Phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện ở các tỉnh phía Bắc

06/06/2014 Lượt xem: 851 In bài viết

Trước hết, phải khẳng định những kết quả mà Chính phủ và nhân dân Việt Nam đạt được trong công cuộc xóa bỏ và phát triển thay thế cây có chất ma túy ở Việt Nam trong suốt gần một phần tư thế kỷ qua là rất đúng đắn, phản ánh sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực liên tục của các cấp các ngành, đặc biệt là chính quyền và nhân dân ở những vùng có lịch sử trồng và tái trồng cây thuốc phiện.

Từ một nước đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á về trồng cây thuốc phiện, với diện tích thống kê được vào năm 1992 lên tới 19.000 héc ta, từ gần chục năm trở lại đây Việt Nam đã cơ bản xóa được loại cây này. Mỗi năm, toàn bộ diện tích trồng mới và tái trồng cây thuốc phiện trên phạm vi cả nước chỉ còn vào khoảng trên dưới 50 héc ta. Trong số đó, đại bộ phận được phát hiện ở những khu vực xa xôi, hẻo lánh, khu vực giáp ranh ít người qua lại. Không chỉ diện tích trồng mới và tái trồng liên tục được kiềm chế ở mức thấp, số hộ, số đối tượng có hành vi tái trồng cũng giảm đáng kể qua từng năm.

Cuộc chiến còn lắm gian nan

Tuy nhiên, hiện nay, do nhiều nguyên nhân như địa hình hẻo lánh, hiểm trở; thổ nhưỡng vùng Tây Bắc hợp với cây thuốc phiện; do phong tục tập quán còn lưu lại của đồng bào người Mông; do tội phạm ma túy dùng nhiều thủ đoạn lôi kéo bà con; vì lợi nhuận, và trước những lời đồn phóng đại tác dụng của nó; do kinh phí nhà nước đầu tư cho công tác còn hạn chế nên cuộc chiến xóa bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn vùng cao vẫn còn nan giải. Trong năm 2013, các cơ quan chức năng đã phát hiện và triệt xóa 24,8 ha cây thuốc phiện trồng ở 16 tỉnh miền núi phía Bắc. Các tỉnh phát hiện tái trồng nhiều là: Điện Biên (9,81 ha), Lai Châu (7,97 ha), Sơn La (5 ha), Yên Bái (2,1 ha)…

Điều đáng lo ngại là, cây thuốc phiện tái trồng ở quy mô nhiều tỉnh hơn so với thời gian trước, tuy mức độ nhiều ít khác nhau song ở hầu hết các tỉnh miền núi phía Bắc đều phát hiện tình trạng này. Nhiều tỉnh trong thời gian dài không còn hiện tượng tái trồng cây thuốc phiện nay tái xuất hiện trở lại như Phú Thọ, Lạng Sơn, Thanh Hóa hoặc lực lượng chức năng phát hiện cây thuốc phiện được trồng ở ngay một huyện thuộc ngoại thành Hà Nội. Địa điểm tái trồng có khi xuất hiện không xa cơ quan chính quyền địa phương, trồng trong tầng hầm, nhà kính, bồn cây cảnh ở một số hộ dân trong thành phố... Trong bối cảnh tình hình kinh tế suy thoái trên diện rộng, tội phạm ma túy tăng cường lôi kéo người dân vào hành vi phạm pháp này khiến tình hình càng thêm phức tạp.

Ở vùng Tây Bắc, địa hình rất hiểm trở, ngoài những cửa khẩu chính ngạch có hàng trăm đường tiểu ngạch với hệ thống sông suối liền kề giữa 2 nước Việt - Lào, Việt - Trung. Vì vậy, công tác kiểm tra kiểm soát việc tái trồng cây thuốc phiện của lực lượng chức năng hết sức phức tạp. Đại tá Lê Công Bính, Phó giám đốc Công an tỉnh Điện Biên cho biết: “Quá trình vận động nhân dân thực hiện phá nhổ cây thuốc phiện còn gặp nhiều khó khăn. Điện Biên là một tỉnh vùng cao đất rộng, dân thưa thớt, cây thuốc phiện được trồng chủ yếu ở những vùng rừng già rất xa khu dân cư, hẻo lánh, ít người qua lại. Những vùng trồng cây thuốc phiện của Điện Biên giáp Sơn La và Lào thuộc vùng sâu vùng xa, lực lượng chức năng rất khó phát hiện và phá nhổ. Thêm nữa, đôi khi cán bộ huyện, xã, năng lực còn hạn chế cho nên cũng khó khăn cho công tác vận động tuyên truyền phá nhổ cây thuốc phiện ở các vùng này”.

Cần tổng thể các giải pháp

Để thực hiện thành công việc xóa bỏ cây thuốc phiện đòi hỏi tổng thể của các giải pháp như tuyên truyền, kinh tế xã hội và các giải pháp khác để đảm bảo phá bỏ cây thuốc phiện một cách bền vững và chống tái trồng loại cây này đòi hỏi tổng thể của các giải pháp như tuyên truyền, kinh tế xã hội và các giải pháp khác để Đại tá Lê Công Bính đánh giá: “Để xóa bỏ cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh, chúng tôi phải tuyên truyền thường xuyên, liên tục nhằm nâng cao ý thức người dân, bước đầu người dân đã biết tác hại của cây thuốc phiện. Đồng thời tiếp tục tham mưu cho chính quyền phát huy sức mạnh của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể vào cuộc và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật của nhà nước các trường hợp cố tình tái phạm”.

Điển hình như ở huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên, cứ vào đầu tháng, huyện tổ chức họp giao ban về công tác phòng chống tái trồng cây thuốc phiện ở các bản vùng cao. Công an, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh và các đoàn thể cùng tham gia đóng góp ý kiến một cách sôi nổi để tìm ra những phương pháp hay nhằm xóa bỏ cây thuốc phiện tại địa phương mình. Khắp từ huyện đến xã đã thành lập ban chỉ đạo, hầu hết các trưởng bản, già làng đều được huyện mời đi vận động bà con dân bản xóa cây thuốc phiện kiên trì theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, dần dần bà con đã từ bỏ được thói quen cũ và chuyển sang trồng các loại cây mới vừa cho hiệu quả kinh tế, lại vừa giúp bà con cai nghiện. Ở xã Pú Hồng, huyện Mường Ảng, từ khi có nghị quyết của Chính phủ chống tái trồng cây thuốc phiện thì Đảng ủy, chính quyền cơ sở đã trực tiếp vào các bản chỉ đạo các trưởng bản tuyên truyền cho bà con, kết quả là các hộ dân của 17/17 bản không tái trồng cây thuốc phiện.

Theo số liệu của thường trực Ban chỉ đạo phòng chống ma túy tỉnh Điện Biên thì trong 2 năm vừa qua, Điện Biên đã phát hiện 15,9 ha cây thuốc phiện. Cùng với việc triệt phá cây thuốc phiện, Công an tỉnh Điện biên cũng đã tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện bắt giữ các đối tượng vận chuyển, mua bán cây, rễ, quả, thuốc phiện, đã đề nghị truy tố 1 vụ, và 3 đối tượng mua bán cây thuốc phiện, thu giữ 26 bao cây và 7 kg quả thuốc phiện tươi.

Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân không trồng cây thuốc phiện và xử lý các đối tượng vi phạm, ở huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái còn xác định: muốn xóa bỏ cây thuốc phiện, thay đổi tập tục du canh du cư, hạn chế di cư tự do qua biên giới thì không có cách nào khác là phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đưa các giống cây trồng, vật nuôi vào thay thế, tạo nên những mô hình kinh tế có tính bền vững, lâu dài và mang lại hiệu quả cao. Muốn vậy, điều quan trọng nhất là phải lựa chọn phát triển các mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng cũng như truyền thống văn hóa của cư dân mỗi vùng miền trên địa bàn. Huyện tích cực chỉ đạo nhân dân tham gia sản xuất, phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa mới, xây dựng các đề án để thay thế các diện tích tái trồng cây thuốc phiện bằng các loại cây trồng, vật nuôi có chất lượng tốt, năng suất cao. Ông Nguyễn Văn Tuân, cán bộ khuyến nông xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu cho biết: “Những năm gần đây việc tái trồng cây thuốc phiện không còn xảy ra trên địa bàn vì chúng tôi trực tiếp xuống để hướng dẫn bà con đưa các giống cây trồng lai có năng suất cao và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào nâng cao chất lượng, giúp bà con ổn định kinh tế”.

Không đốt rẫy trồng cây thuốc phiện, đời sống của bà con dân bản cũng thay đổi nhiều hơn trước. Con em xã bản Mù giờ đã được đến trường học cái chữ, đàn ông trong các bản không còn đắm chìm trong mùi hương hoa, khói thuốc nữa; họ đã biết sắm cày cuốc, chăm con trâu cho béo để trồng lúa nước; phụ nữ Mông, xã bản Mù không còn lên rừng cõng nhựa thuốc phiện, Bây giờ, cây anh túc cùng mùi hương chết người của nó chỉ còn lại trong kỷ niệm xưa của người dân xã bản Mù. Khắp nơi người ta hối nhau cách làm giàu từ lúa nước, trồng chè, trồng cây ăn quả và trồng rừng. Điển hình ở bản là gia đình ông Giàng A Gio nổi tiếng khá giả ở thôn Xi Mông với 8 con bò, 2 con trâu và một đàn lợn to khỏe. Tuy nhiên, ít ai biết được trước đây, khi vẫn còn trồng cây thuốc phiện thì gia đình ông nghèo lắm, ông tâm sự: “Ngày xưa làm ruộng, giống lúa của người Mông mình không bao giờ đủ ăn, một vụ giỏi nhất là một tấn trở xuống thôi nhưng bây giờ nhà nào cũng 2 vụ, thu hoạch phải 5 đến 6 tấn”.

Bà Lê Thị Thu Hà, Phó Chủ tịch Huyện Trạm Tấu, Trưởng ban chỉ đạo 138 đánh giá: “Trạm Tấu là một huyện vùng cao của tỉnh Yên Bái, nằm trong số 63 huyện nghèo nhất đất nước. Những năm trở về trước, do phong tục tập quán mà diện tích trồng cây thuốc phiện đã lên gần 100 héc ta. Từ thực trạng trên, Đảng bộ nhân dân các dân tộc huyện Trạm Tấu nhận thức rằng, xóa bỏ cây thuốc phiện là chủ chương rất đúng, hợp lòng dân, giúp nhanh chóng xóa đói giảm nghèo một cách bền vững. Việc làm đầu tiên của huyện là xây dựng kế hoạch để truyên truyền vận động nhân dân nhận thức rõ tác hại của việc tái trồng cây thuốc phiện. Song song với đó, chúng tôi thành lập các đoàn liên ngành kiểm tra, giám sát các diện tích nghi ngờ có trồng cây thuốc phiện... Xây dựng các đề án để thay thế diện tích tái trồng cây thuốc phiện bằng các loại cây trồng vật nuôi”.

Như vậy, công tác phòng, chống tái trồng cây thuốc phiện ở nước ta hiện nay vẫn cần phải được tiến hành một cách kiên trì, bền bỉ; gắn kết chặt chẽ với việc phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, xã hội cho đồng bào vùng cao còn có nguy cơ tái trồng loại cây này.

Vũ Mạnh Hùng

Nguồn phongchongmatuy.com.vn

[TT: TBC]