Triệt phá hoàn toàn diện tích tái trồng cây thuốc phiện tại một số tỉnh biên giới
17/12/2019 Lượt xem: 2287 In bài viếtTrong năm 2019, chính quyền địa phương các tỉnh đã tổ chức tuyên truyền, kiểm tra và vận động nhân dân nhất là đồng bào dân tộc thiểu số không trồng và tái trồng cây có chứa chất ma tuý, thay thế cây trồng mới, chuyển hướng sản xuất, tạo nguồn thu nhập ổn định. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát các địa bàn, tổ chức họp dân để quán triệt và tổ chức ký cam kết không tái trồng, tàng trữ, buôn bán chất ma tuý đến từng hộ dân.
Tuy nhiên, nguy cơ tái trồng cây có chứa chất ma tuý vẫn còn tiềm ẩn phức tạp, nhất là ở các bản đồng bào Mông ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa có biên giới với Lào. Từ tháng 12/2018 đến 30/9/2019 đã phát hiện và triệt phá hoàn toàn diện tích tái trồng cây thuốc phiện tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Đắk Lắk.
Theo tổng hợp báo cáo của lực lượng chức năng đã triệt phá 2.0213 m2 trồng cây thuốc phiện (tỉnh Sơn la 20.000 m2 ở bản Suối Khang, xã Suối Tọ, huyện Phù Yên; tỉnh Yên Bái 20 m2 ở bản Thào Xa Chải, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải; tỉnh Điện Biên 193 m2 ở các huyện Mường Ảng, Điện Biên Đông, Tủa Chùa, Mường Chà. Nhổ bỏ 194 cây cần sa ở huyện Cư M'gar, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột.
Bên cạnh đó, tình hình người nghiện ma tuý vùng đồng bào dân tộc tại khu vực biên giới chưa có chiều hướng giảm. Riêng huyện Mường Nhé tỉnh Điện Biên năm 2019 số người nghiện, tái nghiện, nghiện mới ngày càng tăng, có hơn 900 người nghiện ma tuý. Phần lớn trong độ tuổi từ 18-48, chủ yếu làm nghề tự do, không có công việc ổn định. Các tỉnh có số người nghiện cao là Quảng Ninh, Điện Biên, Sơn La, Lai Châu, Nghệ An, Yên Bái, Hoà Bình, Ninh Bình, Đắk Lắk, Bạc Liêu. Theo tổng hợp báo cáo có 27.309 người nghiện trong vùng dân tộc thiểu số.
Hoạt động của tội phạm mua bán, vận chuyển ma tuý qua đường biên giới ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt ở Tây Bắc tuy có giảm, nhưng chưa triệt để; hoạt động của các đối tượng bán lẻ ma tuý ngày càng đa dạng, tinh vi. Một số đối tượng phạm tội tàng trữ, vận chuyển ma tuý tiềm ẩn nhiều vào đồng bào dân tộc thiếu số nhất là khu vực giáp biên giới.
Tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc và Việt Nam - Lào hoạt động mua bán, vận chuyển ma tuý diễn biến phức tạp, tội phạm ma tuý mở nhiều đường vận chuyển từ Lào vào Việt Nam qua địa bàn các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình... đặc biệt tại các địa bản tỉnh Sơn La hoạt động vận chuyển ma tuý có vũ trang giảm tần suất, nhưng quy mô, tổ chức ngày càng chặt chẽ và có tính chất manh động, chuyên nghiệp hơn.
(Nguồn: tiengchuong.vn)