Năm 2014: Sẽ có 93.000 người nhiễm HIV được điều trị ARV

25/07/2014 Lượt xem: 417 In bài viết

Thống kê của Cục phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho thấy, hiện cả nước có 318 điểm điều trị ARV, trong đó có 147 điểm điều trị trong bệnh viện, 20 điểm tại các Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh/thành, 143 điểm tại các Trung tâm Y tế quận/huyện và 8 điểm tại cơ sở khác. Tại các cơ sở này điều trị cho 84.457 bệnh nhân. Như vậy, cần phải tiếp tục tăng thêm khoảng hơn 9.000 bệnh nhân nữa để có thể đạt được chỉ tiêu 94.000 bệnh nhân vào cuối năm 2014.

Chỉ khoảng 32,5% người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV

Mặc dù số lượng người được điều trị ARV đã tăng trong những năm gần đây, nhưng mức độ bao phủ điều trị ARV hiện nay còn hạn chế nên cần tiếp tục mở rộng thêm, đặc biệt là trong các trại giam.

Hiện chỉ có khoảng 32,5% người nhiễm HIV được tiếp cận các dịch vụ điều trị ARV. Trong tổng số bệnh nhân được điều trị ARV có đến 93% bệnh nhân được điều trị từ nguồn hỗ trợ quốc tế, do đó việc cung ứng thuốc ARV duy trì ổn định sẽ gặp nhiều khó khăn khi các nhà tài trợ cắt giảm viện trợ.

Ông Nguyễn Hoàng Long cho rằng, để đạt được chỉ tiêu 94.000 người được điều trị ARV cần triển khai thí điểm và từng bước mở rộng mô hình điều trị 2.0 tại các tuyến xã/phường và mở rộng mô hình điều trị 2.0, phân cấp xuống tuyến cơ sở, đặc biệt là khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa để tăng tính tiếp cận của bệnh nhân.

Bên cạnh đó, cần khẩn trương kiện toàn các phòng khám ngoại trú, kiện toàn mạng lưới điều trị ARV tại 318 phòng khám ngoại trú. Trước hết là các cơ sở gắn với bệnh viện để đảm bảo tính bền vững và được chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế.

Ngành y tế cũng cần chú trọng điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV để giúp điều chỉnh nâng chuẩn tế bào CD4; tổ chức thí điểm điều trị ARV không cần chuẩn CD4 để cho miền núi và một số nhóm đối tượng nguy cơ cao theo quy định của Bộ Y tế.

Ngoài ra, cũng cần tập trung nâng cao chất lượng như triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng điều trị ARV, dự phòng và giám sát kháng thuốc; tiến hành giám sát để giảm tỷ lệ bỏ trị, giảm mất dấu sau khi xét nghiệm dương tính HIV; tăng cường vai trò của mạng lưới y tế xã phường, thôn bản trong việc giảm mất dấu và duy trì điều trị.

Các tuyến tỉnh, thành tăng cường mở rộng các hoạt động lồng ghép, mở rộng mô hình phối hợp tư vấn xét nghiệm HIV + MMT (điều trị Methadone) + ARV (điều trị ARV).

Theo Cục trưởng Nguyễn Hoàng Long, ngành y tế sẽ kết hợp giữa mua sắm quốc tế với sản xuất thuốc trong nước nhằm đảm bảo nguồn cung ứng thuốc ARV liên tục, thường xuyên, đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý.

Đồng thời đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông về lợi ích của điều trị ARV, tăng tiếp cận với quần thể dễ nhiễm HIV, tạo sự sẵn có của dịch vụ điều trị nhằm tăng tiếp cận sớm với điều trị ARV. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Công an để mở rộng điều trị ARV trong trại giam.

Để đảm bảo tính bền vững trong điều trị ARV, ngành y tế sẽ tiếp tục vận động viện trợ quốc tế; vận động các nhà tài trợ truyền thống giãn thời gian dừng viện trợ; huy động các nhà tài trợ, các đối tác mới thông qua cơ chế hợp tác song phương, đa phương ( ASEAN, ASEAN +1, ASEAN + 3, APEC) và sử dụng hiệu quả nhất các nguồn viện trợ cho công tác này.

Thùy Chi

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]