Biểu hiện của các bệnh LTQĐTD gồm: Có dịch bất thường chảy ra từ âm đạo hoặc đầu dương vật; hậu môn hoặc cơ quan sinh dục bị ngứa, đau, đỏ, rát hoặc có các nốt, các vết loét bất thường; tiểu đau, buốt hoặc rát, hoặc tiểu nhiều hơn bình thường; đau bất thường ở vùng bụng dưới mà không liên quan gì tới việc hành kinh; trên da có nhiều mụn cóc, hoặc các mụn phỏng rộp, đau, chảy nước, hoặc có lốm đốm đỏ, hay các u nhọt quanh miệng hoặc cơ quan sinh dục hoặc nổi hạch ở vùng bẹn...; đau nhiều khi giao hợp (ở các thiếu nữ) hoặc có ra máu sau quan hệ tình dục. Tuy nhiên, một số bệnh LTQĐTD không thể hiện dấu hiệu rõ ràng, chẳng hạn như bệnh do Chlamydia, nhiễm virut viêm gan B và C, nhiễm HIV... Vì thế người mắc có thể không biết mình đã bị mắc bệnh, nhưng vẫn có thể làm lây bệnh cho người khác.
Biến chứng của các bệnh LTQĐTD rất nguy hiểm như: viêm hố chậu, chửa ngoài tử cung (có thể đe dọa tính mạng), gây chết người (HIV hoặc viêm gan siêu vi B, C...), vô sinh, chít hẹp niệu đạo, giang mai bẩm sinh (do mẹ bị bệnh truyền sang con, gây dị hình ở trẻ sơ sinh), viêm kết mạc mắt trẻ sơ sinh, nguy cơ bị ung thư, tổn thương não hoặc phá hủy gan... Vì thế, nếu nghi ngờ bị mắc bệnh cần lập tức đi khám chuyên khoa da liễu để xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời. Khi đã mắc bệnh, cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị, tuyệt đối không bỏ thuốc khi thấy đỡ triệu chứng. Khi dùng hết thuốc nên đi khám lại. Trong quá trình điều trị bệnh nên hạn chế quan hệ tình dục (nếu có thì phải sử dụng bao cao su). Hãy khuyên bạn tình của mình đi khám và chữa bệnh để tránh tình trạng lây chéo giữa hai người.
Để phòng bệnh, quan trọng nhất là mọi người, nhất là lứa tuổi thanh thiếu niên phải có những hiểu biết cần thiết về tình dục, về sức khỏe sinh sản và các bệnh LTQĐTD để tự phòng cho bản thân và tránh làm lây bệnh ra cộng đồng. Biện pháp phòng bệnh tốt nhất là sống chung thủy lành mạnh. Dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.
BS. Trần Thu Phương
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]