Có một ngôi đền thờ... thần thuốc phiện ở Hà Giang
20/12/2011 Lượt xem: 577 In bài viếtCon đường từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào bản Suối Thầu (xã Bản Luốc) như đường lên trời. Tôi và anh Lại Trần Hà, cán bộ phòng giao thông huyện, cưỡi chiếc xe win 100 nhảy chồm chồm trên những tảng đá hộc dọc con đường mòn nhỏ xíu quanh co triền núi suốt 2 giờ đồng hồ mới đến trung tâm bản. Từ đây, cuốc bộ một lúc thì đến khu rừng cấm của người Dao dáo dài, nơi có ngôi đền Thượng, thờ khá nhiều thần, song có một vị được người bản xứ gọi là… thần thuốc phiện.
Con đường từ thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) vào bản Suối Thầu (xã Bản Luốc) như đường lên trời. Tôi và anh Lại Trần Hà, cán bộ phòng giao thông huyện, cưỡi chiếc xe win 100 nhảy chồm chồm trên những tảng đá hộc dọc con đường mòn nhỏ xíu quanh co triền núi suốt 2 giờ đồng hồ mới đến trung tâm bản. Từ đây, cuốc bộ một lúc thì đến khu rừng cấm của người Dao dáo dài, nơi có ngôi đền Thượng, thờ khá nhiều thần, song có một vị được người bản xứ gọi là… thần thuốc phiện.
Ngôi đền rất đơn sơ, tường trình đất dày nửa mét và khung dựng bằng gỗ, giống với hầu hết những ngôi đền của đồng bào ở vùng núi cao rừng thẳm này. Tuy nhiên, mái lợp gỗ pơ mu truyền thống đã được dân bản hiện đại hóa bằng những tấm phibrô ximăng.
Ông Đặng Kim Khoẳn, 54 tuổi, thầy cúng trông giữ ngôi đền, sau khi khấn vái trên bàn thờ tổ tiên, rồi lại khấn vái trước cửa rừng, mới dám mở cửa ngôi đền cho chúng tôi vào tham quan. Theo ông Khoẳn, chỉ đến ngày 1-7 âm lịch hàng năm, khi dân bản làm lễ cúng rừng, cầu mùa màng tốt tươi, dâng lợn cho các vị thần ngự trong đền, thì mới được mở cửa đền. Ngoài ra, chỉ khi nào có thiên tai lớn, mất mùa, hoặc gia đình nào trong bản gặp nạn, thì mới được mở đền. Trước khi mở đền, bản phải mổ trâu để dâng thần.
Người dẫn chúng tôi đến tận ngôi đền lạ này là anh Đặng Hồng Cánh, cán bộ văn phòng xã Bản Luốc. Anh Cánh cũng bảo rằng, không phải ngày lễ thì không ai dám lại gần khu rừng cấm và đặc biệt là vào đền Thượng, bởi sẽ làm kinh động đến các vị thần linh. Anh Cánh còn nói, những người mặc áo trắng, đội nón, những người lạ ở nơi khác đến, nếu vào đền cũng sẽ bị ốm đau, bệnh tật(?!).
Tôi chẳng tin mấy chuyện kiểu “tin đồn” như vậy, nhưng có một điều chắc chắn là đồng bào nơi đây rất sợ ngôi đền này. Các cụ già trong bản kể rằng, ngày trước, bọn phỉ kéo về đốt phá nhà cửa, chém giết dân bản rất nhiều, song chúng cũng không dám xâm phạm vào ngôi đền. Chỉ những người trốn vào đền là còn sống sót sau vụ tấn công càn quét đó.
Thờ thần thuốc phiện để “nhắc nhở” đồng bào
Hầu hết các ngôi đền của đồng bào vùng Hoàng Su Phì
đều nằm trong rừng cấm và thông thường chỉ có vài bát nhang, vài thứ đồ
cổ. Tuy nhiên, đền Thượng lại có rất nhiều tượng, gồm cả tượng nam lẫn
tượng nữ. Mỗi ngôi tượng biểu trưng cho một vị thần và đều đội khăn, mặc
trang phục bằng vải sặc sỡ.
Thần thuốc phiện với cây gậy có hình quả anh túc
Trong ngôi đền này có tổng số 13 pho tượng. Điều đáng chú ý là 12 pho tượng đều quay mặt về phía trung tâm đền thờ, trong khi, có một ngôi tượng lại quay ngang. Đặc biệt hơn nữa, ngôi tượng quay một mình một hướng này lại cầm trên tay… quả anh túc.
Ngày trước, trong ngôi đền này có rất nhiều sách cổ viết bằng chữ Nôm Dao, tuy nhiên, những cuốn sách đã thất lạc từ mấy chục năm nay. Thầy cúng Đặng Kim Khoẳn cũng đọc được chữ Nôm Dao, tuy nhiên, ông đọc không được nhiều và chủ yếu đọc sách cúng. Một số cuốn sách cổ lưu trữ trong bản có nhắc đến ngôi đền này, song không nhiều và không chi tiết. Theo đó, cách đây nhiều trăm năm, vì chiến tranh loạn lạc, 12 hộ dân đã di cư từ phương Bắc về khu rừng này lập kế sinh nhai, tạo thành bản làng đông đúc. Ngôi đền được lập nên để thờ những người có công khai phá đầu tiên. Tuy nhiên, họ là ai thì những cuốn sách cổ này cũng không nói rõ.
Mỗi pho tượng trong ngôi đền này tượng trưng cho một người bằng xương bằng thịt, được dân bản tôn thành thần thánh. Tuy nhiên, trong số 13 vị thần được dân bản dựng tượng thờ phụng, chỉ có duy nhất một ngôi tượng có “lý lịch rõ ràng”, đó là ông Đặng Minh Đông. Ông Đặng Minh Đông đã chết cách nay 200 năm. Theo truyền miệng thì ông này là một vị quan lại người Dao, có công khai khẩn rừng núi, lập nên nhiều bản làng, chống giặc ngoại xâm.
Ông Đặng Kim Khoẳn và thế hệ thầy cúng giữ chùa trước
kia cũng không biết pho tượng cổ, dáng dấp nhỏ bé, tay cầm quả anh túc
có từ khi nào, xuất xứ ra sao? Họ chỉ chắc chắn một điều, pho tượng đó
đã có từ rất lâu, trước thời ông Đặng Minh Đông. Các cụ già trong bản
chỉ truyền miệng lại rằng, tượng thần cầm quả anh túc đó là người có
công khai rừng lập bản từ xa xưa. Tuy nhiên, ông cũng là người trồng,
quản lý, cung cấp thuốc phiện cho khắp vùng. Chính vì vậy, ông có thế
lực rất mạnh.
Không hiểu bức tượng cầm quả anh túc này có phải
từng là một người bằng xương bằng thịt hay không, chỉ biết rằng, bản
Suối Thầu, rồi xã Bản Luốc, cũng như nhiều vùng của huyện Hoàng Su Phì,
vài chục năm trước vẫn còn chìm ngập trong những rừng hoa thuốc phiện,
nhà nào bàn đèn cũng lăn lóc quanh bếp lửa. Tuy nhiên, 20 năm nay, cây
thuốc phiện đã vắng bóng trên vùng đất này. Chỉ còn đâu đó quanh đỉnh
Châu Lầu Thi cao 2.402 mét, lấp ló sau những khe vách, những khu rừng
không có dấu chân người, còn phất phơ vài bông phù dung tím ngắt đã bị
đồng bào bỏ quên.
Bao nhiêu năm nay, pho tượng và vị thần cầm quả anh túc trong ngôi đền Thượng giữa đại ngàn không mang ý nghĩa tưởng nhớ hay tôn vinh cái thứ thuốc giết người, mà ngược lại, nó là lời nhắc nhở của những đấng tối cao tới đồng bào rằng phải tránh xa loài cây cỏ giết người.
Không biết “lời nhắc nhở của thần linh” - như lời ông Đặng Kim Khoẳn nói, có hiệu nghiệm hay không, nhưng có một điều chắc chắn là 20 năm nay, bản Suối Thầu, với 56 hộ dân, không hộ nào có người nghiện.
Theo Dương Thụy Bình - Thethaovanhoa