Những điều cần biết về xét nghiệm HIV

26/10/2015 Lượt xem: 9572 In bài viết

Năm 2014, Liên Hợp Quốc đã phát động các mục tiêu toàn cầu đến năm 2020 có 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là mục tiêu 90-90-90 của Liên Hợp Quốc.

Xét nghiệm là cách duy nhất để biết tình trạng nhiễm HIV của mình. Do thời kỳ ủ bệnh (nhiễm HIV không có triệu chứng) khi nhiễm HIV kéo dài nhiều năm nên người nhiễm HIV vẫn khỏe mạnh bình thường. Vì vậy, nhìn bề ngoài không thể biết được một người có nhiễm HIV hay không. Chỉ có xét nghiệm mới biết một người có bị nhiễm HIV hay không.

Ngay cả khi ở giai đoạn nhiễm HIV có triệu chứng hoặc giai đoạn AIDS thì các biểu hiện của bệnh AIDS vẫn không điển hình mà phụ thuộc vào triệu chứng của các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác như viêm phổi, hoặc ỉa chảy, loét miệng v.v... nên người thầy thuốc cũng không thể khẳng định nhiễm HIV nếu không làm xét nghiệm HIV.

Một người khi kết quả xét nghiệm HIV có kết quả “âm tính”, có thể người đó không nhiễm HIV hoặc cũng có thể người đó đã nhiễm HIV nhưng đang trong “thời kỳ cửa sổ”. Khi tư vấn từng trường hợp cụ thể, cán bộ y tế sẽ trả lời cho bạn hoặc hẹn bạn xét nghiệm lại và trong thời gian chờ đợi này bạn không được tái diễn hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV. Nếu kết quả “dương tính”, tức là trong máu có kháng thể kháng HIV, có nghĩa là người được xét nghiệm đã nhiễm HIV. Đối với trẻ dưới 18 tháng tuổi mà có kết quả xét nghiệm kháng thể dương tính với HIV thì vẫn chưa thể khẳng định là trẻ đó đã nhiễm HIV, vì có thể kháng thể đó là của mẹ truyền sang, nên cần làm xét nghiệm lại khi trẻ trên 18 tháng tuổi. Cần lưu ý rằng chỉ do các phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép mới được khẳng định một người dương tính HIV.

Mặc dù chỉ có xét nghiệm mới biết một người nhiễm HIV hay không, nhưng vẫn còn nhiều người cho rằng nhìn bề ngoài có thể biết một người nhiễm HIV. Đây là sự hiểu sai và có thể do trước đây khi truyền thông, người ta thường mô tả hình ảnh người nhiễm HIV ở giai đoạn suy giảm miễn dịch nặng (giai đoạn AIDS) gày gò, ốm yếu, da bọc xương. Do vậy, những người từng có hành vi nguy cơ như tiêm chích không an toàn, tiếp xúc trực tiếp với máu hay dịch cơ thể của người nhiễm HIV, không sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục với người nhiễm HIV hoặc với một người mà bạn không biết chắc chắn là họ không nhiễm HIV...nên sớm đến các cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV để biết tình trạng nhiễm HIV của mình.

Những xét nghiệm đang được sử dụng hiện nay

Xét nghiệm kháng thể

Là loại xét nghiệm được tiến hành phổ biến nhất, gián tiếp chỉ ra sự có mặt của HIV thông qua việc phát hiện kháng thể kháng HIV. Quy trình gồm sàng lọc ban đầu bằng sét nghiệm hấp thụ miễn dịch liên kết enzym (ELISA). Nếu kết quả (+), xét nghiệm ELISA được làm lại, nếu vẫn dương tính, kết quả được xác nhận bằng một phương pháp khác, thường là Western blot hoặc xét nghiệm miễn dịch huỳnh quang.

Xét nghiệm ELISA là xét nghiệm nhằm xác định kháng thể kháng HIV có trong huyết thanh của người nhiễm. Xét nghiệm này được trình bày theo cơ chế sau: Kháng nguyên HIV được phủ lên trên những hạt nhựa gắn ELISA; Huyết thanh người có chứa kháng thể (kháng thể thứ nhất); Nếu người nhiễm HIV thì huyết thanh sẽ có kháng thể kháng HIV và kháng thể này sẽ gắn với kháng nguyên HIV đã được gắn trên hạt nhựa; Kháng immunoglobulin (kháng thể kháng kháng thể người – kháng thể thứ hai) có chứa enzym. Đây là kháng thể thứ hai và nó sẽ gắn với kháng thể kháng HIV nếu kháng thể này hiện diện; Chỉ thị màu nếu enzym của (kháng thể thứ hai) hoạt động (gắn vào kháng thể thứ nhất) sẽ làm chuyển màu.

Hiện nay có khá nhiều xét nghiệm (test) nhanh để chẩn đoán nhanh về tình trạng nhiễm HIV. Tùy theo từng đơn vị nhập mà các test nhanh này có thể khác nhau. Giá trị của xét nghiệm chẩn đoán dương tính của các test này đạt khoảng 99,5%.

Xét nghiệm trực tiếp

Để phát hiện HIV cần các xét nghiệm kháng nguyên (kháng nguyên p24), nuôi cấy HIV, xét nghiệm acid nucleic của tế bào lympho máu ngoại vi và phản ứng chuỗi polymerase. Xét nghiệm Western blot có thể xác định kháng nguyên đặc trưng của virus HIV.

Xét nghiệm máu hỗ trợ chẩn đoán

Đây cũng là xét nghiệm giúp đánh giá mức độ suy giảm miễn dịch. Xét nghiệm gồm đếm tế bào T CD4+ và CD8+, tốc độ máu lắng, đếm tế bào máu toàn phần, mỉcoglobulin beta huyết thanh , kháng nguyên p24...

Một loại xét nghiệm hỗ trợ nữa là phát hiện bệnh lây qua đường tình dục và nhiễm trùng cơ hội, giang mai, viêm gan B, lao...

Ba loại kết quả xét nghiệm:

Dương tính: Trong máu phát hiện kháng thể kháng HIV, nghĩa là bạn nhiễm HIV. Chỉ có trường hợp trẻ sơ sinh là khác, vì có khi bé không có virus HIV nhưng lại có kháng thể của mẹ truyền sang.

Âm tính: trong máu không có kháng thể kháng HIV. Có hai khả nǎng là bạn không nhiễm HIV, hoặc là bạn nhiễm HIV nhưng đang ở trong "thời kỳ cửa sổ’’.

Không rõ: Nguyên nhân có thể là do bạn đang ở trong "thời kỳ cửa sổ", cũng có thể do bạn dùng một số loại thuốc nào đó làm ảnh hưởng đến khả nǎng nhận diện kháng thể nên không xét nghiệm được rõ ràng.

Thời kỳ cửa sổ, là thời gian sau khi đã nhiễm HIV nhưng cơ thể chưa kịp tại kháng thể hoặc lượng kháng thể sinh ra quá nhỉ. Xét nghiệm khi đó chưa tìm được mầm bệnh. Thường thì thời kỳ này là trong vòng 3 tháng, cũng có người dài hơn, nhưng nói chung không quá 6 tháng.

Thời điểm làm xét nghiệm HIV

Xét nghiệm sau 7 ngày có nguy cơ

Chẩn đoán sơ bộ sớm HIV và viêm gan C hiện nay có thể được thực hiện sau 7 ngày tính từ khi có nguy cơ. Trước đây phương pháp này không thể thực hiện, nhưng việc tận dụng những công nghệ chuẩn trong một kiểu chuẩn đoán mới sẽ tạo ra khả năng chẩn đoán rất sớm. Kỹ thuật này đã được ứng dụng nhiều nhất trong việc kiểm tra máu từ những người hiến máu và đã giảm được sự lây nhiễm HIV và viêm gan C rất đáng kể. Kỹ thuật này cũng được sử dụng trong việc hiến tặng nội tạng để sàng lọc HIV-1, HIV-2, viêm gan C và viêm gan B.

Các kỹ thuật chẩn đoán cực kỳ nhanh, sử dụng một hệ thống hoàn toàn tự động và phương pháp xét nghiệm này là sử dụng phản ứng dây chuyền polymerase (PCR) hoặc NAT (khuếch đại Acid nucleic) để phát hiện số lượng virus cực bé.

Xét nghiệm HIV sau 1 tháng

Phương pháp này sẽ kiểm tra kháng thể HIV1, 2 và kháng nguyên p24 sau 28 ngày. Phương pháp được cấp phép ở Châu Âu và hiện đã có ở Việt Nam được sử dụng sau 28 ngày kể từ khi có nguy cơ. Phương pháp này rất tốt và có thể phát hiện phần lớn những người đã nhiễm HIV trong khoảng từ 14-21 ngày. Phương pháp xét nghiệm này là thế hệ thứ 4.

Phương pháp dựa trên nguyên tắc: Khi HIV xâm nhập vào trong cơ thể nó sẽ bắt đầu quá trình tự nhân bản nhanh chóng và các sản phẩm phụ của quá trình này là một loại protein-các kháng nguyên HIV p24- được tạo ra với số lượng rất lớn, trong khoảng 10 ngày từ khi có nguy cơ hay trước, trong thời gian kháng thể kháng HIV đang được hình thành. Các kháng nguyên p24 sau đó sẽ duy trì ở mức rất cao trong một vài tháng đầu tiên sau khi bị nhiễm HIV và suy giảm cùng với sự sụt giảm tải lượng virus nhưng sẽ không bao giờ biến mất.

Vì vậy, với việc kháng nguyên p24 được hình thành trước khi kháng thể hình thành sẽ cho phép thu hẹp khoảng thời gian giữa 2 thời điểm đã nhiễm bệnh và thời điểm có thể phát hiện được (thời gian cửa sổ). Đa số người mới nhiễm HIV sẽ hình thành kháng thể kháng HIV 1 hoặc 2 trong vòng 28 ngày. Với sự kết hợp, tìm kiếm cả hai kháng nguyên p24 và kháng thể HIV 1 và cũng có HIV 1 và 2 sẽ cho phép phát hiện sớm HIV nhiều hơn so với việc tìm kiếm kháng thể HIV đơn lẻ.

Xét nghiệm tìm kháng thể HIV 1-2

Phương pháp này có sự sai lệch lớn nhất. Khi đại dịch HIV bắt đầu vào đầu những năm 1980, các phương pháp xét nghiệm và các thiết bị khi đó còn tương đối nghèo nàn và thường xuyên cho kết quả sai. Các kết quả sai-âm tính giả và dương tính giả dẫn đến sự nhầm lẫn lớn về các kết quả xét nghiệm HIV tại thời điểm đó.

Khi sự hiểu biết của chúng ta về căn bệnh này ngày càng rõ ràng và các phương pháp xét nghiệm đã được cải thiện tốt hơn như sự hiện đại, chính xác, dễ sử dụng. Đây là thế hệ thứ ba và thứ tư. Phương pháp xét nghiệm hiện đại thế hệ thứ ba giúp phát hiện hơn 99% số người mới bị nhiễm HIV dương tính ở 6 tuần sau khi có nguy cơ.

Xét nghiệm HIV sau 3 tháng, 6 tháng

Là thời điểm làm xét nghiệm chính xác nhất, nguyên lý vẫn sử dụng những xét nghiệm như trên nhưng thời điểm này lượng kháng thể sản xuất đã đủ lớn hoặc virus HIV đã sinh sôi nhiều trong máu có thể phát hiện dễ dàng và chính xác chỉ bằng test nhanh.

Hiện nay trung tâm dịch tễ, nhiều bệnh viện và trung tâm y tế ở các thành phố đều có xét nghiệm HIV. Các trung tâm y tế tỉnh cũng có dịch vụ này. Vì vậy, khi có nhu cầu, bạn có thể đến đó xét nghiệm. Nếu ngại, bạn có thể gọi điện thoại đặt trước để khi đến bạn chỉ cần hỏi tên, không phải nói “Cho tôi xét nghiệm HIV".

Bạn hãy gọi điện đến các trung tâm y tế quận, tỉnh, nơi thường có dịch vụ xét nghiệm và tư vấn HIV. Hoặc bạn tham khảo danh sách một số cơ sở xét nghiệm và tư vấn HIV/AIDS trên địa bàn.

Thúy Vân

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]