Giám định hàm lượng chất ma túy để xét xử đúng người, đúng tội, tránh oan sai

09/06/2015 Lượt xem: 907 In bài viết

Quy định của pháp luật đối với các tội phạm về ma túy

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: trong những năm qua, tình hình tội phạm ma túy ở nước ta diễn biến hết sức phức tạp. Việt Nam vẫn là địa bàn trung chuyển ma túy từ các nước trong khu vực Đông Nam Á sang nước thứ ba tiêu thụ trên nhiều tuyến, nhiều cửa khẩu; nguồn ma túy chủ yếu được thẩm lậu từ nước ngoài với nhiều chủng loại khác nhau. Các đối tượng phạm tội về ma túy được phát hiện ở hầu hết các địa bàn trong cả nước từ thành phố đến nông thôn, từ biên giới, hải đảo, đến vùng núi cao, rừng sâu hẻo lánh. Tội phạm ma túy ở nước ta có xu hướng gia tăng về số lượng; tính chất, mức độ của tội phạm, phương thức thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn và chống trả quyết liệt khi bị truy bắt.

Để trừng trị nghiêm khắc các đối tượng phạm tội về ma túy, BLHS năm 1999 đã dành hẳn Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” gồm 9 Điều (từ Điều 192 đến Điều 201) để quy định các hành vi và khung hình phạt đối với những tội phạm về ma túy. Các đối tượng khi đã phạm các tội về ma túy thì tùy từng hành vi cụ thể mà bị xử phạt ở các khung hình phạt khác nhau và cao nhất là tử hình. Theo quy định tại Chương XVIII của BLHS thì những loại thảo mộc có chứa chất ma túy như: lá, hoa, quả cây cần sa; lá cô ca; quả thuốc phiện; có những chất ma túy được tinh chế qua quá trình sản xuất như: hêrôin, côcain, nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa, cao cô ca, các chất ma túy khác ở thể rắn và thể lỏng.

Về các chất được coi là túy, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật phòng chống ma túy thì: Chất ma túy là các chất gây nghiện, chất hướng thần được quy định trong các danh mục do Chính phủ ban hành. Chất gây nghiện là chất kích thích hoặc ức chế thần kinh, dễ gây tình trạng nghiện đổi với người sử dụng. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều lần có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối vớỉ người sử dụng. Tiền chất là các hóa chất không thể thiếu được trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong các danh mục do Bộ Y tế ban hành. Cây có chứa chất ma túy bao gồm cây thuốc phiện (cây anh túc), cây cô ca, cây cần sa hoặc cây khác có chứa chất ma tuý do Chính phủ quy định.

Trong Danh mục chất ma túy ban hành kèm theo Nghị định số 82/2013/NĐ-CP ngày 19/7/2013 của Chính phủ thì chất ma túy bao gồm nhiều loại chất gây nghiện, chất hướng thần khác nhau; mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mức độ nguy hiểm khác nhau, từ đó các biện pháp quản lý, kiểm soát và xử lý đối với người vi phạm cũng khác nhau. Tùy thuộc vào tính chất nguy hiểm của từng loại ma túy mà khung hình phạt áp dụng tương ứng với trọng lượng của từng loại chất ma túy được quy định khác nhau.

Ví dụ: Theo quy định tại khoản 3 Điều 194 của BLHS thì người mua bán trái phép quả thuốc phiện tươi có trọng lượng từ 50 kg đến dưới 150 kg thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm. Cũng với khung hình phạt ấy, nhưng người mua bán trái phép nếu chất ma túy là hêrôin hoặc côcain thì trọng lượng quy định là từ 30 gam đến dưới 100 gam. Như vậy, việc xác định loại chất ma túy, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy trong các vụ án về ma túy là rất quan trọng và là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

Thông tư liên tịch: Thống nhất việc áp dụng

Để áp dụng đúng và thống nhất các quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của BLHS năm 1999, ngày 24/12/2007, Bộ Công an, VKSNDTC, TANDTC, Bộ Tư pháp ký Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (viết tắt là Thông tư liên tịch số 17) để hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII của BLHS năm 1999.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.4 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17 thì: Trong mọi trường hợp, khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưmg cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất. Nếu chất được giám định không phải là chất ma túy hoặc không phải là tiền chất dùng vào việc sản xuất trải phép chất ma túy nhưng người thực hiện hành vi ý thức rằng chất đó là chất ma túy hoặc chất đó là tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy, thì tùy hành vi phạm tội cụ thể mà trưy cứu trách nhiệm hình sự người đó theo tội danh quy định tại khoản 1 của điều luật tương ứng đối với các tội phạm về ma túy. Trường hợp một người biết là chất ma túy giả nhưng làm cho người khác tưởng là chất ma túy thật nên mua bán, trao đổi... thì người đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm về ma túy mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 BLHS, nếu thoả mãn các dấu hiệu khác nữa trong cấu thành tội phạm của tội này.

Tại tiết a và b tiểu mục 1.1 mục 1 phần I Thông tư liên tịch số 17 cũng hướng dẫn: Đối với các chất ma túy ở thể rắn được hòa thành dung dịch (như dung dịch thuốc phiện, dung dịch hêrôin dùng để tiêm, chích) hoặc chất ma túy ở thể lỏng đã được pha loãng để tiện cho việc sử dụng thì không coi toàn bộ dung dịch này là chất ma túy ở thể lỏng mà cần xác định hàm lượng moocphin trong dung dịch để tính trọng lượng của chất ma túy đó. Đối với xái thuốc phiện thì không coi là nhựa thuốc phiện mà phải xác định hàm lượng moocphin trong xái thuốc phiện để tính trọng lượng của thuốc phiện”.

Theo Từ điển tiếng Việt thì hàm lượng là “lượng của một chất chứa trong một hỗn hợp hoặc trong một chất nào đó, tính bằng phần trăm (%) . Như vậy, hàm lượng chất ma túy là phần trăm chất ma túy có trong chất nghi là ma túy được giám định. Phải xác định được hàm lượng chất ma túy có trong chất nghi là ma túy thì cơ quan tiến hành tố tụng mới có thể xác định chính xác được trọng lượng chất ma túy để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Theo quy định tại Điều 194 của BLHS thì người mua bán trái phép hêrôin từ 30 gam đến dưới 100 gam thì bị phạt tù đến 20 năm; nếu từ 100 gam hêrôin trở lên thì có thể bị phạt tù chung thân hoặc tử hình. Ví dụ: một vụ án mà tang vật nghi là chất ma túy thu giữ được có trọng lượng là 1000 gam; theo quy định, trọng lượng hêrôin thu được là 1000 gam thì Tòa án sẽ xử bị cáo ở mức án tử hình. Nhưng nếu kết quả giám định chỉ có 5% là hêrôin thì trọng lượng hêrôin được xác định sẽ là 1000 gam X 5% = 50 gam; khi xác định chính xác chỉ có 50 gam hêrôin thì bị cáo chỉ bị xét xử tối đa là 20 năm tù.




Giám định chất ma túy tại công an tỉnh Quảng Ninh

Công văn 234 của TANDTC là cần thiết, đúng quy định

Như vậy Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP để hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII của BLHS năm 1999 là rất quan trọng. Đặc biệt theo quy định tại Phần I, mục 1.4 của Thông tư liên tịch này thì: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất”.

Tuy nhiên qua công tác giám đốc việc xét xử, TANDTC thấy còn có nhiều trường hợp HĐXX chỉ căn cứ vào kết quả giám định về trọng lượng của các chất nghi là ma túy để kết tội các bị cáo, mà không yêu cầu xác định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu được đó, như vậy là áp dụng không đúng quy định của Bộ luật Hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên ngành, dẫn đến hậu quả có thể xét xử bị oan sai.

Để khắc phục tình trạng này, ngày 17/9/2014, TANDTC ban hành Công văn số 234/TANDTC-HS yêu cầu TAND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, TAND các huyện, quận, thị xã thuộc tỉnh, Tòa án quân sự các cấp cần quán triệt và triển khai thực hiện đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17, đó là khi xét xử các vụ án phạm tội về ma túy thì phải có kết quả trưng cầu giám định hàm lượng ma túy trong các chất thu giữ được nghi là ma túy, từ đó xác định đúng trọng lượng chất ma túy để kết tội các bị cáo. Yêu cầu này của TANDTC là chấp hành theo đúng Hướng dẫn của Thông tư liên tịch số 17 mà 4 cơ quan Trung ương đã ký để làm căn cứ cho Tòa án kết tội các bị cáo bảo đảm khách quan, chính xác.

Theo Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình: Các cơ quan tố tụng phải thực hiện nghiêm việc giám định hàm lượng chất ma túy theo đúng hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 17 thì Tòa án mới có căn cứ để tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Nếu khi thụ lý hồ sơ vụ án từ Viện kiểm sát mà trong hồ sơ không có kết quả giám định hàm lượng chất ma túy trong các chất thu giữ được nghi là chất ma túy thì không có đủ căn cứ để Tòa án giải quyết vụ án và có thể dẫn đến kết quả xét xử bị oan sai, đặc biệt là đối với những vụ án nghiêm trọng có mức án chung thân hoặc tử hình; hậu quả xảy ra sẽ rất lớn, thậm chí không thể khắc phục được.

Như vậy, việc yêu cầu về giám định chất ma túy theo Thông tư liên tịch số 17 và Hướng dẫn tại Công văn 234 của TANDT là thực sự cần thiết, hoàn toàn phù hợp với quy định của BLHS, Luật phòng chống ma túy và các văn bản pháp luật có liên quan; bảo đảm tính đúng đắn, khoa học và đây cũng chính là cơ sở vững chắc để HĐXX Tòa án các cấp tuyên một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, tránh oan sai…

 

Nguồn: congly.com.vn

[TT: TBC]