Đi tìm nguyên nhân gốc của vấn đề

05/10/2015 Lượt xem: 1205 In bài viết

Số lượng ma túy có xu hướng tăng mạnh

Đại tá Tạ Đức Ninh - Trưởng phòng thường trực chương trình quốc gia Phòng chống ma túy (PCMT) - Bộ Công an cho biết: Thời gian gần đây, các loại ma túy vận chuyển vào nước ta có xu hướng tăng mạnh. Chỉ tính riêng khu vực biên giới Mộc Châu hoặc Sông Mã, ước tính mỗi tháng cũng có từ 1 đến 3 tấn hê-rô-in được vận chuyển vào nước ta. Năm 2014, riêng địa bàn các tỉnh Tây Bắc, các lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ 5.937 vụ (chiếm 31% so với cả nước, tăng 11% so với năm 2013), vận chuyển 339,4 kg hê-rô-in (chiếm 59% so với cả nước). Trong đó có hơn 50 vụ vận chuyển với số lượng đặc biệt lớn, từ vài chục đến vài trăm bánh hê-rô-in. Tuyến Bắc miền Trung và Tây Nam tuy ít nghiêm trọng hơn, nhưng bên cạnh hê-rô-in, đã phát hiện ra một số lượng tương đối lớn ma túy và cần sa khô.

Điều đáng nói là, lợi dụng địa hình hiểm trở ở khu vực miền núi, mối thân tộc giữa đồng bào dân tộc 2 bên biên giới, tình trạng nghèo đói của người dân địa phương và sự thiếu hiểu biết pháp luật… các đối tượng đã lôi kéo, mua chuộc hoặc dùng những thủ đoạn nham hiểm để ép buộc người dân tộc địa phương tham gia vận chuyển cho chúng; dẫn đến tội phạm và tệ nạn ma túy ở vùng DTTS ngày càng diễn biến phức tạp.

Đói nghèo còn đeo đẳng, tội phạm ma túy còn tăng!

Phân tích nguyên nhân khiến tội phạm và tệ nạn ma túy ở vùng DTTS, ngày càng đáng báo động, ông Lê Sơn Hải - Thứ trưởng Ủy ban Dân tộc (UBDT) cho rằng: Nguyên nhân sâu xa vẫn là do một bộ phận bà con còn quá nghèo khổ, tăng gia sản xuất không đủ ăn. Trong khi số tiền được trả công cho việc vận chuyển ma túy là không nhỏ. Chính vì vậy, bà con rất dễ bị lôi kéo vào việc vận chuyển thuê loại hàng hóa chết người này. Theo đó, Thứ trưởng Hải nhìn nhận: Để giảm tội phạm ma túy, giải pháp căn cơ vẫn là phải xóa đói, giảm nghèo, từng bước giúp bà con có thu nhập ổn định từ các hoạt động sản xuất của mình. Song song với việc thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, cần hoàn thiện các cơ sở hạ tầng ở khu vực biên giới như: Làm đường giao thông, thủy lợi, xây dựng trường học, trạm y tế... “Nếu còn để đói nghèo đeo đẳng, tội phạm ma túy còn tăng” – là khẳng định của rất nhiều người trực tiếp làm công tác dân tộc tại khu vực vùng sâu, vùng DTTS.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của bà con về sự nguy hiểm của việc buôn bán, vận chuyển, tàng trữ và sử dụng ma túy. Trong đó, một trong những kênh tuyên truyền hiệu quả nhất, đó là phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong các thôn, bản. “Thế trận lòng dân là thế trận mạnh nhất, nói cách khác, chỉ khi nào người dân hiểu rõ tác hại của ma túy và tự giác bảo nhau tránh xa nó, thì tệ nạn ma túy mới được đẩy lùi” – ông Đậu Thế Mạo – người có uy tín, xã Xá Lượng, huyện Tương Dương, Nghệ An chia sẻ. Cũng từ kinh nghiệm nhiều năm giữ vai trò người có uy tín, ông Mạo cho rằng: Câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu - khó vạn lần dân liệu cũng xong” của Bác có thể vận dụng vào rất nhiều việc, với hoạt động PCMT, câu nói này cũng có thể xem là một chỉ dẫn để những người làm công tác tuyên truyền hiểu được giá trị của việc phải làm cho dân hiểu, dân tin và dân làm theo.

 

H.M

Nguồn baocongthuong.com..vn

[TT: TBC]