1. Điện Biên là tỉnh có nhiều dân tộc sinh sống, thời gian qua, mặc dù chính quyền đã tuyên truyền vận động người dân "nói không với ma túy”, nhưng việc tái trồng cây thuốc phiện vẫn lén lút xảy ra với quy mô nhỏ, ở xa khu dân cư. Điều đáng nói ở đây là phần lớn diện tích nương trồng cây thuốc phiện ở chốn thâm sâu trong rừng, xen lẫn giữa những vạt đá tai mèo, giao thông cách trở nên rất khó phát hiện để xoá bỏ triệt để.
Ngoài ra, nhiều người dân còn khéo léo ngụy trang trồng cây thuốc phiện xen lẫn diện tích rau màu. Bằng chứng là diện tích cây thuốc phiện vừa bị triệt phá không trồng riêng lẻ thành từng vạt mà được trồng xen kẽ trong diện tích rau xanh của người dân nên nếu không có kinh nghiệm và quyết tâm thì rất khó phát hiện. Có trường hợp lực lượng chức năng phát hiện diện tích cây thuốc phiện nhưng không xác định được chủ do đa số đồng bào dân tộc làm nương xa nhà.
Ngay sau đợt phá nhổ này, UBND huyện Mường Nhé đã giao các cơ quan chức năng cử lực lượng bám nắm địa bàn, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân về tác hại của cây thuốc phiện, kịp thời phát hiện và tổ chức phá nhổ cây thuốc phiện; kiên quyết xử lý những người trồng cây thuốc phiện theo đúng quy định của pháp luật.
2. Trong những cuộc chiến triệt phá cây thuốc phiện ở Mường Nhé thời gian qua, không thể không kể đến công sức của các chiến sĩ biên phòng. Theo lời Phó Trưởng Đồn Biên phòng 405 Leng Su Sìn (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên ) Lương Hoàng Hiển thì từ lâu, cây thuốc phiện vẫn được trồng lén lút ở những vùng chỉ có đôi chân của những người quen đi rừng mới đến được đã khiến cuộc chiến diệt cây thuốc phiện càng trở nên nan giải. Có ngày anh Hiển cùng đồng đội của mình phải đi bộ 30km xuyên rừng xuống bản Nậm Vì để dỡ bỏ 3 nương thuốc phiện của đồng bào Mông và Hà Nhì trồng sâu trong các khe núi.
Công việc này vô cùng khó khăn, theo lời các anh, để phát hiện được những mảnh nương trồng thuốc phiện của đồng bào không dễ, bởi các đối tượng trồng cũng rất tinh vi. Họ thường tìm những chỗ rất sâu trong rừng, địa hình hiểm trở, không có đường mòn nhằm tránh sự phát hiện của lực lượng chức năng. Mặt khác, người dân vẫn bao che cho nhau nên rất khó phát hiện. Những năm qua mặc dù chính quyền địa phương, lực lượng vũ trang đã kiên quyết, mạnh mẽ ngăn chặn việc trồng, chế biến, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ, sử dụng thuốc phiện dưới mọi hình thức nhưng tệ nạn này vẫn xảy ra.
Khó nhưng không thể không làm, mà đã làm thì phải làm tốt, mới mong giúp những người còn đang mê mẩn trong cái ma lực của thuốc phiện thoát khỏi cuộc sống phù du. Những năm gần đây, lực lượng biên phòng phối hợp với chính quyền địa phương kiên quyết đấu tranh với tệ nạn trồng, sản xuất và sử dụng thuốc phiện. Nếu như năm 2011, các cơ quan, ban ngành chức năng phát hiện, phá nhổ 69.488m2 cây thuốc phiện tại 4 huyện là Tuần Giáo, Điện Biên, Mường Ảng và Mường Nhé, thì trong 6 tháng đầu năm 2013, diện tích cây thuốc phiện bị triệt xoá lên tới 98.170m2 tại địa bàn 6 huyện.
3. Nhiều người thắc mắc, chiến dịch triệt phá cây
thuốc phiện cũng như tuyên truyền để người dân biết và hiểu rằng, trồng và sử
dụng thuốc phiện là vi phạm pháp luật, vậy tại sao vẫn còn cảnh người dân trồng
cây thuốc phiện. Theo lời các cán bộ địa phương thì, trong suy nghĩ của đồng bào
các dân tộc vùng biên việc cây thuốc phiện chữa được nhiều bệnh, là thứ biệt
dược khó thay thế khi không may trong gia đình có người ốm đau, bệnh tật cần
chữa trị. Thêm vào đó, Điện Biên lại nằm gần khu vực "Tam giác vàng” - nơi được
mệnh danh "Vương quốc ma tuý” nhu cầu thu mua nhựa thuốc phiện để chế xuất thành
ma tuý, hêrôin nhiều, giá lại cao…nên mặc dù biết trồng và tái trồng cây thuốc
phiện là vi phạm pháp luật, nhưng không ít người dân vẫn nhắm mắt làm liều.
Hiểu được những khó khăn đó nên từ nhiều năm nay, ngoài thực hiện những biện
pháp theo đúng quy định của pháp luật, chính quyền địa phương cũng chú trọng đẩy
mạnh công tác tuyên truyền, vận động cùng với việc tìm mọi kế sách giúp người
dân thoát nghèo. Như việc làm của ông chủ tịch UBND xã Sín Thầu - Pờ Dần Sinh là
một điển hình. Theo ông Sinh, UBND xã đã xác định phát triển kinh tế nông, lâm
nghiệp là chìa khoá để đồng bào các dân tộc từng bước ra khỏi đói nghèo, lạc hậu.
Ông đã cùng lãnh đạo xã vận động đồng bào sử dụng giống mới trong trồng trọt,
chăn nuôi; khai hoang gần 30 ha ruộng ven suối để tăng diện tích cấy lúa nước;
phục hóa 40 ha đất trống, đồi trọc để trồng lúa nương, ngô và đậu tương. Bên
cạnh đó, phối hợp với phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông, khuyến ngư của huyện
tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, thâm canh cây lương thực và
phát triển chăn nuôi đại gia súc, gia cầm, thủy sản cho các hộ gia đình…
Nhờ các chính sách kịp thời, lại được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn nên dần dần cuộc sống của người dân nơi đây đã có những đổi thay tích cực, năng suất lúa vụ mùa đạt hơn 45 tạ/ha; tổng sản lượng lương thực đạt gần 600 tấn, lương thực bình quân đạt 436 kg/người/năm….Cuộc sống ấm no, dân trí phát triển, cây thuốc phiện cũng dần trôi theo những ký ức nghèo nàn, lạc hậu ngày trước.
Thiết nghĩ, để triệt phá tận gốc cây thuốc phiện, tránh tình trạng người dân vẫn lén lút tái trồng thì những biện pháp trên, các ban, ngành có liên quan cần tăng cường công tác chỉ đạo sát sao cơ sở, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm những người dân trồng cây thuốc phiện. Việc làm này không thể định kỳ đi kiểm tra, xử phạt, triệt phá mà phải làm thường xuyên, liên tục. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân cam kết không trồng cây thuốc phiện, các ngành chức năng cần vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập để thoát nghèo bền vững.
Mai Hồng - Lê Hà
Nguồn daidoanket.vn
[TT: TBC]