Giải pháp xóa bỏ cây có chứa chất ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số
09/04/2015 Lượt xem: 912 In bài viếtTheo báo cáo của các địa phương trong cả nước thì niên vụ 2008-2009 cả nước còn trồng và tái trồng 46,655 ha cây có chứa chất ma túy, trong đó diện tích cây thuốc phiện là 45,435ha, diện tích trồng cần sa là 4.287m2, toàn bộ diện tích trồng và tái trồng cây thuốc phiện và cây cần sa đã được phá nhổ 100% diện tích và thu giữ 7243kg lá, thân cây cần sa.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc tình trạng trồng
và tái trồng cây có chứa chất ma túy trên địa bàn cả nước còn nhiều là do người
dân trồng các loại cây này để có thuốc hút tại chỗ. Theo thống kê chưa đầy đủ,
các tỉnh miền núi phía bắc ở các bản làng vùng cao hiện nay còn khoảng trên
6.000 người nghiện do đó họ vẫn trồng để có thuốc hút. Trong khi heroin và các
loại thuốc gây nghiện khác giá bán cao lại đang bị truy quét quyết liệt nên
trồng thuốc phiện, cần sa giá vừa rẻ lại dễ chế biến để hút. Một nguyên nhân
cũng rất quan trọng là lợi nhuận từ việc trồng các loại cây trồng này mang lại,
qua điều tra, khảo sát đồng bào dân tộc thiểu số ở các địa phương vẫn biết việc
trồng cây cần sa, cây thuốc phiện là vi phạm pháp luật, song vẫn cố tình vi phạm
vì lợi nhuận của những loại cây này cao hơn nhiều lần so với trồng các cây trồng
khác. Hơn nữa, thuốc phiện và cần sa là loại cây dễ trồng, chỉ cần tra hạt không
cần chăm sóc vẫn cho thu hoạch với năng suất cao và là loại cây rất phù hợp với
điều kiện thời tiết ở vùng cao có nhiều sương mù, có thể trồng quanh năm. Với
thực trạng đó thì số người nghiện có chiều hướng gia tăng trong đồng bào dân tộc
thiểu số cũng là điều dễ hiểu.
Một nguyên nhân khiến cho việc ngăn chặn trồng và tái trồng cây có chứa chất ma
túy chưa hiệu quả là lực lượng cán bộ thực hiện nhiệm vụ này chủ yếu làm công
tác kiêm nhiệm những công việc khác nên thiếu cả lượng lẫn thời gian triển khai
thực hiện. Việc phát hiện trồng và phá nhổ chủ yếu vẫn là chính quyền cấp xã,
bản song một số nơi còn thiếu quan tâm đến công tác vận động, thiếu biện pháp
kiểm tra quản lý và giám sát địa bàn, thậm chí còn sợ tiêu cực không kiên quyết
xử lý các hộ còn cố tình tái trồng. Ngoài ra, mặc dù trong những năm qua đời
sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng trồng cây thuốc phiện trước đây luôn
được quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, song
nhìn chung vẫn còn thấp so với mặt bằng dân trí, nguồn vốn đã đầu tư chưa phù
hợp với yêu cầu đặt ra, nên đời sống của đồng bào còn khó khăn, cơ sở hạ tầng
nhất là đường giao thông còn nhiều bất cập nên nhiều sản phẩm làm ra không bán
được. Trong khi đó, việc trồng cây thuốc phiện và cây cần sa sản phẩm rất gọn
nhẹ nên việc vận chuyển, tiêu thụ khá dễ dàng.
Để ngăn chặn có hiệu quả việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trong
đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các
đơn vị trong ngành thực hiện các biện pháp chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông
nghiệp nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích. Bộ đã phối hợp với
UBND các tỉnh chỉ đạo lồng ghép các nguồn vốn của chương trình, dự án như chương
trình 135, chương trình 134,132, Nước sạch Vệ sinh Môi trường và chương trình
Xóa đói Giảm nghèo. Các nguồn vốn lồng ghép hỗ trợ đầu tư đã tạo nguồn lực đáng
kể nhằm phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế trên địa bàn vùng cao,
phần lớn các tỉnh trên địa bàn toàn quốc đã dần chuyển dịch theo hướng sản xuất
hàng hóa, hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với chế biến các loại cây
công nghiệp, cây ăn quả…Kết quả bước đầu đã có chuyển biến tích cực trong việc
áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa những giống cây trồng, vật nuôi mới
vào trong sản xuất làm tăng sản lượng lương thực, thực phẩm tại chỗ góp phần ổn
định đời sống tăng thu nhập cho đồng bào. Kết quả rỏ nhất là một số tỉnh miền
núi phía bắc, các tỉnh tây nguyên và các tỉnh miền trung tình hình trồng và tái
trồng cây có chứa chất ma túy đã có những chuyển biến tích cực. Bộ Nông nghiệp
và Phát triển Nông thôn đã chỉ đạo các Cục, Vụ, Viện tập trung xây dựng mô hình
trồng và chăn nuôi một số loại vật nuôi cây trồng vật nuôi, nghiên cứu và thực
nghiệm để chọn ra những vật nuôi, cây trồng phù hợp với điều kiện canh tác, khí
hậu thời tiết của từng vùng miền. Kết quả cho thấy trong những năm gần đây hàng
nghìn mô hình cây con điển hình được nhân ra đại trà. Đồng bào đã tự giác chuyển
đổi khoảng 150.000 ha đất canh tác bạc màu sang thâm canh trồng giống mới, nhất
là giống ngô lai cho năng suất cao, phương pháp chăn nuôi trâu bò cao sản theo
phương pháp chăn nuôi công nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ cũng đã được thực
hiện có hiệu quả. Bộ cũng chỉ đạo định hướng tiêu thụ sản phẩm cho một số địa
phương trọng điểm. Thực tế cho thấy thông qua việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng,
phát triển sản xuất nông nghiệp đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống,
xóa đói giảm nghèo cho các vùng đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Bộ cũng đã
thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhắc nhở các địa phương triển khai các biện pháp
cấm trồng và xóa bỏ diện tích tái trồng, nhất là ở các tỉnh trọng điểm như: Sơn
La, Yên Bái, Lai Châu, một số tỉnh Tây nguyên, Quảng Bình, Quảng Trị… Qua đó đã
giúp địa phương quản lý tốt địa bàn và kiên quyết triệt xóa cây có chứa chất ma
túy. Việc in ấn tờ rơi, tờ gấp và phát xuống tận làng, bản cũng đã giúp nhân dân
nhận biết được cây thuốc phiện, cây cần sa, qua đó giúp cán bộ cơ sở tuyên
truyền đến đồng bào về Luật phòng chống ma túy và tác hại của nó. Ở nhiều địa
phương, thông qua các hội nghị già làng, trưởng bản hàng năm cũng đã tổ chức ký
cam kết giữa chính quyền các cấp với việc thực hiện 3 không (không trồng cây có
chứa chất ma túy, không buôn bán, tàng trữ, không nghiện hút ma túy).
Trong những năm vừa qua, tình trạng di cư tự do của đồng bào dân tộc thiểu số diễn biến hết sức phức tạp. Vấn đề này không chỉ phá vỡ quy hoạch sản xuất ở nơi đến, mà còn mang tệ nạn xã hội trong đó bao gồm cả việc trồng cây có chứa chất ma túy, buôn bán tàng trữ và tình trạng nghiện hút. Do vậy cần làm tốt công tác quy hoạch, bố trí lại dân cư những nơi cần thiết nhằm định canh định cư cho đồng bào yên tâm sản xuất, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý việc tái trồng, buôn bán tàng trữ, nghiện hút thuốc phiện. Ngoài ra, các địa phương cũng cần tổ chức bình bầu khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân điển hình về công tác chuyển đổi cây trồng và gương mẫu không tái trồng. Bên cạnh đó cần kiên quyết xử phạt nghiêm đối với các hộ cố tình tái trồng, có thể xử phạt truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, những người đứng đầu huyện, xã, bản để các hộ tái trồng và trồng cây có chứa chất ma túy với diện tích lớn cũng chịu các hình thức kỷ luật với lãnh đạo cấp trên. Với những biện pháp căn cơ lâu dài và mang tính thực tiễn cao như vậy thì trong thời gian tới hy vọng tình trạng trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy trong đồng bào dân tộc thiểu số sẽ được giảm thiểu đáng kể.
ĐN
Nguồn w3.lamdong.gov.vn
[TT: TBC]