Hướng dẫn hỗ trợ dinh dưỡng cho người nhiễm HIV

25/09/2013 Lượt xem: 400 In bài viết

Cuốn sách cũng được sử dụng như một cẩm nang cho các cộng tác viên, hộ gia đình và những người đang sống chung với HIV tham khảo nhằm theo dõi, hỗ trợ chăm sóc dinh dưỡng hợp lý cho người nhiễm HIV...

Cuốn sách tập trung vào 6 nội dung chính: HIV và dinh dưỡng; chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em nhiễm, phơi nhiễm với HIV; chăm sóc và hỗ trợ dinh dưỡng cho người trưởng thành nhiễm HIV; chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ nhiễm HIV mang thai và sau sinh 6 tháng đầu; dinh dưỡng với điều trị ARV và nhiễm trùng cơ hội; thu thập và quản lý số liệu.

TS Lê Danh Tuyên - Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết, HIV có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng suy dinh dưỡng của những người nguy cơ cao (người tiêm chích ma tuý, mại dâm, những người quan hệ tình dục đồng tính) thông qua việc làm giảm lượng thức ăn, tăng nhu cầu năng lượng và hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Suy dinh dưỡng có thể đẩy nhanh sự tiến triển của HIV, làm trầm trọng thêm tác động của căn bệnh này bằng cách làm suy yếu hệ thống miễn dịch, tăng nhạy cảm với nhiễm trùng cơ hội và làm giảm hiệu quả điều trị.

Theo TS Lê Danh Tuyên, nếu bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS sẽ giúp cho bệnh nhân đủ các chất dinh dưỡng, duy trì được cân nặng, tăng miễn dịch, cải thiện khả năng chống lại HIV, giảm tần suất và làm ngắn thời gian mắc các bệnh nhiễn trùng, làm chậm tiến triển sang AIDS.

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao năng lượng và vitamin khoáng chất, người người nhiễm HIVcần ăn đa dạng, đủ chất và thêm 1-2 bữa phụ trong ngày. Bên cạnh đó, sử dụng các vitamin, khoáng chất cần thiết và tốt cho hệ miễn dịch như Vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, vitamin E, kẽm, selenium. Có thể đáp ứng nhu cầu vitamin và khoáng chất qua chế độ ăn hoặc bổ sung bằng thuốc.

Người nhiễm HIV vì suy yếu hệ miễn dịch rất dễ bị nhiễm trùng nên cần cẩn thận hơn về mặt vệ sinh an toàn thực phẩm, như đảm bảo ăn chín uống sôi, hạn chế sử dụng rau, thịt cá sống, ăn trái cây nên gọt vỏ, rửa tay sạch trước khi ăn, ăn thức ăn sau khi nấu, nếu còn thừa nên bảo quản lạnh, tránh bảo quản ở nhiệt độ bên ngoài quá 2 giờ.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, nhu cầu năng lượng của người nhiễm HIV tăng lên và phụ thuộc vào các giai đoạn tiến triển của bệnh. Cụ thể là nhu cầu năng lượng cho người trưởng thành nhiễm HIV chưa có triệu chứng tăng 10%, tương đương với ăn thêm 1 bát cơm với thức ăn hợp lý hoặc tăng thêm 1 bữa phụ. Đối với người trưởng thành nhiễm HIV ở giai đoạn sau (có triệu chứng) thì nhu cầu năng lượng tăng 20% đến 30% hoặc tăng khoảng 460 - 690 Kcal mỗi ngày, tương đương với ăn thêm 2 - 3 bát cơm và thức ăn giàu đạm kéo dài hoặc thêm 2 - 3 bữa phụ...

Thùy Chi

Nguồn tiengchuong.vn

[TT: TBC]