Tây Nguyên: Lén lút trồng cần sa để thu lợi

05/10/2015 Lượt xem: 1470 In bài viết

Đầu tháng 8/2015, Công an huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk phát hiện Lê Ngọc Lãnh (SN 1974, ngụ xã Quảng Điền, huyện Krông Ana) trồng hơn 2.500 cây cần sa trái phép trên diện tích 2.000m2 tại xã Bình Hòa. Lãnh khai nhận, có 2 người ở tỉnh Bình Phước trả 7 triệu đồng nhờ trồng cây cần sa, khi nào đến thu hoạch chúng đến lấy. Vì hám lợi nên Lãnh đã tiếp tay cho các đối tượng xấu và tiến hành trồng cần sa.

Tại Đắk Nông trong vài năm gần đây, lực lượng chức năng cũng phát hiện hàng chục vụ trồng cây cần sa, nhổ bỏ và tiêu hủy 5.072 cây cần sa, 3.086 bịch ươm cây cần sa, tiêu hủy hàng trăm kg cây cần sa khô.

Mới đây, Công an huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông đã phát hiện, bắt giữ đường dây trồng, mua bán và tiêu thụ cây cần sa do 2 đối tượng Phạm Ngọc Tuyến và Nguyễn Quang Sơn (ngụ xã Nam Bình) thực hiện. Theo lời khai của Quang và Sơn, vào khoảng tháng 4/2013, khi cả 2 lên nhà Hoàng Văn Khoa (ngụ xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) chơi thì được Khoa cho biết trước đây có trồng cây cần sa, rồi bị công an bắt nhưng chỉ bị xử phạt hành chính. Sau khi được Khoa gợi ý, cả 2 đã đồng ý đưa về trồng thử nghiệm tại khu vực rẫy nhà mình. Thấy lợi nhuận cao nên Sơn và Quang liên tiếp mở rộng diện tích trồng và mang đi tiêu thụ.

Thượng tá Hoàng Tùng Diễn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh Đắk Lắk cho biết: Hiện nay, việc phát hiện, xử lý các đối tượng trồng cây cần sa gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, trước đây các đối tượng đầu nậu thường thuê những người sống ở các khu vực trung tâm thành phố, thị trấn trồng cần sa, nhưng giờ họ thường tới các khu vực vùng sâu, vùng xa, nơi có ít người qua lại để thuê trồng xen trong các vườn cây công nghiệp. Khi phát hiện nếu không phải là người tái phạm, được hỗ trợ chuyển đổi cây trồng thì pháp luật quy định chỉ xử phạt hành chính mấy trăm ngàn đồng nên không có tính răn đe. Do đó, nhiều người đã lợi dụng điều này để trồng cần sa.

Ngoài ra, các đối tượng đầu nậu thường lừa người dân đây là cây dược liệu hoặc cà chua Thái Lan thuê trồng, khi bị phát hiện mới biết cây cần sa. Trong khi đó, không chỉ người dân mà ngay cả lực lượng chuyên trách cơ sở, chính quyền địa phương nhiều người vẫn không nhận biết được cây cần sa nên gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng ngừa, phát hiện. “Trong trường hợp, nếu trinh sát theo dõi, chờ họ thu hái cất giấu mới bắt để chuyển tội danh tàng trữ thì không khéo vô tình đẩy những người thiếu hiểu biết vào tù tội, thiếu tính nhân đạo của pháp luật”, Thượng tá Diễn phân tích.

Tương tự, theo Đại tá Hoàng Văn Oánh, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy Công an tỉnh Đắk Nông, cây cần sa được các đối tượng trồng nhiều năm trong rẫy nhưng vẫn không bị phát hiện vì người dân sống xung quanh cũng không biết. Bên cạnh đó, một số nơi, chính quyền cơ sở ở thôn, bon chưa thực sự quan tâm để một số đối tượng đầu nậu lợi dụng, dụ dỗ những người dân kém hiểu biết làm đầu mối sản xuất cho chúng. “Một số trường hợp vô tình tiếp tay thì vì lợi nhuận mang lại quá cao, một số hộ dân lại bất chấp, lợi dụng kẽ hở của pháp luật để kiếm tiền, gây ra không ít khó khăn trong công tác quản lý”, Đại tá Oánh cho biết thêm.

Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức 26 lớp cho lực lượng chuyên trách như công an xã, công an viên thường trực, 34 lớp tập huấn cho 70 trưởng thôn buôn trọng điểm, bảo vệ tổ dân phố và hơn 200 buổi tuyên tuyền cho người dân nhận biết tác hại, đặc điểm nhận biết cây cần sa nhằm huy động lực lượng vào công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống việc trồng cần sa.

Tại Đắk Nông, Công an tỉnh cũng có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tình trạng trồng cần sa, trong đó tập trung tuyên truyền vận động người dân tố giác tội phạm trồng cần sa.

 

Nguồn: Báo Thanh tra

[TT: TBC]