Nhận diện cây cần sa và giải pháp phòng ngừa tội phạm trồng cây cần sa hiện nay

20/12/2011 Lượt xem: 849 In bài viết

Một là: Do từ lâu trên địa bàn các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ không xuất hiện việc trồng cây cần sa. Cho nên có lúc, có nơi chính quyền địa phương đã chủ quan, buông lỏng quản lý trong lĩnh vực này. Lực lượng Công an, cán bộ xã đã không kiểm tra, giám sát bà con nông dân trồng cây gì, ngay cả khi có các đối tượng lạ đến địa phương do mình quản lý để thuê trồng cây cần sa thì các cơ quan này cũng không biết.

Hai là: Do không được tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức về phòng, chống ma tuý nên nhiều người dân và cả một số cán bộ địa phương cũng không biết cây cần sa và hậu quả tác hại của nó. Nhiều người dân đã bị các đối tựa lừa trồng cây cần sa. Với thủ đoạn thuê người dân trồng cây thuốc (cây hanh hao vàng), sau đó các đối tượng đưa cây cần sa vào và nói là cây thuốc quý. Do thiếu hiểu biết nên họ đã nhận trồng mà không hề biết mình đang trồng cây có chứa chất ma tuý.

Ba là: Lợi nhuận thu được từ việc trồng, mua bán cần sa là rất lớn. Nếu như các đối tượng mua tại nơi trồng cây cần sa thì giá cũng từ 4 đến 5 triệu đồng/1kg còn mang ra đến Hà Nội bán buôn vào khoảng 10 triệu đồng/1kg. Như vậy, lợi nhuận đã đánh thẳng vào lòng tham của các đối tượng nên chúng không từ bỏ mọi thủ đoạn để thực hiện hành vi phạm tội.

Bốn là: Hiện nay hút cần sa đang được coi là “mốt” của giới ăn chơi ở Hà Nội và các thành phố, thị xã. Nhiều thanh niên coi việc hút cần sa là một thú chơi, chúng thích “ảo” – thích cảm giác thoát ly thực tại. Đặc biệt hiện nay khi nước ta gia nhập WTO thì lượng khách nước ngoài đến Việt Nam là rất lớn. Nhiều người trong số này có thói quen hút cần sa nên cũng góp phần vào việc thúc đẩy loại tội phạm này phát triển.

Năm là: Chính sách xử lý hình sự của Nhà nước ta đối với hành vi trồng cây có chứa chất ma tuý nói chung và cây cần sa nói riêng còn nhẹ. Nhiều đối tượng đã lợi dụng chính sách nhân đạo của pháp luật để thực hiện hành vi phạm tội.

Đứng trước tình hình như vậy, đòi hỏi các ngành, các cấp cần có các biện pháp chủ động phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm này không để cho chúng phát triển. Muốn đấu tranh được với tội phạm trồng cây cần sa và tệ nạn sử dụng cần sa trước hết chúng ta cần nhận diện được chúng.

Vậy cần sa là gì? Cần sa có tên khoa học là: Cannabis – Satina L. Nó còn có tên khác là: Cây gai dầu, cây lanh mèo, cây lanh mán, cây gai mèo, cây đại ma, cây hoả ma, cây bồ đà. Cần sa thuộc nhóm thảo mộc, mọc hàng năm cao từ 2-3 mét, thân vuông, có rãnh dọc, mọc thẳng đứng. Lá cần sa xẻ ra từ 5-7 thuỳ hình chân vịt, mép khía răng cưa. Phía dưới, lá mọc đối, cuống dài, phía trên lá mọc so le, cuống ngắn, có lá kèm. Hoa cần sa là loại hoa đơn tính, mọc riêng gốc, màu xanh nhạt, hoa đực mọc rủ xuống, hoa cái mọc thành bông. Hạt cần sa hình cầu, dập nát có ngửi mùi thơm, trong đó có nhân dẹt, nôi nhũ.

Hiện nay cần sa tồn tại chủ yếu ở các dạng sau:

1. Cần sa thảo mộc: gồm có lá, hoa, quả. Người sản xuất cần sa thu thập các bộ phận trên đem phơi khô, ép thành từng bánh đưa ra thị trường tiêu thụ.

2. Nhựa cần sa: Được chiết xuất từ tất cả các bộ phận của của cây cần sa bao gồm: lá, rễ, thân, vỏ, quả đều chiết xuất trên máy ép. Nhựa cần sa thu được có màu đen sẫm giống như thuốc phiện. Nhựa cần sa có nồng độ chất gây nghiện gấp 8-10 lần cần sa thảo mộc.

3. Tinh dầu cần sa: Tinh dầu cần sa có màu hơi tối và có mùi hắc, được chiết xuất từ cần sa thảo mộc hoặc nhựa cần sa bằng các dung môi hữu cơ: metanol, etanol, axeton…Nồng độc hất gây nghiện trong tinh dầu cần sa rất cao. Tinh dầu cần sa có độc tính gấp 3-4 lần so với nhựa cần sa.

Hiện nay cần sa là một trong những chất ma tuý phổ biến nhất trên thế giới. Nguy hiểm nhất của cần sa là gây ảo giác, tức làm sai lệch về tính thần. Tuỳ vào thần kinh của con nghiện mà cần sa gây ảo giác khác nhau.

Để phòng ngừa tội phạm trồng cây cần sa một cách có hiệu quả, theo chúng tôi cần tiến hành làm tốt một số mặt sau.

Thứ nhất: Hoàn thiện hệ thống pháp luật xử lý hành vi trồng cây cần sa.

Hiện nay Nhà nước ta đã có những văn bản pháp luật xử lý hành vi trồng cây cần sa thể hiện sự quyết tâm phòng ngừa, ngăn chặn ma tuý. Nghị định của Chính phủ số 150/2005/NĐ-CP ngày 12/12/2005 Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh và trật tự, an toàn xã hội. Điều 23, quy định xử phạt 500.000đ đến 1.000.000đ đối với hành vi trồng cây thuốc phiện, cây cần sa, cây cô ca hoặc các cây khác có chứa chất ma tuý. Điều 192 BLHS năm 1999 quy định: “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma tuý, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện ổn định cuộc sống, đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Tuy nhiên mức xử lý hành chính như thế còn nhẹ, chưa phân chia mức xử lý theo tính chất, mức độ của hành vi. Đối với điều 192 BLHS, việc quy định điều kiện để xử lý hình sự như vậy là không phù hợp với hiện nay. Cần sửa đổi, bỏ các điều kiện đó. Bởi vì, hiện nay Đảng, Nhà nước đã có nhiều hình thức tuyên truyền giáo dục phòng chống ma tuý, mọi người dân đều đã được tuyên truyền, giáo dục nên không thể không hiểu biết về pháp luật. Mặt khác, các đối tượng trồng cần sa hiện nay không phải là những người có khó khăn về kinh tế mà hầu hết họ là những đối tượng chủ mưu, cầm đầu có cuộc sống sung túc nhưng vì động cơ làm giàu bất chính mà họ thực hiện hành vi phạm tội. Có như vậy, công tác phòng chống ma tuý mới có hiệu quả và thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật.

Thứ hai: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật, kiến thức về cần sa cho mọi người dân biết để có biện pháp phòng ngừa. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, các hình thức văn hoá, văn nghệ để tuyên truyền cho người dân biết về cây cần sa và hậu quả của nó đối với sức khoẻ con người. Không để người dân bị các đối tượng lừa gạt dưới hình thức thuê trồng cây thuốc. Tuyên truyền, phổ biến pháp luật nhằm nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân. Từ đó vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm. Giúp cơ quan chức năng kịp thời phát hiện, điều tra, khám phá loại tội phạm này.

Thứ ba: Nâng cao vai trò của cơ sở Đảng, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội trong việc phòng ngừa tội phạm trồng cây cần sa.

Đấu tranh chống các tội phạm ma tuý là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, của tất cả các ngành, các cấp, các tổ chức xã hội đều có nghĩa vụ tham gia. Tuỳ thuộc vào chức năng, chuyên môn của mỗi ngành, mỗi lực lượng mà xác định phạm vi, mức độ, yêu cầu cụ thể. Chính quyền địa phương phải đẩy mạnh công tác rà soát những vùng có trồng cây thuốc (cây hanh hao vàng) để kịp thời phát hiện có hay không việc trồng cần sa. Chính quyền địa phương phải chỉ đạo các ngành, các tổ chức xã hội thực hiện tốt nhiệm vụ của mình trong lĩnh vực phòng chống ma tuý.

Thứ tư: Tăng cường công tác phát hiện, triệt xoá cây cần sa.

Lực lượng Công an phối hợp với các ngành, các tổ chức xã hội đẩy mạnh công tác kiểm tra, phát hiện những nơi trồng cần sa. Phát hiện các phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm trồng cây cần sa. Khi phát hiện nơi nào có trồng cây cần sa phải báo ngay cho lực lượng chuyên trách phòng chống ma tuý ở huyện, tỉnh đó. Tiến hành lập biện bản về việc vi phạm, xác định chủ nhân trồng xác định diện tích trồng cây cần sa. Lực lượng Công an, Viện Kiểm sát, chính quyền địa phương tiến hành triệt phá và tiêu huỷ theo đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Minh Hiển VPTT PCMT