Báo động tình trạng trồng cây cần sa ở Đắk Nông
05/10/2015 Lượt xem: 1896 In bài viếtThời gian gần đây, lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông liên tiếp phát hiện nhiều diện tích cây cần sa được trồng xen lẫn trong đất rẫy của người dân và việc kiểm soát loại cây "độc dược" này đang gặp nhiều khó khăn... Theo số liệu của Phòng Cảnh sát phòng chống tệ nạn xã hội, các đối tượng trồng cần sa chủ yếu ở các huyện có đông người đồng bào thiểu số như Đắk Song, Đắk G’long, Tuy Đức.. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã phát hiện 17 vụ trồng, sản xuất và tiêu thụ cây cần sa; qua đó, đã tiến hành nhổ, tiêu hủy hơn 5.000 cây cần sa tươi, 2.600 bịch ươm giống và hàng trăm kg cần sa khô, khởi tố điều tra hàng chục đối tượng về tội mua bán, tàng trữ trái phép chất cần sa…
Qua thực tế trên cho thấy, tình trạng trồng cây cần
sa trái phép trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đang diễn biến khá phức tạp, nhất là một
số người dân, mặc dù biết là vi phạm pháp luật, nhưng vẫn cố tình trồng và tiêu
thụ loại cây "độc dược" này.
Mới đây, Công an huyện Đắk R'lấp đã tiến hành bắt giữ đối tượng Dương Văn Tuấn
(21 tuổi, trú xã Nhân Cơ, huyện Đắk R'lấp) đang có hành vi bán cần sa khô cho
một đối tượng trên địa bàn. Theo lời khai của Tuấn, vào khoảng tháng 2/2014,
Tuấn được một người bạn cho một số cây cần sa con, sau đó Tuấn đem về trồng
trong chậu cảnh ở quán cà phê của nhà mình. Đến cuối tháng 8/2014, Tuấn nhổ cây
thu hoạch lá, hoa cần sa phơi khô, chia nhỏ bỏ vào các túi nilon rồi mang đi bán
cho các con nghiện trên địa bàn kiếm tiền tiêu xài.
Nhìn chung, trong các vụ trồng cần sa ở Đắk Nông được phát hiện là do tâm lý hám
lợi. Trong đó, có một số người dân từ các tỉnh, thành khác đến mua rẫy ở những
nơi xa xôi hẻo lánh, ít người qua lại và đã bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo trồng
cần sa cho chúng. Tuy nhiên, khi bị bắt hầu như các đối tượng lại cho rằng không
biết đó là cây cần sa. Bên cạnh đó, nhiều người chủ yếu là bà con người dân tộc
thiểu số, thiếu hiểu biết, bị các đối tượng lừa là cây thuốc nên cũng trồng cây
cần sa.
Trao đổi vấn đề này, Đại tá Hoàng Văn Oánh, Trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tệ
nạn xã hội về ma túy, Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, so với nhiều tỉnh, thành
khác, Đắk Nông không phải là địa bàn trọng điểm về ma túy. Tuy nhiên, những năm
gần đây, số lượng đối tượng nghiện hút trên địa bàn lại có xu hướng gia tăng,
đặc biệt là ở địa bàn nông thôn, đặc biệt là trong 2 năm 2014 -2015. Do vậy, vì
hám lợi, nhiều người dân sẵn sàng vi phạm pháp luật.
"Hiện nay, việc bắt giữ người dân chỉ xử phạt hành chính là không đủ sức răn đe,
trong khi đó các "đầu nậu" chủ mưu lại đứng trong "bóng tối" nên để ngăn chặn
triệt để người dân trồng loại cây này rất khó khăn. Ngoài ra, vì lợi nhuận mang
lại quá cao, một số hộ dân đã bất chấp, lợi dụng khe hở của pháp luật để mong
làm giàu bất chính", ông Oánh cho biết thêm.
Về phương pháp đấu tranh phòng ngừa, Đại tá Oánh cho biết, để phát hiện và ngăn
chặn loại hình tội phạm này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, ban,
ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền tích cực đến đông đảo người dân, các cấp
chính quyền cơ sở, làm sao để họ nhận biết được cây cần sa hoặc các loại cây gây
nghiện khác. Chính nhân dân sẽ là mạng lưới thông tin quan trọng để phát hiện
bọn tội phạm. Thêm vào đó, các cán bộ chính quyền, Công an cơ sở phải đề cao
cảnh giác với các vườn cây lạ, các vườn cây thuốc, thậm chí là các căn nhà bỏ
hoang. Nhất là đối với người dân, khi có dấu hiệu xuất hiện bất thường của người
lạ dụ dỗ trồng các loại cây lạ cần báo ngay cho cơ quan chức năng để có hướng xử
lý, ngăn chặn ngay từ đầu.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, Công an tỉnh Đắk Nông đã tổ chức nhiều lớp
tập huấn cho lực lượng chuyên trách như công an xã, công an viên thường trực,
tuyên tuyền cho người dân nhận biết tác hại, đặc điểm nhận biết cây cần sa nhằm
huy động lực lượng vào công tác tuyên truyền, đấu tranh phòng chống việc trồng
cần sa.
Nguồn dantri.com.vn
[TT: TBC]