Hành trình rượu ngâm cây thuốc phiện đến tay “thượng đế”

04/03/2015 Lượt xem: 831 In bài viết

Những người bán rượu “cấm” thường gọi tắt rượu ngâm cây thuốc phiện là rượu 138. Tên gọi này bắt nguồn từ kế hoạch 138 do UBND tỉnh Yên Bái đề ra nhằm kiểm soát, xử phạt những người trồng cây thuốc phiện. Nhiều người háo danh hay thích thể hiện độ chơi của mình vẫn tìm mua rượu cấm 138 dù biết rõ nếu lộ chuyện họ có thể dính đến vòng lao lý.

“Mục sở thị” buôn bán rượu anh túc

Những địa danh Lào Cai, Văn Chấn, Mù Cang Chải hay Trạm Tấu (Yên Bái) từng là “thủ phủ” của ma túy vùng Tây Bắc. Những nơi này trồng thuốc phiện như miền đồng bằng trồng lúa, trồng khoai và khi đó, người ta cũng hút thuốc phiện như thuốc lào, thuốc lá bây giờ.

Khách hàng đến Trạm Tấu (Yên Bài) hỏi về rượu hoa anh túc thì những người dân chân chất ở đây tỏ ra cảnh giác, xem xét kỹ rồi mới niềm nở mời hàng: “Bác muốn mua về để biếu hay buôn bán kiếm lời? Nếu mua về dùng thì giá 5 triệu đến 10 triệu đồng một bình, còn mua về buôn thì giá lúc nào cũng rẻ hơn gần 1 triệu đồng. Coi như tạo điều kiện buôn bán, cả hai bên đều có lợi”.

Người mua rượu sau đó sẽ được đưa đến đại bản doanh tập kết của ông chủ lớn. Tại đây, những người đến mua hàng đứng chen chúc, người nào mua được rượu vẻ mặt rất hả hê, thỏa mãn còn các ông chủ thì tươi roi rói.

Nhiều năm qua, các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch “loại trừ” cây thuốc phiện, phá ruộng trồng cây anh túc hàng chục hec-ta của đồng bào dân tộc ít người đồng thời trồng cây lương thực thay thế như ngô, khoai sắn... Thế nhưng ở đâu đó, người dân vẫn lén lút trồng cây hoa anh túc, buôn bán và tàng trữ loại hàng cấm này.

Nhiều bà con mê muội cứ nghĩ cây anh túc là thần dược có khả năng chữa bách bệnh và sẽ giúp người dân vùng cao xóa đói giảm nghèo nên bất chấp pháp luật cấm, họ vẫn trồng, vẫn vận chuyển xuống thành phố bán cho các đại gia.

Mánh lới vận chuyển rượu cấm

Sau khi hoàn tất quá trình sơ chế cây anh túc, người dân đóng vào bình khoảng 5 lít/bình để ngâm rượu, khi có khách hàng thì mang ra bán. Xác định số khách hàng ở vùng cao không tiềm năng, các ông chủ đổ bộ hàng “cống phẩm” về bán cho đại gia ở các thành phố hưởng thụ. Hàng loạt bình rượu được đóng gói cẩn thận hay bọc lẫn trong các bao tải, túi xách theo đường tàu hỏa, ô tô về xuôi.

Nhiều khách du lịch, cán bộ công tác trên vùng cao vẫn được tư vấn cầm vài bình rượu 138 về dùng, biếu hay bán lại kiếm lời. Với phương thức vận chuyển này, công an rất khó bắt giữ, phá án. Nếu những người này bị bắt thì cả đường dây vận chuyển sẽ được đánh động, ngay lập tức họ sẽ tìm cách bỏ trốn.

Khi các bình rượu ngâm hoa anh túc chuyển từ vùng cao xuống thủ đô bị bắt, các trinh sát lập tức vào cuộc điều tra nguồn gốc của rượu. Nhưng các chủ rượu có đường dây như chân rết nên nhanh chóng qua mắt cơ quan điều tra vận chuyển hàng đến nơi an toàn. Đợi mọi chuyện “lắng xuống” họ lại tiếp tục tung hàng ra bán như trước.

Tết đang đến gần, các “cống phẩm” được nhiều tiểu thương lựa chọn vận chuyển xuống miền xuôi để buôn bán kiếm lời. Rượu hoa anh túc là một trong những mặt hàng cấm quý hiếm, càng quý hiếm hơn khi cơ quan chức năng vào cuộc gay gắt, giá rượu hoa anh túc có thể đẩy lên khá cao so với mức mua ban đầu.

Nguồn Đời sống và Pháp luật

[TT: TBC]