Những tình huống dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm HIV

21/04/2015 Lượt xem: 1348 In bài viết

Anh Hoàng Khắc Sửu ở Nghệ An bị chẩn đoán nhầm nhiễm HIV trong suốt 13 năm nay. Sự việc khiến khiều bệnh nhân đang sống với HIV cảm thấy hoang mang và lo ngại về khả năng chính bản thân mình lâm phải tình cảnh oái oăm này.

Nhiều năm công tác trong lĩnh vực phòng và điều trị HIV, bác sĩ Nguyễn Tấn Thủ cho biết trường hợp trả sai kết quả như của anh Sửu xảy ra khá hy hữu vì khả năng xảy ra chẩn đoán nhầm HIV rất thấp. "Chẩn đoán một người nhiễm HIV không được dựa vào các biểu hiện hay triệu chứng mà phải dựa trên kết quả xét nghiệm. Trên thế giới thi thoảng có báo cáo một vài trường hợp trả kết quả xét nghiệm sai, song tỷ lệ rất thấp so với tổng số ca xét nghiệm".

Theo bác sĩ, "nhiễm HIV/AIDS đồng nghĩa với nhận bản án tử hình" vốn là quan niệm vẫn còn đeo đẳng và ám ảnh mọi người. Trên góc độ y học đây là căn bệnh mạn tính chưa trị khỏi được. Chính vì sự khắc nghiệt này mà quy trình chẩn đoán đòi hỏi tính chính xác rất cao.

Một bệnh nhân chỉ được khẳng định nhiễm HIV khi có kết quả cùng lúc dương tính với 3 loại xét nghiệm khác nhau trên cùng một mẫu máu, hai xét nghiệm trong số đó phải có độ đặc hiệu lên đến 95-99%. Độ đặc hiệu cao như vậy đảm bảo cho kết quả xét nghiệm dương tính hiếm khi là dương tính giả, đặc biệt là khi kết hợp cả hai xét nghiệm nhằm tăng thêm độ chính xác.

Mặt khác, xét nghiệm khẳng định chỉ được thực hiện ở một số cơ sở y tế được cấp phép và giám sát thường xuyên. Quy định này góp phần giúp cho kết quả xét nghiệm tăng thêm độ chính xác, hạn chế tối đa sự lầm lẫn. Bác sĩ Thủ mô tả tổng quan về quy trình xét nghiệm HIV đang được áp dụng trên đa số phòng xét nghiệm được cấp phép như sau:

1. Tư vấn hành vi nguy cơ: Khách hàng đến xét nghiệm sẽ được tư vấn viên thu thập một số thông tin cơ bản xoay quanh hành vi nguy cơ của họ. Sau khi xác định nhu cầu xét nghiệm, khách hàng được chuyển sang khu vực lấy máu.

2. Lấy máu từ khách hàng do điều dưỡng thực hiện.

3. Tiến hành xét nghiệm trên mẫu máu trong phòng xét nghiệm. Thông thường, xét nghiệm được áp dụng có độ nhạy cao nhằm loại trừ các trường hợp âm tính. Các mẫu máu cho kết quả dương tính với xét nghiệm sàng lọc sẽ được làm thêm 2 xét nghiệm chuyên biệt nữa trước khi có kết quả khẳng định chẩn đoán dương tính. Chỉ một số cơ sở lớn được cấp phép thực hiện xét nghiệm khẳng định, còn lại đa số cơ sở khác phải chuyển gửi mẫu máu đến trung tâm lớn để yêu cầu xét nghiệm khẳng định.

4. Trả kết quả xét nghiệm cho khách hàng: Tư vấn viên trực tiếp trao trả kết quả cho chính khách hàng tại phòng tham vấn.

Trong suốt quá trình này, toàn bộ tư liệu bao gồm phiếu tư vấn, mẫu máu, kết quả, sổ sách đều gắn liền với một mã số độc nhất do đơn vị xét nghiệm cung cấp riêng cho mỗi khách hàng. Chính mã số này có vai trò quan trọng gắn kết các khâu trong quy trình vốn thực hiện bởi nhiều nhân viên tại các phòng độc lập với nhau.

Với trường hợp anh Sửu, bác sĩ Tấn Thủ cho rằng việc chẩn đoán lầm có thể là sơ sót hiếm có xảy ra trong các bước của quy trình. Nguyên nhân có thể do chủ quan lẫn khách quan, chẳng hạn như:

- Sai sót trong mã khách hàng. Thời điểm xảy ra vụ việc là năm 2003, mã số của đa số xét nghiệm được viết tay trực tiếp lên ống nghiệm thay vì dán mã vạch như hiện nay. Việc viết tay như vậy đôi khi có sự nhầm lẫn giữa người viết và người đọc, dẫn đến sự nhầm lẫn khi chuyển qua các khâu và cả kết quả trả về. Kết quả là người này nhận kết quả người kia.

- Sai sót trong quá trình chuyển mẫu máu và kết quả giữa các khâu hoặc nhầm lẫn của kỹ thuật viên trong phòng xét nghiệm. Con người ai cũng có thể phạm sai lầm và nhân viên y tế không ngoại lệ. Tuy nhiên, khả năng sai sót của nhân viên phòng xét nghiệm là không cao do sự nghiêm nhặt trong kỹ thuật và quy tắc giám sát chéo lẫn nhau. Sự cố này càng ít xảy ra khi số lượng khách hàng đến ít và rải rác.

Anh Sửu được xét nghiệm HIV trong chương trình giám sát trọng điểm, hiểu đơn giản là xét nghiệm tập trung trên hàng loạt người nhằm đánh giá tình hình dịch tễ trong một nhóm dân số cụ thể để nắm bắt diễn tiến của dịch. Khi đó, số lượng ca có thể lên đến vài chục người cùng lúc, rủi ro xảy ra lầm lẫn sẽ phần nào gia tăng.

- Sai sót do chính các xét nghiệm. Dù thực hiện với độ chính xác tuyệt đối về mặt kỹ thuật, bất kỳ xét nghiệm nào cũng có khả năng cho ra kết quả sai, thuật ngữ y tế gọi là dương tính giả hay âm tính giả.

Theo ghi nhận của bác sĩ Thủ, sau sự việc của anh Sửu, nhiều người có kết quả nhiễm HIV đến gặp nhân viên tư vấn bày tỏ băn khoăn "Tôi có nên nghi ngờ kết quả xét nghiệm mình đã thực hiện không?". "Câu trả lời là không nên, vì sự nhầm lẫn như vậy là hy hữu, có nghĩa rất hiếm gặp”, bác sĩ Thủ khuyến cáo.

"Năm 2003 khi anh Sửu làm xét nghiệm HIV, các thiết bị và trình độ kỹ thuật viên nói chung không bằng hiện nay nên xác suất sai lầm tất yếu cao hơn. Hiện kỹ thuật xét nghiệm HIV đã có nhiều cải tiến, giảm hẳn tỷ lệ chẩn đoán sai và chẩn đoán sót", bác sĩ khẳng định.

Mặt khác, chính quá trình theo dõi của bác sĩ điều trị dựa trên lâm sàng và chỉ số miễn dịch góp phần khẳng định thêm cho chẩn đoán ban đầu. Như trong trường hợp anh Sửu, chính vị bác sĩ điều trị đã gợi ý làm lại xét nghiệm sau khi đánh giá diễn tiến lâm sàng và miễn dịch không phù hợp với diễn tiến của bệnh. Chỉ tiếc là do còn trong thời gian chấp hành án, các chăm sóc của bác sĩ điều trị cho anh Sửu có phần hạn chế, do vậy mãi đến 13 năm sau anh mới được tái khẳng định âm tính.

Thúy Ngọc

Nguồn vnexpress.vn

[TT: TBC]