Làm ma túy giả: Xử như thế nào?

09/06/2015 Lượt xem: 1388 In bài viết

Trộn với cafein

Năm 2003, lần đầu tiên thủ đoạn làm giả chất heroin tinh để hòng làm tăng thêm lợi nhuận được công khai khi lực lượng chức năng bắt được trùm ma túy Hải “luận”.

Đến thời điểm này, giới buôn bán ma túy vẫn tôn Nguyễn Văn Hải (Hải “luận) là ông trùm của tập đoàn ma túy lớn nhất nước bị bắt từ trước đến nay. Tại thời điểm Nguyễn Văn Hải được đưa ra xét xử, đối tượng cùng 28 đồng phạm thực hiện mua bán trên 2.350 bánh heroin (tương đương 800 kg). Đây được coi là vụ án được đánh giá là lớn nhất thời điểm lúc bấy giờ, một trong những vụ án buôn bán ma túy có số lượng lớn nhất trong lịch sử tố tụng Việt Nam).

Hải “luận” đã bắt tay với Dũng “lừng” để pha chế heroin. Cứ 10 bánh heroin mua về, Dũng và Hải lại đem xay nhuyễn, pha thêm cafein, paracetamol, dùng máy ép thành 11 bánh kém chất lượng bán kiếm lời.

Cũng là một chân rết trong đường dây của Hải “luận”, Trần Văn Hợi tức Hợi “chim cú” đã được ông trùm Phạm Văn Hạnh (Hạnh “cầm”) đưa ra nước ngoài để cầm đầu một đường dây chuyên thu mua, vận chuyển ma túy về Việt Nam. Không chỉ cung cấp nguồn hàng cho đầu mối trong nước, Trần Văn Hợi còn tự thiết lập một đường dây cho riêng mình bằng việc mua máy ép thủy lực, máy xay bột, nhiều bộ khuôn ép heroin… để điều chế lại ma túy trước khi vận chuyển vào nội địa. Mạnh tay hơn ông trùm Hải “luận”, cứ 4 bánh heroin nguyên chất mua sau khi pha trộn với cafein và các loại thuốc tân dược như Paracetamon, B1, B6… Hợi đã chế thành 6 bánh, đưa về Việt Nam bán với giá 7.000 USD/bánh.

Thêm axit độc

Sau khi đường dây của Hạnh “cầm” và Dũng “lừng” bị bóc gỡ, thêm một bí quyết làm giàu của một ông trùm ma túy khác cũng nổi tiếng không kém đã được công khai, đó là Trịnh Nguyên Thủy. Đây được coi là đối tượng sản xuất heroin đầu tiên tại Việt Nam.

Sinh ra và lớn lên tại Nghĩa Lộ, Yên Bái, Thủy sớm làm quen với thuốc phiện. Với thâm niên trong nghề, lại được tiếp thu một số “công nghệ”, Thủy nung naaos ý định sản xuất hàng trắng để tung ra thị trường và tiến tới “xuất khẩu”. Thủy đã phối hợp với một kỹ sư hóa hoạc và những cộng sự thân cận mở “xưởng” sản xuất heroin ngay tại nhà mình ở Hà Nội. Nếu như từ 100kg thuốc phiện đen nguyên chất chỉ có thể tạo ra được khoảng 5-6 kg heroin, tương đương 17-18 bánh, nhưng với bản chất ma mãnh của mình, Thủy đã học được cách điều chế heroin từ thuốc phiện theo tỷ lệ 1/8 tức là từ 100kg hàng đen sẽ được điều chế thành 8kg heroin (khoảng 24-25 bánh). Và để đánh lừa các con nghiện đồng thời để đảm bảo độ phê, bên cạnh việc cho vào nhiều chất phụ gia, Thủy còn thêm vào cả những loại axit cực độc để tạo hưng phấn cho người dùng và còn nhằm mục đích át đi những chất phụ gia khác.

“Chế” từ bột ngọt, phân ure, thuốc trừ sâu…



Các loại ma túy tổng hợp dạng viên cũng được làm giả tinh vi

Những năm dần đây, ma túy tổng hợp (MTTH) được giới trẻ ưa chuộng, nhiều đối tượng đã làm giả MTTH nhằm đánh lừa dân nghiện. Các đối tượng sử dụng một số loại hóa chất hóa học có hình dạng giống như các loại ma túy đá, ketamin để trộn thêm vào các loại MTTH thật bán kiếm lời. Như vụ ngày 18/6/2012, Lê Đình Mạnh trú tại 14 ngõ Đồng Nhân, phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng bị tạm giữ vì nghi tàng trữ chất MTTH dạng đá, tuy nhiên, qua giám định, đây chỉ là Dimethyl Sulfone - một loại chất hóa học chuyên dùng để nuôi cấy mô động vật, thực vật, nuôi cấy tế bào có hình thức và một số thành phần hóa học tương đối giống MTTH dạng “đá”. Loại chất được các đối tượng rất chuộng để độn vào MTTH thật nhằm tăng trọng lượng nhưng tác hại gây ra rất khó lường.

Đầu tháng 9/2014, Công an Thành phố Hải Phòng đã phá vỡ đường dây sản xuất, buôn bán thuốc lắc giả đo Đà Anh Ngọc cầm đầu. Đào Ngọc Anh khai nhận đã mua máy dập từ Trung Quốc với giá 40 triệu đồng đưa về nhà em trai Đào Ngọc Doanh cất giấu và sản xuất. Đào Ngọc Anh chỉ đạo đám đàn em sử dụng các loại nguyên liệu như: thạch cao, bột mỳ, bột đậu xanh, bột ăn dặm trẻ em và bột nghệ để làm viên nén ma túy tổng hợp giả. Trung bình mỗi phút các đối tượng dập được 90 viên và mỗi ngày có thể cho xuất xưởng tới chục nghìn viên. Về hình thức không khác viên “thuốc lắc”. Chỉ khi sử dụng, dân “bay” không thể “cất cánh” mới phát hiện bị lừa.

Hay mới đấy nhất, vào chiều 11/4/2015, cơ quan CSĐT Công an quận Thủ Đức (TP.HCM) cho biết, vừa triệt phá thành công ổ nhóm chế biến ma túy từ thuốc tăng trọng, hóa chất, ... của Lê Vũ Thanh Hiếu (SN 1980, ngụ phường 7, quận Bình Thạnh) và Nguyễn Thị Thanh Thúy (SN 1965, trú phường 14, quận 4) khiến không ít người bàng hoàng. Hiếu khai nhận, để có tiền tiêu xài, y mua ma túy, heroin từ các nơi khác đem về khách sạn, nghiền nhỏ trộn với các loại hóa chất, sấy khô, ép lại thành cục và chia theo tỉ lệ rồi bán cho người nghiện tại các Q.5, Q.6, Q.ll.

Theo đó, Hiếu mua 5 “chỉ” heroin với giá 2,8 triệu đồng/“chỉ”, mang về khách sạn pha với thuốc tăng trọng dành cho cá, bỏ vào máy xay sinh tố xay, sau đó sấy khô rồi bỏ vào máy ép cho ra 10 “chỉ” heroin, đem đi bán với giá khoảng 25 triệu đồng. Đối với ma túy đá, Hiếu mua một “hộp” giá 8 triệu đồng đem về pha với hóa chất, ít muối ăn... rồi sấy khô đưa vào máy ép thành “3 hộp” bán 7,5 triệu đồng/“hộp”. Hiếu khai, “hàng” làm ra chúng đem bán hết chứ không dám sử dụng vì sợ độc hại cho sức khỏe.

Xử tội gì?

Không khó để thấy rằng, hiện nay chiêu trò “độn” phụ gia đã không còn là bí quyết riêng của các ông trùm mà chúng đã được các đối tượng buôn bán ma túy truyền tai nhau và sử dụng như một cách để tăng lợi nhuận nhanh nhất, khiến cho công tác đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy ngày càng trở nên khó khăn và phức tạp.

Theo điều tra của cơ quan công an, nếu như cách đây 10 năm, hàm lượng heroin nguyên chất thường đạt từ 40% đến 60% trong 1 bánh heroin (trọng lượng gần 350 gram) thì hiện nay tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn từ 10% đến 15%, trong đó chiếm 2/3 lượng chất “độn” vào bánh heroin là những hóa chất công nghiệp độc hại.

Việc sử dụng ma túy đã độc hại, nguy hiểm thì sử dụng các loại ma túy trộn, ma túy được người nghiện tự pha chế từ các loại hóa chất thì càng nguy hiểm gấp nhiều lần. Như việc độn thêm paracetamol, đây là chất khi dùng liều cao (>4g/ngày) sau thời gian tiềm tàng 24 giờ, sẽ xuất hiện hoạt tử tế bảo gan có thể tiến triển đến chết sau 5 – 6 ngày. Hay như việc cho hóa chất dimethylt vào pha trộn với ma túy tổng hợp. Đây là hóa chất được sử dụng như một loại dung môi dùng để sản xuất nhựa acrylic, thuốc nhuộm màu, thuốc trừ sâu; hay sufone - hóa chất chuyên dùng để nuôi cấy mô động vật, thực vật, nuôi cấy tế bào…Loại chất được các đối tượng rất chuộng để độn vào MTTH thật nhằm tăng trọng lượng nhưng tác hại gây ra khó lường.

Theo Đại tá Nguyễn Đình Khu, Trưởng phòng Phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm về tiền chất và ma túy tổng hợp (Phòng 4), Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (C47, Bộ Công An), cho biết, việc làm giả ma túy không chỉ làm hại sức khỏe người sử dụng mà còn tạo ra những mâu thuẫn trong giới giang hồ, là nguyên nhân có thể dẫn đến những hành vi trả thù, cưỡng đoạt, cố ý gây thương tích và truy sát nhau. Bên cạnh đó, việc sử dụng các chất phụ gia khác không thuộc thành phần chất cấm để làm giả ma túy bán kiếm lời cũng khiến cơ quan chức năng khó xử lý các đối tượng.

Về việc xác định chính xác dấu hiệu vi phạm pháp luật để từ đó áp dụng chế tài xử lý, Luật sư Trần Văn Toàn, Văn phòng luật sư Khánh Hưng - Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, chất ma túy bao gồm nhiều loại khác nhau, mỗi loại có cấu tạo, thành phần, mục đích sử dụng khác nhau, do đó cần được xác định, phân loại, để có các biện pháp xử lý theo các mức độ khác nhau.

Điều 194 Bộ luật hình sự quy định:"Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma túy: Người nào tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất ma tuý, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm....".

Ngày 24/12/2007, Bộ Công an - VKSNDTC - TANDTC- Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương XVIII “Các tội phạm về ma túy” của Bộ luật Hình sự. Tại Phần I, mục 1.4 của Thông tư liên tịch số 17 quy định: “Trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất” thì mới có căn cứ để xử lý về tội danh liên quan tới ma túy, đồng thời làm căn cứ xác định khu hình phạt.

Theo quy định trên, thì trong mọi trường hợp khi thu giữ được các chất nghi là chất ma túy hoặc tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy thì đều phải trưng cầu giám định để xác định loại, hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất.

Căn cứ vào kết luận giám định để xem xét, áp dụng biện pháp xử lý:

Trường hợp chất đem giám định không có hàm lượng, trọng lượng chất ma túy, tiền chất ma túy (không có giá trị sử dụng, công dụng gây nghiện): Đối tượng thực hiện hành vi mua bán chất giả là ma túy có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (thủ đoạn gian dối bằng hình thức bán ma túy giả lấy tiền nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác) .

Trường hợp chất đem giám định có hàm lượng, định lượng chất ma túy thấp hơn, nhưng vẫn có giá trị sử dụng, công dụng gây nghiện. Đối tượng thực hiện sản xuất trái phép chất ma túy loại này có dấu hiệu phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy.

 

Hoàng Anh

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]