Chăm lo cho đồng bào
Vùng cao huyện Sông Mã là địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Sơn La trên nhiều
phương diện: Dân trí hạn chế, mức sống thấp, giao thông khó khăn, địa hình hiểm
trở, cư dân sống rải rác rất khó khăn cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng... Vào nhiều
năm trước, địa bàn này là "vùng nóng" với những tình trạng: Tái trồng cây thuốc
phiện, buôn bán và sử dụng chất ma túy, phá rừng làm nương, học và truyền đạo
trái phép, di cư tự do. Có những đối tượng từng vượt biên, nghe lời kẻ xấu, đón
nhận những hư danh ảo, bỏ lại quê hương nhà cửa rách nát, vợ con đói khổ…
Trước thực trạng đó, đồng thời với việc thành lập nhiều đoàn công tác bám bản,
bám dân, tuyên truyền vận động người dân định canh, định cư, an tâm sản xuất,
xây dựng đời sống văn hóa mới…, Sông Mã đã có những chính sách đầu tư hợp lý để
người dân từng bước cải thiện đời sống.
Hàng ngàn tỷ đồng thông qua các chương trình, dự án 133, 134, 135, định canh
định cư, chuyển hướng sản xuất, xóa bỏ cây thuốc phiện, phát triển văn hóa, y
tế, giáo dục… đã được thực hiện hiệu quả. Những tuyến đường giao thông trải dài
tới các bản làng, theo đó là điện, nước sinh hoạt, kênh mương thủy lợi, nhà văn
hóa, trạm y tế, trường học… được đầu tư xây dựng. Cán bộ khuyến nông, thú y, bảo
vệ thực vật "cầm tay chỉ việc" cho dân; hỗ trợ người dân giống, vốn phát triển
sản xuất.
"Cán bộ nói được và làm được, 3 cùng với dân nên dân tin và làm theo. Nhờ thế
đời sống người Mông ở vùng cao này nhanh chóng đổi thay" - ông Lầu Sáy Nhịa, một
trong những nông dân giỏi người Mông ở bản Khua Họ, xã Huổi Một, bảo vậy.
Kiều Thiện
Nguồn danviet.vn
[TT: TBC]