Những điều cần biết về điều trị thay thế bằng thuốc methadone
09/09/2013 Lượt xem: 792 In bài viếtMethadone là thuốc điều trị thay thế các chất gây nghiện dạng thuốc phiện. Đây là mô hình cai nghiện ma tuý rất hiệu quả được các nước trên thế giới triển khai từ 20 năm nay, đặc biệt đang được triển khai rộng tại nhiều quốc gia phát triển. Là một mô hình mới được triển khai tại Việt Nam, bắt đầu từ năm 2008, mô hình được thí điểm thực hiện tại 6 tỉnh, thành phố với 15 cơ sở điều trị ban đầu. Hiệu quả điều trị Methadone đã được khẳng định: Người nghiện giảm nhu cầu sử dụng ma tuý, sức khoẻ tăng, chất lượng cuộc sống được cải thiện, giảm các bệnh lây nhiễm, đặc biệt là lây nhiễm HIV. Theo kế hoạch của Bộ Y tế, chương trình điều trị Methadone sẽ tiếp tục mở rộng tại Việt Nam, mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 30 tỉnh, thành phố triển khai chương trình với 245 cơ sở, điều trị cho 80.000 người nghiện ma tuý.
Tại thị xã Lai Châu và huyện Tam Đường tỉnh Lai Châu cũng đang triển khai mô hình này, vì vậy Cổng thông tin điện tử xin cung cấp một số thông tin liên quan đến điều trị thay thế bằng thuốc methadone.
Tại sao lại điều trị thay thế bằng thuốc methadone
Nhiễm HIV chủ yếu là qua đường máu do tiêm chích ma túy. Các biện pháp điều trị cai nghiện hiện nay đều thất bại, tỷ lệ tái nghiện rất cao. Methadone là thuốc điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện (CDTP), sử dụng theo đường ống nên không làm lây nhiễm HIV và bệnh viêm gan B, C…
Thuốc methadone đáp ứng được các yêu cầu về điều trị thay thế nghiện các CDTP.
Nghiện ma túy là bệnh mãn tính, cần được quản lý, theo dõi và điều trị lâu dài, kết hợp với các biện pháp tâm lý, xã hội, dạy nghề, tạo công ăn việc làm.
Lợi ích của việc điều trị bằng thuốc methadone
Điều trị thay thế bằng thuốc methadone có thể giúp người nghiệm CDTP giảm cảm giác thèm ma túy, giảm tần suất sử dụng CDTP, giảm các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV, giúp ổn định cuộc sống, có cơ hội tái hòa nhập với gia đình và cộng đồng, tăng hiệu quả của điều trị bằng thuốc ARV.
Giảm sử dụng ma túy bất hợp pháp, giảm tội phạm, giảm tỷ lệ tử vong.
Hiệu quả chi phí: Theo kinh nghiệm quốc tế, chương trình sẽ giúp cộng đồng tiết kiệm được từ 7-10 lần các chi phí liên quan đến pháp luật, hành pháp, y tế, xã hội, bảo hiểm, hải quan…
Đối tượng tham gia
1. Người bệnh đang nghiện các CDTP theo tiêu chuẩn
chẩn đoán nghiện CDTP của bộ Y tế.
2. Từ 18 tuổi trở lên.
3. Không có hành vi tội phạm trong thời gian xét chọn vào chương trình điều trị.
4. Phải có đơn tự nguyện tham gia điều trị bằng methadone theo mẫu của Bộ Y tế
và cam kết tuân thủ điều trị.
5. Không có chống chỉ định sử dụng thuốc methadone.
6. Người nghiện phải có hộ khẩu thường trú và nơi cư trú ổn định tại địa phương
nơi triển khai chương trình.
7. Có giấy giới thiệu của UBND xã, phường.
8. Đối tượng ưu tiên:
- Nghiện các CDTP trong một thời gian dài và đã cai nghiện nhiều lần nhưng không
thành công.
- Người tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
- Người có cam kết hỗ trợ của gia đình.
Chỉ định điều trị
Điều trị thay thế nghiện các CDTP bất hợp pháp: Thuốc phiện, hêrôin, móc phin...
Chống chỉ định
Dị ứng với methadone và các tá dược của thuốc, các
bệnh gan nặng, bệnh gan mất bù, suy hô hấp nặng, hen cấp tính, chấn thương sọ
não, tăng áp lực nội sọ, viêm loét đại tràng, co thắt đường tiết liệu và đường
mật…
Đang bị các rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, rối loạn cảm xúc
lưỡng cực, trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát.
Đang điều trị bằng thuốc đồng vận, đối vận hoặc vừa đồng vận vừa đối vận với
CDTP (LAAM, nantrexone, buprenorphine…)
Thận trọng
Người bệnh nghiện nhiều loại ma túy, người bệnh nghiện rượu, người bệnh sử dụng đồng thời các thuốc gây tương tác thuốc, người bệnh có tiền sử sử dụng thuốc chống tái nghiện nantrexone, người bệnh tâm thần đang sử dụng các thuốc hướng thần, người bệnh đau mạn tính, hen phế quản, suy thượng thận, suy giáp, phì đại tuyến tiền liệt, đái tháo đường…
Nguyên tắc chung điều trị bằng thuốc methadone
Người bệnh phải tự nguyện tham gia điều trị.
Liều methadone phù hợp với từng người bệnh. Bắt đầu với liều thấp, tăng từ từ, duy trì ở liều đạt hiệu quả.
Điều trị duy trì lâu dài, thời gian điều trị phụ thuộc vào từng người bệnh, không dưới 1 năm. Sau đó giảm dần liều và có thể tiến tới ngừng điều trị.
Kết hợp với tư vấn, hỗ trợ về tâm lý xã hội, các dịch vụ chăm sóc và điều trị y tế khác.
Chỉ cung cấp thông tin về người bệnh tới cơ quan có thẩm quyền khi có yêu cầu hoặc cho người khác khi được sự đồng ý của người bệnh.
Nguyên tắc cụ thể
Đúng chỉ định, đúng liều lượng, đúng quy trình. Phải tư vấn cho người bệnh trước, trong và sau điều trị. Người bệnh phải đến cơ sở điều trị để uống thuốc methadone hàng ngày dưới sự giám sát trực tiếp của nhân viên y tế. Hàng tuần cơ sở điều trị phải thảo luận, đánh giá những bệnh nhân chưa ổn định hoặc có diễn biến đặc biệt.
Dược lực học
Methadone là một chất đồng vận với các CDTP, tác động chủ yếu trên các thụ thể muy (μ) ở não. Tương tự như các CDTP khác, methadone có tác dụng giảm đau, giảm ho, yên dịu, giảm hô hấp và gây nghiện nhưng gây khoái cảm yếu.
Dược động học
a) Hấp thu: Methadone được hấp thu hoàn toàn và nhanh chóng qua đường uống (Methadone được hấp thu khoảng 90% qua đường uống).
Tác dụng khoảng 30 phút sau khi uống và đạt nồng độ tối đa trong máu sau khoảng 3-4 giờ.
Thời gian đạt nồng độ ổn định trong máu khoảng 3-5 ngày sau mỗi lần thay đổi liều điều trị.
b) Phân bố:
Methadone liên kết với albumine, protein huyết tương
khác và các mô (đặc biệt là phổi, gan, thận). Do vậy, methadone có hiệu quả tích
lũy và tốc độ thải trừ chậm (tỷ lệ gắn kết protein huyết tương từ 60-90%).
Methadone đi qua hàng rào rau thai và bài tiết qua sữa.
Thời gian bán hủy trung bình 24 giờ.
Đặc tính dược động học của methadone thay đổi theo từng người nghiện
c) Chuyển hóa:
Chuyển hóa chủ yếu ở gan thông qua men cytochrome P450.
Chất chuyển hóa của methadone không có tác dụng.
d) Thải trừ:
Thải trừ chủ yếu qua nước tiểu, ngoài ra còn qua phân, mồ hôi và nước bọt.
Độ thanh thải ở thận giảm khi pH nước tiểu tăng.
Các tác dụng không mong muốn
Các tác dụng không mong muốn phổ biến của methadone bao gồm táo bón, khô miệng và tăng tiết mồ hôi.
Các triệu chứng: rối loạn giấc ngủ, buồn nôn, nôn, giãn mạch và gây ngứa, rối loạn kinh nguyệt ở phụ nữ, chứng vú to ở đàn ông, rối loạn chức năng tình dục, giữ nước, tăng cân ít gặp hơn và có thể không liên quan đến methadone.
Hầu hết những người nghiện CDTP có ít tác dụng không mong muốn, tuy nhiên triệu chứng táo bón, rối loạn chức năng tình dục, tăng tiết mồ hôi, có thể vẫn tồn tại trong quá trình điều trị.
Tương tác thuốc
1. Nhiều người bệnh đang điều trị methadone đồng thời đang được điều trị HIV/AIDS hoặc các bệnh lý khác kèm theo, do vậy cần lưu ý đặc biệt đến các tương tác giữa thuốc methadone với các thuốc khác như: thuốc kháng Retrovirus (ARV), thuốc điều trị lao, điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, thuốc an thần, gây ngủ, thuốc giảm đau các loại. Tương tác giữa thuốc methadone với những thuốc tác động vào hệ thống men cytochrome P450 (CYP450) có thể dẫn tới:
- Giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị duy trì bằng
methadone.
- Giảm hiệu quả của liệu pháp điều trị ARV.
- Ngộ độc và các tác dụng không mong muốn.
- Giảm tuân thủ điều trị.
2. Việc tiên lượng trước những tương tác có thể xảy ra giữa thuốc methadone và các thuốc khác là rất quan trọng giúp quyết định đổi loại thuốc hoặc thay đổi liều methadone khi cần thiết.
3. Các thuốc có tương tác với thuốc methadone có thể làm tăng hoặc giảm chuyển hóa
a) Các thuốc kích thích hệ thống CYP3A có thể gây tăng chuyển hóa methadone do vậy làm giảm nồng độ methadone trong máu, hậu quả là xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng cai. Những thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Efavirenz (EFV), Nevirapine (NVP), Lopinavir/Ritonavir (LPV/R), Ritonavir (RTV), Rifampicine, Phenobarbital, Carbamazepine, Phenytoin.
b) Các thuốc ức chế hệ thống CYP3A có thể làm giảm chuyển hóa methadone do vậy làm tăng nồng độ methadone trong máu, hậu quả là xuất hiện các dấu hiệu và triệu chứng của ngộ độc methadone. Các thuốc thuộc nhóm này bao gồm: Fluconazole, Itraconazole, Ketoconazole, Ciprofloxacine, Fluvoxamine (SSRI), Sertraline (SSRI). Mặc dù có thể gây tăng nồng độ methadone trong máu sau khi sử dụng các loại thuốc này nhưng rất hiếm khi xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như buồn ngủ.
c) Methadone có thể làm thay đổi nồng độ một số thuốc khác trong máu và là nguyên nhân dẫn đến ngộ độc thuốc (ví dụ như AZT, IMAO và thuốc chống trầm cảm ba vòng). Methadone cũng có thể làm giảm nồng độ một số thuốc trong máu và là nguyên nhân dẫn đến thiếu liều thuốc (ví dụ như DDI). Ngộ độc AZT có thể biểu hiện giống như các dấu hiệu của hội chứng cai.
4. Nguyên tắc xử trí tương tác thuốc
a) Luôn hỏi người bệnh về những loại thuốc họ đang
sử dụng kèm theo với thuốc methadone.
b) Tiên lượng các tương tác thuốc có thể xảy ra, cần lưu ý các loại thuốc có
tương tác với methadone. Hạn chế tối đa việc sử dụng các loại thuốc có tương tác
với thuốc methadone. Khi có thể, nên dùng các loại thuốc không có tương tác với
methadone.
c) Sự tương tác thuốc là rất khác nhau ở mỗi người bệnh do vậy rất khó để dự
đoán về mức độ và thời gian tương tác để quyết định thay đổi liều thích hợp. Khi
điều chỉnh liều methadone nên dựa trên đáp ứng lâm sàng của người bệnh hơn là
dựa trên dự đoán về các tương tác có thể xảy ra.
d) Không nên bắt đầu liệu pháp điều trị bằng thuốc khác (lao, ARV) trong giai
đoạn khởi liều methadone (2 tuần đầu) để tránh sự nhầm lẫn giữa ngộ độc, tác
dụng không mong muốn và các tương tác thuốc có thể xảy ra. Các trường hợp bệnh
nhân đang mắc các rối loạn tâm thần, cần bắt đầu điều trị rối loạn tâm thần càng
sớm càng tốt.
đ) Phải quan sát và theo dõi chặt chẽ người bệnh đang điều trị methadone mà sử
dụng đồng thời những thuốc có tương tác với methadone để phát hiện và xử trí kịp
thời.
e) Phải cập nhật và ghi hồ sơ đầy đủ tất cả những thuốc mà người bệnh đang sử
dụng: chẩn đoán, tên thuốc, liều dùng, thời gian sử dụng, cơ sở điều trị cho chỉ
định (kể cả thuốc bệnh nhân tự mua), tương tác thuốc và cách xử trí để theo dõi
và tổng hợp.
Nguồn laichau.gov.vn
[TT: TBC]