính đối với người nghiện ma túy

01/06/2015 Lượt xem: 1325 In bài viết

Theo đó, cần định hướng "áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người có hành vi sử dụng trái phép chất ma túy chứ không nên áp dụng biện pháp xử lý hành chính đối với người nghiện ma túy như luật hiện hành".

Theo Bộ LĐTB&XH, việc xử lý sớm hành vi sử dụng trái phép ma túy với các biện pháp thích hợp giúp họ từ bỏ hành vi sử dụng trước khi họ lệ thuộc vào chất ma túy. Quy đinh này mang lại hiệu quả cao hơn so với biện pháp xử lý khi họ đã bị nghiện.

Bộ LĐTB&XH cho biết hiện nay đã có 10/63 tỉnh, thành phố quyết định thành lập cơ sở xã hội để tiếp nhận người nghiện ma túy gồm TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Lào Cai, Nghệ An, An Giang, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Quảng Ninh, Cà Mau.

10 tỉnh trên đã tiếp nhận, quản lý 5.103 người nghiện vào cơ sở xã hội. Đặc biệt, trong đó, 1.855 người sau khi vào cơ sở đã xác định được nơi cư trú ổn định và đưa họ về địa phương để lập hồ sơ quản lý, giáo dục; 2. 096 người được tòa án xem xét, quyết định đưa vào trại cai nghiện bắt buộc...
Bộ LĐTB&XH cho rằng hiện cơ chế hoạt động của cơ sở xã hội trong các tỉnh, thành phố ban hành không thống nhất, lúng túng. Cụ thể, theo quy định việc đưa người cai nghiện không có nơi cư trú ổn định vào cơ sở xã hội thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND cấp xã quyết định, nhưng thực tế hiện nay các địa phương vẫn giao cho công an, cơ quan phát hiện hành vi sử dụng ma túy quyết định.

Bên cạnh đó, theo quy định phải xác định được tình trạng nghiện, nơi cư trú nếu họ không có nơi cư trú mới đưa vào cơ sở xã hội. Tuy nhiên, các địa phương đã vận dụng cách đưa tất cả những người có hành vi sử dụng ma túy trái phép vào cơ sở xã hội sau đó mới phân loại.

Tại một số cơ sở xã hội, có địa phương quy định sau khi phân loại, đối với người xác định được nơi cư trú ổn định hoặc những người không xác định được tình trạng nghiện thì được đưa về địa phương để quản lý giáo dục. Tuy nhiên, có địa phương đã xác định được nơi cư trú nhưng phải có sự bảo lãnh của gia đình và chính quyền mới được đưa về gia đình quản lý.

Theo Bộ LĐTB&XH, hiện nay việc cai nghiện ma túy tại gia đình, cộng đồng chưa được cấp ủy, chính quyền địa phương thực sự quan tâm chỉ đạo thực hiện, mới chỉ có 3/63 tỉnh, thành phố thực hiện cai nghiện cho 149 người. Việc xác định tình trạng cai nghiện chủ yếu dựa vào người nghiện khai nhận hoặc bị xử phạt nhiều lần về hành vi trên...

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]