Công an huyện Tủa Chùa với kinh nghiệm xóa bỏ cây thuốc phiện

11/12/2013 Lượt xem: 541 In bài viết
<xmp style="DISPLAY: inline" id="9669" tabindex="-1" contenteditable="false">

Để chủ động trong công tác vận động quần chúng chống tái trồng cây thuốc phiện, Công an huyện Tủa Chùa đã làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể từ huyện đến các xã. Đặc biệt là ban chỉ đạo 138 đồng thời là lực lượng làm nòng cốt trong việc vận động quần chúng; tổ chức cho các hộ gia đình, dòng họ ký cam kết không trồng cây thuốc phiện. Thời gian vận động kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau (trong niên vụ trồng), các tổ công tác được giao nhiệm vụ khảo sát, tiến hành mở chiến dịch phá nhổ, củng cố hồ sơ, xử lý hành chính và đưa ra kiểm điểm trước dân các đối tượng trồng cây thuốc phiện. Đối với những trường hợp vi phạm nhiều năm mà đã bị xử phạt vi phạm hành chính, địa phương đã hỗ trợ giống cây trồng thay thế cho việc trồng cây thuốc phiện mà vẫn tái phạm thì đưa ra truy tố, xét xử lưu động nhằm răn đe, giáo dục các trường hợp khác. Do làm tốt công tác vận động quần chúng, triển khai các biện pháp quyết liệt nhằm chống tái trồng cây thuốc phiện nên trên địa bàn huyện Tủa Chùa từ năm 2005 đến nay không còn tình trạng tái trồng cây thuốc phiện.

Từ thực tiễn công tác vận động nhân dân chống tái trồng cây thuốc phiện ở Tủa Chùa, chúng tôi rút ra một số kinh nghiệm sau.

Trước hết, phải xác định công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc - chống tái trồng cây thuốc phiện là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, các tổ chức xã hội vì vậy phải đặt dưới sự lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, trong đó lực lượng công an là nòng cốt, nhất là công an cấp cơ sở.

Cùng với đó phải có chính sách đổi mới phát triển kinh tế văn hóa xã hội; đầu tư phát triển theo vùng, lĩnh vực, thay thế giống, cây trồng, vật nuôi có hiệu quả kinh tế cao giúp đồng bào các dân tộc thay đổi thói quen trồng cây thuốc phiện trước đây để nhân dân sớm ổn định cuộc sống.

Các lực lượng chức năng, đặc biệt là công an phải sâu sát cơ sở, chủ động nắm chắc tình hình tái trồng cây thuốc phiện, xác định thời điểm gieo trồng; tổ chức ký cam kết và đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền vận động quần chúng. Nội dung vận động phải thiết thực ngắn gọn, dễ hiểu phù hợp với nhận thức của đồng bào dân tộc, phân tích tác hại của việc trồng và nghiện ma túy. Trong quá trình vận động phải sử dụng cán bộ có uy tín với người dân tộc, am hiểu phong tục tập quán, biết nói tiếng của đồng bào; tranh thủ người có uy tín, trưởng các dòng họ tham gia vận động để đạt hiệu quả tốt hơn.

Đi đôi với công tác tuyên truyền, vận động phải làm ổn định tình hình an ninh trật tự; đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là tội phạm về ma túy. Thành lập các tổ công tác triển khai quyết liệt xóa nhổ diện tích tái trồng cây thuốc phiện, đồng thời cương quyết xác minh làm rõ, xử lý nghiêm những trường hợp tái phạm. Phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân, Tòa án sớm đưa các vụ án xét xử công khai để răn đe, giáo dục người khác.

Cùng với các giải pháp trên cần làm tốt công tác vận động cai nghiện theo các mô hình cai nghiện, coi trọng việc tự nguyện cai nghiện tại gia đình có sự giúp đỡ của các tổ chức đoàn thể. Nâng cao vai trò quản lý, giúp đỡ của chính quyền, các tổ chức đoàn thể đối với những người sau cai nghiện bắt buộc ở trung tâm trở về gia đình để họ sớm ổn định cuộc sống, xóa đi mặc cảm hòa nhập với cộng đồng xã hội. Công tác cai nghiện đạt hiệu quả cũng hỗ trợ thực hiện có hiệu quả công tác vận động xóa bỏ cây thuốc phiện.

Lê Ninh Bình

Nguồn: baodienbienphu.info.vn

[TT: TĐL]