Cuộc chiến cần sa và sự tác động đến giới trẻ Mỹ

20/12/2011 Lượt xem: 872 In bài viết

Bất hợp pháp ở Liên bang, hợp pháp ở nhiều bang

Tại một số bang như California, Massachusetts và Nevada, người ta đang xúc tiến một điều luật coi cần sa là chất kích thích “nhạy cảm” giống như rượu, qua đó sẽ đánh thuế và kiểm soát việc bán cần sa, đồng thời hạn chế độ tuổi người mua cần sa. Tuy nhiên, nhiều cuộc thăm dò gần đây cho thấy khá nhiều người đang từng bước ủng hộ việc hợp pháp hóa cần sa, có nghĩa là nới lỏng những giới hạn về sử dụng, nguồn cung ứng, sản xuất và tiêu thụ cần sa.

Chính quyền Obama cho biết Lực lượng chống ma túy của Mỹ sẽ không tiến hành khám xét các trạm cấp phát cần sa y tế. Vấn đề được cho là bất hợp pháp ở cấp liên bang nhưng lại hợp pháp ở nhiều bang. Chiến dịch vận động hợp pháp hóa sử dụng cần sa được tổ chức rất bài bản và được nhiều nhà tỷ phú hào phóng tài trợ, trong đó có George Soros. Cho đến nay đã có 13 bang nới lỏng những hạn chế về việc sử dụng cần sa (các mức phạt là không đáng kể). 13 bang này hiện cũng cho phép lưu hành cần sa y tế (chữa bệnh).

Ông Paul Armentano, Phó giám đốc tổ chức Quốc gia về vấn đề cải cách luật cần sa (NORML) mới đây trả lời báo giới rằng 3 lý do để dẫn đến việc hợp pháp hóa cần sa đó là: 1/ nền kinh tế sụt giảm khiến chính phủ phải tìm kiếm nguồn thu mới. 2/ công chúng quan tâm tới cuộc chiến ma túy đầy bạo lực ở Mexico, và thứ 3 là những thay đổi trong nhận thức về cần sa.

Hãy cùng xem xét 3 lý do trên.

Cần sa có hại hơn là có lợi

Những người ủng hộ hợp pháp hóa cần sa cho rằng cần sa không trực tiếp giết người sử dụng nó theo cách như rượu hay các chất ma túy như heroin. Họ cũng nói cần sa góp phần giảm nhẹ triệu chứng của các bệnh nhân, mặc dù nó không được các hiệp hội y học xác nhận.

Còn các cơ quan chuyên trách về lương thực và độc dược có ý kiến khác.

Rosalie Pacula, Giám đốc Trung tâm chính sách ma túy đặt ra câu hỏi “Nếu cần sa không có hại, tại sao chúng ta lại phải chứng kiến 100.000 ca nhập viện mỗi năm vì sử dụng cần sa"?

Kết quả nghiên cứu trong hơn thập kỷ qua về việc sử dụng cần sa cho thấy cần sa có liên quan tới những vấn đề nghiêm trọng về thần kinh, đặc biệt là nguy cơ rủi ro với lớp trẻ. Hiệp hội lao phổi ở Anh cho rằng hút 3 đến 4 liều cần sa tương đương với 20 điếu thuốc lá.

Bác sĩ Kavin Sabet, trong một cuốn sách của mình đã viết rằng khoảng một nửa trong số những người hút cần sa hàng ngày sẽ trở nên nghiện và phụ thuộc vào cần sa trong một khoảng thời gian nhất định.

Việc cứu két tiền sẽ bỏ mặc giới trẻ

Dự luật hợp pháp hóa cần sa của bang California đề xuất đánh thuế 50 đôla cho mỗi 28,35 gram cần sa. Việc đánh thuế như vậy sẽ giữ cho giá cần sa cao tương đương với giá chợ đen và sẽ mang lại cho ngân sách đang thâm hụt của bang khoản thu 1.3 tỉ đôla.

Tuy nhiên chợ đen có thể dễ dàng hạ giá. Chỉ nhìn vào số lượng buôn bán thuốc lá bất hợp pháp ở Canada cũng biết được mức thuế cao có thể kích thích chợ đen như thế nào (khoảng 30% thuốc lá mua ở Canada là bất hợp pháp).

Một chính phủ có thể nỗ lực loại trừ chợ đen hoàn toàn bằng cách hạ giá cần sa (Bác sỹ Pacula thuộc Tổ chức RAND cho biết thị trường chợ đen sẽ giảm khoảng 4 lần nếu nó được hợp pháp) . Nhưng sau đó số người sử dụng sẽ tăng lên vùn vụt và lớp trẻ có thể mua cần sa với số tiền ăn trưa của chúng.

Việc hợp pháp hóa cần sa chắc chắn sẽ gia tăng người sử dụng bởi sự tràn lan của nó. Những người tán thành hợp pháp hóa cần sa cho rằng “không phải vậy” và lấy ví dụ về cần sa hợp pháp ở Hà Lan.

Tuy nhiên, Hà Lan từng hợp pháp hóa cần sa vào năm 1976, nhưng đã xóa bỏ kể từ năm 1984. Hiện giờ, Hà Lan đã nhận ra cái giá đắt của việc hợp pháp hóa này, số người nghiện tăng lên, số con buôn ma túy loại nặng tăng cao và số khách du lịch "nghiện" đến Hà Lan vì ma túy cũng ngày một nhiều.

Nạn buôn ma túy từ Mexico sẽ chấm dứt?

Câu trả lời là không. Lý lẽ của những người ủng hộ là nếu hợp pháp hóa cần sa thì sẽ chấm dứt việc buôn lậu loại thuốc này và sẽ chấm dứt được nạn bạo lực. Trên thực tế cần sa không có mấy vai trò trong nạn tội phạm và bạo lực, theo Giáo sư Jonathan Caulkins, cố vấn về chính sách ma túy ở Mỹ và Úc.

Hầu hết bạo lực diễn ra đối với những kẻ mua bán ma túy hạng nặng như cocaine, methamphetamine, heroin. Vì vậy mà hợp pháp hóa cần sa không thể trấn áp được cuộc chiến ma túy ở Mexico. Hơn nữa, hầu như không có mấy người Mỹ bị ngồi tù vì tội sở hữu cần sa, chỉ có một số ít bị giam khi sở hữu số lượng lớn.

Thế hệ trẻ hôm nay chính là những người giải quyết các vấn đề của thế giới ngày mai, trong khi thế hệ trẻ lại là những người bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu cần sa được hợp pháp hóa. Bởi vậy, cần ngăn chặn ngay việc hợp pháp hóa cần sa trước khi nó trở nên quá muộn.

Theo Tintuconline