Thực tế cho thấy, những
kết quả mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa bỏ và
thay thế cây có chất ma túy ở Việt Nam trong suốt một phần tư thế kỷ qua phản
ánh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực của các cấp,
các ngành, nhất là chính quyền và nhân dân ở những vùng có lịch sử trồng và tái
trồng cây thuốc phiện.
Hằng năm, nhờ nỗ lực của cấp ủy đảng, chính quyền và lực lượng chức năng, diện
tích trồng mới và tái trồng cây thuốc phiện trên phạm vi cả nước liên tục giảm.
Tuy nhiên, do hiện nay phần lớn cây thuốc phiện được trồng ở những nơi hẻo lánh,
hiểm trở khó phát hiện; do tội phạm ma túy dụ dỗ, lôi kéo bà con người dân tộc
trồng vì lợi nhuận cao nên việc phá bỏ cây thuốc phiện tại những vùng núi cao
vẫn còn nan giải, nhất là các tỉnh miền núi phía bắc như Điện Biên, Lai Châu,
Sơn La, Yên Bái... Một số tỉnh trong thời gian dài không còn hiện tượng tái
trồng cây thuốc phiện, nay xuất hiện trở lại như Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa.
Đại tá Lê Công Bính, Giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: "Vận động nhân
dân thực hiện phá, nhổ cây thuốc phiện còn gặp nhiều khó khăn. Cây thuốc phiện
được trồng chủ yếu ở những vùng rừng già, xa khu dân cư, hẻo lánh, ít người qua
lại. Mặt khác, đôi khi cán bộ huyện, xã năng lực còn hạn chế nên cũng khó khăn
cho công tác vận động tuyên truyền phá nhổ cây thuốc phiện".
Để bảo đảm phá bỏ cây thuốc phiện và chống tái trồng bền vững, đòi hỏi tổng thể
nhiều giải pháp. Tại tỉnh Điện Biên, công tác tuyên truyền được làm thường
xuyên, nhằm nâng cao ý thức người dân. Đồng thời tiếp tục tham mưu cho chính
quyền tiếp tục phát huy sức mạnh của các cơ quan, đoàn thể trong công tác tuyên
truyền và xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tái phạm việc trồng cây thuốc
phiện. Lực lượng công an, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh và các đoàn thể cùng
tham gia bàn biện pháp xóa bỏ cây thuốc phiện.
Từ huyện, đến xã đã thành lập Ban chỉ đạo, hầu hết các già làng, trưởng bản được
huyện mời đi vận động bà con dân bản kiên trì phương châm "mưa dầm thấm lâu",
giúp bà con dần bỏ thói quen cũ và chuyển sang các loại cây mới vừa cho hiệu quả
kinh tế cao lại vừa giúp bà con cai được nghiện.
Tại huyện Mường Ảng, cứ vào đầu tháng, huyện tổ chức họp giao ban về công tác
phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện ở các bản vùng cao. Nhờ có nhiều biện
pháp quyết liệt trong vận động và xử lý nghiêm những hộ tái trồng cây thuốc
phiện, hiện nay, ở xã Pú Hồng, huyện Mường Ảng, bà con ở 17/17 bản không tái
trồng cây thuốc phiện nữa.
Cùng với tuyên truyền, vận động nhân dân và xử lý các đối tượng vi phạm, lãnh
đạo huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái xác định: Muốn xóa bỏ cây thuốc phiện, thay đổi
tập tục du canh, du cư, hạn chế di cư tự do qua biên giới thì phải chuyển đổi cơ
cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, hợp thổ
nhưỡng, khí hậu vào thay thế cây thuốc phiện.
Ông Nguyễn Văn Tuân, cán bộ khuyến nông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu nói: "Không
đốt rẫy trồng cây thuốc phiện , đời sống của bà con cũng thay đổi nhiều so với
trước. Con em xã Bản Mù giờ đã được đến trường học cái chữ. Đàn ông trong các
bản không còn chìm trong khói thuốc phiện nữa. Họ đã biết cầm cày cuốc, chăm con
trâu cho béo để trồng lúa nước. Phụ nữ trong bản không còn lên rừng cõng nhựa
thuốc phiện". Thực tế ở Bản Mù mọi người hỏi nhau cách làm giàu từ lúa nước,
trồng chè, trồng cây ăn quả và trồng rừng. Trong bản có ông Giàng A Gio, ở thôn
Xi Mông nổi tiếng khá giả với tám con bò, hai con trâu và một đàn lợn béo. Chỉ
có những người ở bản mới biết, trước đây còn trồng cây thuốc phiện nhà ông Giàng
A Gio nghèo lắm.
Phó Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu Lê Thị Thu Hà, Trưởng Ban chỉ đạo 138/CP của
huyện cho biết: Trạm Tấu nằm trong số 63 huyện nghèo của cả nước. Những năm
trước, do phong tục tập quán, diện tích trồng cây thuốc phiện của huyện có lúc
đã lên tới gần 100 ha. Đảng bộ và nhân dân huyện Trạm Tấu nhận thức rằng, bỏ cây
thuốc phiện là chủ trương hợp lòng dân. Việc đầu tiên là xây dựng kế hoạch tuyên
truyền vận động. Song song với đó, huyện thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát
những vùng đất và núi cao nghi ngờ trồng cây thuốc phiện. Đồng thời có đề án
thay thế cây thuốc phiện bằng những loại cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả kinh
tế cao.
Kinh nghiệm của huyện Trạm Tấu (Yên Bái) và Mường Ảng (Điện Biên) cho thấy,
chống tái trồng cây thuốc phiện cần tiến hành kiên trì, bền bỉ; gắn kết chặt chẽ
với việc phát triển kinh tế xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống văn hóa, tinh
thần đối với đồng bào vùng cao.
Từ một nước đứng thứ ba trong khu vực Đông - Nam Á về trồng cây thuốc phiện, với
diện tích thống kê năm 1992 lên tới 19.000 ha, hơn mười năm trở lại đây, Việt
Nam đã cơ bản xóa được loại cây này.
Mạnh Hùng
Nguồn nhandan.org.vn
[TT: TBC]