Hiểm họa từ cây cần sa

20/12/2011 Lượt xem: 496 In bài viết
Lén lút trồng cây cần sa
 
Việc trồng cây cần sa nổi cộm nhất vào cuối năm 2008. Qua nguồn tin báo của quần chúng, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện Vũ Văn Đức (SN 1965) hộ khẩu thường trú tại huyện Tánh Linh- tỉnh Bình Thuận lên mua rẫy tại vùng hẻo lánh thuộc thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Sê (nay là huyện Chư Pưh) để trồng cây cần sa. Tại hiện trường, cơ quan chức năng đã phát hiện có hơn 6.200 m2 cây cần sa (gần 1 năm tuổi) bị đốn chặt nham nhở. Ngay tức khắc, số cần sa này đã bị tịch thu và tiêu hủy với trọng lượng hơn 4 tấn.
 
Theo lời khai của Đức: Do nguồn lợi cao từ việc bán cây cần sa khô tại rẫy (với giá gần 1 triệu đồng/kg) cho một số đối tượng từ TP. Hồ Chí Minh lên mua nên đã làm hoa mắt. Khi thấy “động”, Đức vội vàng chặt bỏ, nhưng vì diện tích quá lớn, số lượng nhiều nên không kịp phi tang. Số lượng cần sa của vụ án quá lớn nên buộc các cơ quan chức năng phải thuê gần 20 chuyến xe công nông mới chở hết số cây cần sa tươi này ra khỏi hiện trường để tiêu hủy.
 
Vụ việc trên chưa hết “sốc” thì đến tháng 8-2010, nhờ nguồn tin của nhân dân, các cơ quan chức năng đã phát hiện tại làng Mul, xã Ia Hla (huyện Chư Pưh) xuất hiện thêm một đám cần sa mới (có chiều cao từ 30 cm đến 110 cm). Đặc biệt là đám rẫy cần sa này được bao bọc xung quanh bởi những dãy bắp lai xanh tốt. Chỉ đến khi các cơ quan chức năng phát hiện thì toàn bộ diện tích cần sa này mới bị nhổ bỏ và tiêu hủy.
 
Tại hiện trường, đối tượng có tên là Xuyến và Phan khai: Chúng chỉ trồng thuê cho một người có tên Hanh với giá 2 triệu đồng/người/tháng. Hàng tháng, Hanh đến rẫy, đưa tiền “lương” sòng phẳng và kiểm tra chất lượng cây cần sa rồi đi, nên cả hai đều không biết nhà Hanh ở đâu, làm nghề gì… Đến nay, quá trình điều tra vẫn chưa thể xác định được đối tượng có tên Hanh kia là ai, nên các cơ quan chức năng chỉ biết ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính và thả hai đối tượng Xuyến và Phan (mức xử phạt là 750.000 đồng/đối tượng vì đã có hành vi “Trồng cây có chứa chất ma túy”).
 
Cần đến sức mạnh của cộng đồng

Hai vụ nêu trên có lẽ chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Trong thực tế, những vùng đồi núi tại các vùng sâu, vùng xa heo hút, ít người qua lại, lực lượng chức năng lại mỏng thì khó có khả năng bao quát hết. Hầu hết các vụ bị phát hiện trong thời gian qua đều do người dân cung cấp thông tin, các cơ quan chức năng mới ra tay ngăn chặn. Và chỉ đến khi vào cuộc thì mới biết rằng đã và đang tồn tại một đường dây hoàn chỉnh trong việc liên kết cung cấp giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc, mua bán, vận chuyển cây cần sa khô trên địa bàn, nhưng những kẻ “đầu sỏ” thì… vẫn ngoài vòng pháp luật.

Cây cần sa (cannalis sativa), còn gọi là bồ đà. Trong cần sa có chứa chất tetrahydrocannabinol: THC, chất này có tác dụng hạ huyết áp, an thần nhưng đặc biệt là kích thích và gây nghiện, tạo cảm giác thư giãn, sảng khoái, phấn chấn với những ảo giác đẹp, huyền ảo. Nhựa cần sa có nồng độ gây nghiện gấp 8-10 lần thảo mộc cần sa. Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và nồng độ các chất gây nghiện cao gấp 3-4 lần nhựa cần sa.

Hiện nay phần lớn các quốc gia trên thế giới đều coi việc trồng, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ cần sa là bất hợp pháp.

Theo Sức khỏe và Đời sống
Theo Thượng tá Nguyễn Văn Chung- Phó trưởng phòng PC47, Công an tỉnh thì công tác phòng-chống ma túy về cơ bản vẫn được kiểm soát. Tình trạng tái trồng cây cần sa đang là thách thức lớn đối với lực lượng chức năng bởi địa bàn rộng, lực lượng mỏng, các đối tượng đã dùng nhiều thủ đoạn để ngụy trang nhằm tránh sự phát hiện của quần chúng nhân dân và các cơ quan chức năng. Thời gian tới cần sự phối-kết hợp của nhiều cấp, nhiều ngành, đoàn thể để tuyên truyền cho nhân dân nhận biết và hiểu rõ được tác hại của cây cần sa để cùng với chúng tôi đấu tranh trấn áp tội phạm liên quan đến ma túy.

Theo baogialai.com.vn