Xóa bỏ cây có chứa chất ma túy: Cuộc chiến vẫn còn rất gian nan

22/12/2011 Lượt xem: 607 In bài viết

Vẫn phức tạp, nóng bỏng:

Ông Nguyễn Văn Đủ - Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN&PTNT) cho rằng tình hình tái trồng cây có chứa chất ma túy diễn biến hết sức phức tạp. Số liệu thống kê của Bộ NN&PTNN cho thấy: Trong năm 2008 và 6 tháng đầu năm 2009, cả nước đã phát hiện người dân trồng 45,4 ha cây thuốc phiện và 1,2 ha cây cần sa, thu giữ 1.630 kg thân lá cần sa. Tuy nhiên đây chỉ là một phần của diện tích thực tế người dân trồng cây chứa chất ma túy mà cơ quan chức năng đã phát hiện được.

Hiện vẫn có trên 6.000 người nghiện hút ở các bản làng vùng núi cao phía Bắc và một số tỉnh Tây Nguyên. Vì vậy, họ vẫn lén lút trồng cây thuốc phiện và cần sa để có thuốc hút. Ngoài ra, do lợi nhuận thu được từ các loại cây trồng này rất cao (từ 200-250 triệu đồng/ha) nên dù biết trồng là vi phạm pháp luật song một bộ phận nhân dân vẫn cố tình vi phạm. Đó là hai nguyên nhân chính dẫn tới việc trồng và tái trồng cây có chứa chất ma túy ở nhiều tỉnh thành trong cả nước. Các tỉnh trọng điểm như Lào Cai, Điện Biên, Yên Bái tình hình trồng và tái trồng cây thuốc phiện vẫn có chiều hướng diễn biến phức tạp. Tại Điện Biên, từ năm 2008 tới nay cơ quan chức năng đã phát hiện, phá bỏ 19 ha ở 4 huyện trọng điểm như Tuần Giáo, Điện Biên Đông, Mường Nhé, Mường Aêng. Tại Yên Bái cũng đã phát hiện, phá bỏ 2 ha ở 12 xã của huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Tại Lào Cai cũng đã phát hiện, phá bỏ 2.700 m2 cây thuốc phiện ở huyện Bát Xát, Si Ma Cai.

Cần một giải pháp đồng bộ

Đã có 2 già làng của Lâm Đồng và đại diện lãnh đạo của 5 tỉnh là Lâm Đồng, Gia Lai, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai lên tham luận và đề xuất những giải pháp xóa bỏ cây có chứa chất ma túy. Theo đó, để đạt được kết quả trong vận động xóa bỏ cây có chứa chất ma túy cần được coi là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, kiên quyết với các biện pháp đồng bộ từ khâu tuyên truyền giáo dục đến việc chỉ đạo xóa nhổ, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, đồng thời hỗ trợ giải quyết những vấn đề bức xúc về đời sống. Thực hiện vận động xóa bỏ cây thuốc phiện phải gắn liền quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh hơn nữa việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã, cụm xã vùng cao. Đẩy mạnh việc thực hiện mô hình chuyển giao công nghệ khoa học kỹ thuật có hiệu quả thích hợp cho mỗi địa phương. Phát triển giáo dục, y tế, văn hóa thông tin, nâng cao trình độ dân trí khu vực dân tộc và miền núi. Tăng cường đầu tư vào khu vực dân tộc và miền núi nhất là vùng trọng điểm còn tái trồng cây thuốc phiện. Huy động nguồn lực tập trung cho việc hỗ trợ xây dựng và triển khai các dự án phát triển kinh tế xã hội ở các huyện trọng điểm còn tái trồng cây thuốc phiện. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chính quyền các cấp, đưa công tác xóa bỏ cây thuốc phiện vào nội dung hoạt động của các cấp ủy đảng, chính quyền. Kiện toàn hệ thống tổ chức phòng chống ma túy ở các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể. Đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức quần chúng, những người có uy tín trong cộng đồng như già làng, trưởng bản, trưởng họ trong công tác vận động xóa bỏ cây thuốc phiện và phòng chống các tệ nạn về ma túy. Trên cơ sở đó nâng cao nhận thức tự giác chấp hành những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về phòng chống ma túy, đấu tranh chống các tội phạm về ma túy. Các bộ, ngành, địa phương cần tích cực tuyên truyền vận động nhân dân về công tác phòng chống ma túy, vận động xóa bỏ cây thuốc phiện một cách thường xuyên, liên tục, xử lý nghiêm những trường hợp cố tình tái trồng cây thuốc phiện.

Hiện Bộ NN&PTNT đã xây dựng kế hoạch bố trí nguồn vốn hỗ trợ đầu tư cho 12 tỉnh miền núi phía Bắc có nguy cơ tái trồng cây thuốc phiện, 16 tỉnh có nguy cơ bùng phát trồng cây cần sa năm 2010 với kinh phí 36.72 tỷ đồng, hiện đang chờ Chính phủ và các bộ chức năng quyết định vốn đầu tư. Theo đó sẽ tập trung nguồn vốn vào 45 huyện, 186 xã trọng điểm cần quan tâm chỉ đạo hỗ trợ đầu tư bằng nguồn vốn dự án xóa bỏ thay thế cây có chứa chất ma túy để ổn định đời sống của bà con.

Theo Báo Lâm Đồng