Được triển khai tại 80 nước
Theo số liệu của Cơ quan kiểm soát ma tuý và tội phạm Liên Hợp Quốc, đến nay có khoảng 3% dân số trên thế giới nghiện ma tuý. Tiêm chích ma tuý hiện là phương thức lây truyền HIV chủ yếu, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm nghiện chích ma tuý tại một số nước lên đến 70%.
Nghiện ma tuý nói chung, nghiện các chất dạng thuốc phiện nói riêng là sự lệ thuộc về thể chất và tâm thần vào chất đó. Các chất dạng thuốc phiện (Opiates, Opioid) bao gồm nhiều chất (thuốc phiện, Morphin, Codein, Penthydine, Fentanyle) là những chất mà khi sử dụng có biểu hiện lâm sàng tương tự và tác động vào cùng điểm tiếp nhận tương tự ở não. Hiện nay có các loại thuốc tương đối phổ biến dùng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện đó là Methadone, Buprenorphine và Naltrexone.
Methadone được sản xuất trong Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, là một chất đồng vận với các chất dạng thuốc phiện, thuộc nhóm Opiates. Methadone nằm trong danh mục các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới, được quản lý nghiêm ngặt theo Công ước năm 1961 về ma tuý.
Methadone được chỉ định điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện, là một giải pháp can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV, có nhiều ưu điểm (giá rẻ, dễ kiểm soát, hạn chế việc lây nhiễm HIV...), đã được triển khai tại gần 80 nước trên thế giới.
Lợi ích của việc điều trị Methadone đã được công nhận đó là: giảm sử dụng ma tuý bất hợp pháp; sử dụng bằng đường uống nên giảm lây nhiễm HIV; giảm tử vong do tiêm chích quá liều; cải thiện chất lượng cuộc sống của người nghiện; cải thiện mối quan hệ của người nghiện với gia đình và cộng đồng; giảm các hành vi tội phạm. Hiệu quả kinh tế của điều trị Methadone đã được nhiều nước nghiên cứu và đưa ra kết luận: với 1 USD chi cho chương trình Methadone sẽ tiết kiệm được 7 USD chi cho các vấn đề khác phát sinh như các về vấn đề pháp luật, y tế.
Tuy nhiên, Methadone không phải là thuốc cai nghiện mà là một loại thuốc dùng điều trị thay thế, Methadone chỉ có tác dụng điều trị đối với những người nghiện các chất dạng thuốc phiện và cần điều trị trong thời gian dài để đạt hiệu quả cao.
Giảm hơn 90% tỷ lệ sử dụng chất gây nghiện
Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế tại Việt Nam là một trong những biện pháp can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV được quy định trong Luật Phòng chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone đã được triển khai thí điểm tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh từ tháng 4/2008. Tính đến ngày 30/11/2011, chương trình đã được triển khai tại 11 tỉnh, thành phố với 41 cơ sở, điều trị cho gần 6.500 người bệnh.
Chương trình điều trị methadone triển khai đã đạt được một số kết quả tốt về mặt kinh tế - xã hội.
Cụ thể, việc sử dụng heroin đã giảm đáng kể về cả tần suất và liều sử dụng ở người bệnh tham gia điều trị. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sử dụng các chất dạng thuốc phiện đối với người nghiện đã giảm từ 100% xuống còn 9% sau 12 tháng điều trị, ngay cả những người bệnh còn sử dụng heroin, tần suất sử dụng heroin cũng đã giảm rõ rệt (từ 60 lần/tháng xuống 2-3 lần/tháng).
Đa số người bệnh tham gia điều trị đã có những cải thiện tốt về sức khỏe, chuyển biến tích cực về thái độ cũng như cuộc sống (thang đo chất lượng cuộc sống tăng từ 69 lên 81 điểm cho sức khoẻ). Nhiều người bệnh trước đây chưa có việc làm hiện nay đã có việc làm và dành thời gian hỗ trợ gia đình.
Chương trình cũng đã góp phần cải thiện về tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội. Tỷ lệ người bệnh có các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm người bệnh tham gia điều trị giảm mạnh (sau 9 tháng điều trị số người bệnh có hành vi vi phạm pháp luật giảm từ 40% xuống còn 1,39%). Những mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm khi người bệnh được điều trị bằng Methadone (từ 20% xuống còn 3,5% sau 9 tháng điều trị). Đồng thời, chương trình đã giúp cho người nghiện ma tuý sớm hoà nhập cộng đồng, mang lại hạnh phúc cho gia đình và sự bình yên cho xã hội.
Một kết quả quan trọng khác là Chương trình đã góp phần làm giảm sự lây truyền HIV và các bệnh lây truyền qua đường máu như viêm gan B, C và một số bệnh xã hội, do không còn tình trạng sử dụng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma tuý. Theo kết quả nghiên cứu tại thành phố Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, sau 12 tháng chưa phát hiện được trường hợp mới nhiễm HIV nào trong số người bệnh tham gia điều trị Methadone.
Về hiệu quả kinh tế, giá thành điều trị Methadone thấp. Chi phí vận hành một cơ sở điều trị Methadone điều trị cho 250 người bệnh khoảng 1,4 tỷ đồng/năm. Chi phí điều trị tính bình quân cho một người bệnh khoảng 15.000 đồng/ngày, trong đó tiền thuốc khoảng 7.000 VNĐ/1 người bệnh/ngày (tính giá thuốc hiện nay là giá nhập khẩu).
Đảm bảo ổn định nguồn cung thuốc
Tuy còn các ý kiến khác nhau, song những lợi ích kinh tế - xã hội của Chương trình thí điểm điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Việt Nam đạt được là cơ bản. Thời gian tới, Chương trình này sẽ tiếp tục được mở rộng theo chỉ đạo của Chính phủ.
Theo số liệu thống kê của 63 tỉnh, thành phố, đến hết ngày 30/11/2011, Việt Nam có 158.414 người nghiện ma tuý, trong đó loại ma tuý sử dụng phổ biến nhất vẫn là heroin (chiếm 70%).
Để thực hiện mục tiêu đến năm 2015 sẽ điều trị thay thế bằng Methadone cho khoảng 80.000 người nghiện ma túy tại 30 tỉnh, thành phố, rất cần sự chỉ đạo sát sao của Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, sự phối hợp các cấp các ngành và sự đồng thuận của xã hội. Trước hết, cần tập thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Cụ thể, tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật. Sau khi Nghị định của Chính phủ về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế được ban hành, các cơ quan có liên quan cần hoàn thiện chính sách, chế độ trong điều trị nghiện bằng thuốc Methadone; xây dựng, sửa đổi và ban hành các hướng dẫn triển khai chương trình để các địa phương có căn cứ xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bằng nguồn lực của địa phương là chính và tổ chức thực hiện chương trình được thuận lợi.
Để Chương trình đạt hiệu quả cao cần phải mở rộng độ bao phủ của chương trình; lồng ghép chương trình với các hoạt động phòng, chống HIV vào hệ thống chăm sóc sức khoẻ công, tư và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; tăng cường công tác xã hội hóa trong điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc Methadone; mở ra cơ hội cho người nghiện ma túy được lựa chọn các hình thức hỗ trợ cai nghiện hoặc cai nghiện thích hợp nhất.
Để chương trình đạt kết quả bền vững, cần phải bảo đảm ổn định nguồn cung ứng thuốc Methadone trước khả năng cắt giảm các nguồn viện trợ từ các tổ chức quốc tế, quản lý chặt chẽ thuốc Methadone, hỗ trợ tạo điều kiện tìm kiếm công ăn việc làm cho những người tham gia điều trị Methadone và những người sau cai nghiện để họ không tái nghiện.
Đồng thời, nghiên cứu các mô hình điều trị nghiện thành công trên thế giới, các bài thuốc cắt cơn, cai nghiện để áp dụng vào thực tế Việt Nam.
Một nhiệm vụ khác là tăng cường công tác chỉ đạo về chuyên môn kỹ thuật, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát bảo đảm việc điều trị cho bệnh nhân phù hợp, có chất lượng cao, tuân thủ theo đúng các quy định của pháp luật và các hướng dẫn chuyên môn có liên quan; bảo đảm an toàn cho thầy thuốc, bệnh nhân và những người tham gia công tác điều trị.
TS. Đoàn Hữu Bảy
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]