Không phải mọi trường hợp phơi nhiễm đều sẽ nhiễm HIV
14/07/2015 Lượt xem: 3564 In bài viếtPhơi nhiễm HIV do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng dẫn đến nhiễm. Đây là rủi ro mà mỗi nhân viên y tế phải đối diện. 18 y bác sĩ ở Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã bị phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ khi mổ cấp cứu cho một nữ bệnh nhân đang nguy kịch vì chảy máu âm đạo mà không biết chị bị HIV. Bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ với nhiều năm công tác trong lĩnh vực phòng chống và điều trị HIV cho biết, trên thực tế, phơi nhiễm do nghề nghiệp của nhân viên y tế là khá phổ biến, song không phải trường hợp phơi nhiễm nào cũng dẫn đến nhiễm. Đây được xem là một rủi ro mỗi nhân viên y tế phải đối diện trong suốt thời gian công tác của mình.
Phơi nhiễm với HIV (exposure) được hiểu là tình
huống có tiếp xúc với dịch tiết có khả năng mang mầm bệnh HIV. Một tình huống
được xem là phơi nhiễm có nguy cơ phải thỏa mãn 2 yếu tố:
- Dịch tiết có nguy cơ lây nhiễm, được kể đến nhiều nhất là máu, dịch âm đạo,
tinh dịch và sữa mẹ. Các dịch cơ thể thông thường khác như mồ hôi, nước mắt,
nước bọt, nước tiểu… được xem là không có nguy cơ lây nhiễm.
- Có yếu tố ngõ vào: Vết thương hở, đâm xuyên da, tiếp xúc vào niêm mạc (mắt,
mũi, miệng, âm đạo, hậu môn…).
Do tính chất âm thầm và khó nhận biết của căn bệnh này, mọi tình huống phơi
nhiễm với dịch tiết của người không rõ tình trạng huyết thanh kháng HIV đều được
xem là “có khả năng chứa mầm bệnh”. Như vậy, những tình huống không thể xác minh
nguồn gây phơi nhiễm như bị kim đâm ở nơi công cộng, bạn tình bất chợt... đều
được xem xét như trường hợp tiếp xúc với dịch tiết của người dương tính.
Phơi nhiễm trong cộng đồng chủ yếu xoay quanh 2 tình huống. Thứ nhất là phơi
nhiễm tình dục khi quan hệ không sử dụng bao cao su hoặc bao cao su bị vỡ hoặc
rách, bị cưỡng dâm. Thứ hai là phơi nhiễm qua máu do vết thương đâm phải kim
hoặc các vật sắc nhọn vứt ra các khu vực công cộng và có dính máu nhìn thấy được.
Trong khi đó, phơi nhiễm do nghề nghiệp ở nhân viên y tế đa dạng hơn nhiều. Đặc
thù công việc của họ phải tiếp xúc với nhiều loại dịch tiết có nguy cơ hơn (dịch
ối, dịch não tủy, mủ, dịch màng phổi, dịch màng bụng). Đồng thời họ lại có tần
suất tiếp xúc cao hơn qua các thủ thuật như thăm khám, tiêm chích, truyền dịch,
chọc hút, phẫu thuật… nên nguy cơ phơi nhiễm cao hơn.
Theo Cơ quan quản lý bệnh tật Mỹ, ước tính hàng năm ở nước này có khoảng 380.000
tình huống nhân viên y tế ở các bệnh viện bị kim đâm. Đó là chưa kể đến các dạng
phơi nhiễm khác và các ca phơi nhiễm ở cơ sở y tế không phải bệnh viện. Tại Việt
Nam, các tình huống y bác sĩ đỡ sinh cho thai phụ đến độ nước ối dính ướt cả
quần áo, những lần cấp cứu mà máu bệnh nhân bắn khắp người không phải là hiếm
gặp. Trong khi đó xác suất nhân viên y tế có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân dương
tính cao hơn hẳn so với mặt bằng dân số chung.
Phơi nhiễm (exposure) là điều kiện cần để dẫn đến nhiễm (infection), tuy nhiên
chưa phải là điều kiện đủ. Ví dụ một gia đình có người bị bệnh cúm. Trong sinh
hoạt toàn bộ gia đình này đều sẽ ít nhiều có tiếp xúc với mầm bệnh. Tình huống
này được hiểu là họ có phơi nhiễm với mầm bệnh cúm. Tuy nhiên, không phải tất cả
thành viên trong gia đình này đều sẽ mắc bệnh cúm, điều này phụ thuộc vào mức độ
tiếp xúc và sức khỏe vốn có của mỗi người.
Tình huống ấy cũng tương tự đối với phơi nhiễm và nhiễm HIV. Những yếu tố như
đường lây, số lượng virus HIV trong dịch tiết tiếp xúc, miễn dịch của bản thân
mỗi người đều sẽ ảnh hưởng lên khả năng chuyển từ phơi nhiễm sang nhiễm.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ước tính, nguy cơ lây nhiễm
cho một lần tiếp xúc với nguồn HIV do kim đâm xuyên da vào khoảng 0,3%, dây máu
vào vết thương hở hay niêm mạc dao động từ 0,1 đến 0,3%, qua quan hệ tình dục
dao động từ 0,1 đến 0,5%. Như vậy, với một lần phơi nhiễm, nguy cơ bị lây nhiễm
HIV không cao. Nếu so với bệnh lây qua máu như viêm gan siêu vi B thì chỉ bằng
1/100 và 1/10 so với viêm gan C.
Điều trị dự phòng sau phơi nhiễm
Cùng với sự phát triển của điều trị kháng virus bằng thuốc ARV, các nhà nghiên
cứu đã thành công khi phát minh và đưa vào ứng dụng điều trị dự phòng sau phơi
nhiễm (Post - exposure prophylaxis - PEP). Đây là một can thiệp y khoa dựa vào
khả năng ức chế virus HIV của thuốc ARV.
Thông tin về lây nhiễm HIV tiên phát chỉ ra rằng nhiễm HIV toàn thân không xảy
ra ngay lập tức mà có một sự chậm trễ ngắn giữa thời gian phơi nhiễm với virus
và sự xuất hiện của HIV trong máu. Trong thời gian “cửa sổ cơ hội” này, điều trị
ARV có thể dự phòng nhiễm toàn thân, từ đó giúp người này tránh khỏi tình trạng
“nhiễm HIV mạn tính”.
Mô hình thử nghiệm tiến trình gây bệnh trên động vật với chủng virus SIV, họ
hàng của HIV, gây bệnh trên khỉ, chỉ ra rằng, sau khi phơi nhiễm với HIV, tế bào
miễn dịch tại vị trí vào của HIV bị nhiễm trong vòng 24 giờ đầu. Tế bào bị nhiễm
di chuyển tới vùng hạch kế cận trong hơn 24-48 giờ tiếp theo. Trong 5 ngày, HIV
có thể phát hiện thấy trong máu.
Như vậy, nếu dùng ARV sớm sau phơi nhiễm có thể dự phòng nhiễm trùng toàn thân
bằng cách ngăn cản sự nhân lên của HIV trong một vài tế bào bị nhiễm ban đầu.
Sau khi duy trì ARV trong cơ thể trong 4 tuần, các tế bào bị nhiễm ban đầu sẽ bị
cơ thể đào thải do cơ chế miễn dịch tế bào, kéo theo đó là sự thải trừ hoàn toàn
HIV ra khỏi cơ thể.
Một nghiên cứu bệnh chứng vào năm 1997 cho thấy hiệu quả điều trị PEP giúp làm
giảm nguy cơ lây nhiễm 81% nếu sử dụng thuốc Zidovudine. Sau đó, điều trị PEP
dần được cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả. WHO đang hướng dẫn dùng phác đồ 2
thuốc hoặc 3 thuốc, từ đó nâng tỷ lệ thành công lên đến 95-99%. Hiệu quả của
điều trị sẽ cao nhất trong vài giờ đầu sau khi phơi nhiễm, giảm dần theo thời
gian và được cho là không có hiệu quả sau mốc 72 giờ tính từ lúc phơi nhiễm.
Thúy Hạ
Nguồn: vnexpress.net
[TT: TBC]