Hà Giang xóa bỏ cây thuốc phiện

11/12/2013 Lượt xem: 487 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Mặc dù, đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng trồng cây thuốc phiện luôn được quan tâm hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng song nhìn chung đời sống vẫn còn thấp; nguồn vốn đã đầu tư chưa phù hợp nên đời sống của người dân còn khó khăn; cơ sở hạ tầng, đường giao thông còn nhiều bất cập nên nhiều sản phẩm làm ra không tiêu thụ được. Trong khi đó, sản phẩm từ cây thuốc phiện và cây cần sa rất gọn nhẹ, dễ dàng vận chuyển, tiêu thụ nên một bộ phận người dân vẫn tìm đến phương thức làm kinh tế là tái trồng cây thuốc phiện. Việc kiểm tra, phát hiện và triệt phá tái trồng cây thuốc phiện gặp nhiều khó khăn do đối tượng tái trồng ngày càng có nhiều cách thức tinh vi hơn để đối phó với các cơ quan chức năng, địa bàn tái trồng ở vùng xa xôi, hẻo lánh chỉ sử dụng xe máy và đi bộ mới đến được. Nhận thức của cán bộ, người dân ở nhiều nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa về chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước về xóa bỏ, thay thế cây chứa chất ma túy còn chưa đầy đủ, thống nhất.

Trước tình hình đó, tỉnh Hà Giang đã tổ chức các đợt mít tinh, xây dựng câu lạc bộ thanh niên, chi hội, tổ thanh niên xung kích và thông qua các mô hình sinh hoạt tập thể, đã giúp cho hàng nghìn lượt người nhận thức được những tác hại của ma túy và tệ nạn xã hội, cảm hóa 530 đối tượng thanh niên có hành vi vi phạm tệ nạn xã hội. Công tác phòng, chống ma túy cũng được đưa vào chương trình giáo dục ở các trường phổ thông, chuyên nghiệp. Các buổi trao đổi, tọa đàm, hội diễn văn nghệ quần chúng với chủ đề phòng, chống ma túy do các cấp, các ngành, các địa phương tổ chức, thực sự đem lại ý nghĩa giáo dục sâu sắc.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang đã đề ra chủ trương và ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp lồng ghép với các chương trình, dự án, nguồn lực đầu tư của Chính phủ cho đồng bào vùng cao, vùng trồng cây anh túc như: hỗ trợ các loại giống lúa, ngô, lạc, đậu xanh, cây cải dầu, cây ăn quả, giống cỏ, giống cây lâm nghiệp... Ngoài ra, tỉnh Hà Giang còn hỗ trợ chăn nuôi gia súc và các loại vắc xin phòng, chống dịch bệnh để đồng bào phát triển kinh tế; đầu tư và phát triển rừng cho những hộ trước đây có tiền sử trồng cây thuốc phiện và những địa bàn có nguy cơ cao; đồng thời hỗ trợ vật tư, mua sắm thiết bị sản xuất để đồng bào yên tâm làm ăn, ổn định đời sống.

 

Cây anh túc

Niên vụ 2012 - 2013, với quyết tâm giải quyết triệt để tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, Hà Giang đã áp dụng đồng bộ nhiều giải pháp như tổ chức cho nhân dân ký cam kết không trồng cây có chứa chất ma túy; đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao nhận thức, tự giác chấp hành việc không trồng, tái trồng cây thuốc phiện ngay từ đầu niên vụ; triển khai các biện pháp phòng ngừa ngăn chặn không để tình trạng tái trồng cây thuốc phiện xảy ra và có hình thức xử lý kiên quyết đối với các trường hợp vi phạm.

Nhờ áp dụng đồng bộ các giải pháp trong đấu tranh phòng, chống ma túy, tỉnh Hà Giang đã từng bước ngăn chặn được tình trạng tái trồng cây thuốc phiện, chuyển hướng sản xuất, lựa chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp nhân dân phát triển sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh chính trị trên địa bàn.
 

PV

Nguồn: vtr.org.vn

[TT: TĐL]