Người dân tộc thiểu số trong cơn lốc ma túy

17/06/2019 Lượt xem: 1088 In bài viết

Ma túy gây nên đói nghèo

Trong số 10 huyện, thị của tỉnh Điện Biên thì có đến 5 huyện nghèo và 2 huyện trong diện hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương. Điều kiện kinh tế xã hội còn khó khăn, Điện Biên còn phải đương đầu với tệ nạn buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy đang ngày càng phức tạp, không chỉ gây mất ổn định trật tự xã hội mà còn là nguyên nhân gây nên tình trạng đói nghèo.

Trong số 9.685 người nghiện ma túy Điện Biên thì phần đông là người Thái, người Mông (dân tộc Kinh 15,6%, Thái 41%, Mông 29,2% các dân tộc khác 13%).

Nguồn ma túy được đưa vào Điện Biên hầu hết qua tuyến biên giới Việt - Lào. Các đối tượng vận chuyển, mua bán ma túy thường tổ chức những đường dây khép kín, thông qua mối quan hệ họ hàng, người thân, dòng tộc. Trong số những đối tượng bị bắt về hành vi mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, có nhiều đối tượng là người dân tộc thiểu số vận chuyển thuê. Nhưng khi bị bắt thì chính những người vận chuyển phải gánh hết tội.

Ông Trần Minh Hưởng, Phó giám đốc công an tỉnh Điện Biên, cho biết: "Đối với đồng bào dân tộc thiểu số biên giới thì có những người chỉ đơn thuần là vận chuyển thuê như vận chuyển các loại hàng hóa khác. Trước thực trạng này, tỉnh Điện Biên đã tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống và kiểm soát ma túy". 

Ông Nông Quốc Tuấn, Phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thành viên Ủy ban quốc gia phòng chống HIV/AIDS và ma túy, cho biết:

Ông Nông Quốc Tuấn: -  Trong thời gian vừa qua, chúng tôi đã tổ chức chỉ đạo đến cơ sở, tập trung nhiều cho công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy; Huy động người dân cùng có trách nhiệm ngăn chặn tệ nạn ma túy, ngăn chặn buôn bán, vận chuyển ma túy; động viên, giúp đỡ bà con cho những người nghiện tham gia đăng ký, hướng dẫn sử dụng các thuốc ví dụ như Methadol, thay thế thuốc phiện. 

PV: - Công tác phòng, chống tệ nạn ma túy, HIV/AIDS ở vùng DTTS hiện nay có những hạn chế gì, thưa ông?

Ông Nông Quốc Tuấn: - Nói chung, chúng ta chưa nhận thức hết vai trò trong công tác phòng chống tệ nạn ma túy. Công tác tuyên truyền, vận động phòng, chống tệ nạn ma túy vùng DTTS chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Trong phát huy vai trò người có uy tín vùng đồng bào DTTS, chúng ta cũng chưa tổ chức được nhiều các lớp tập huấn, các hướng dẫn để làm nội dung cơ bản cho những người có uy tín để người ta thực hiện có trách nhiệm khi tham gia các phong trào cũng như vận động phòng chống ma túy.  

Việc tổ chức cai nghiện tại các cơ sở cai nghiện cũng như tại hộ gia đình, kể cả bắt buộc cũng như là tự giác, cũng chưa đạt được kết quả như mong đợi. Công tác tổ chức cho người nghiện uống Methadone thay thế cho chất gây nghiện có nhiều tín hiệu khả quan, tuy nhiên, vẫn còn những điểm khó. Bà con sống ở xa trung tâm, trách nhiệm của cộng đồng với những cá nhân bị nghiện cũng chưa đến nơi đến chốn.

Chính sách hỗ trợ kinh phí uống thuốc cho người nghiện còn khó khăn nên còn nhiều người khó tiếp cận với dịch vụ này. Cán bộ làm công tác vận động cũng như tham gia các phong trào bài trừ tệ nạn xã hội còn chưa đến được những nơi hẻo lánh, đặc biệt là vùng dân tộc ít người. Số cán bộ xuống tiếp cận thì không nghe và không nói được tiếng dân tộc. 

PV: -Trong thời gian tới, theo ông cần có những giải pháp nào cho công tác phòng, chống  tệ nạn ma túy ở vùng DTTS?

 Ông Nông Quốc Tuấn: - Một là, phải tập trung tuyên truyền cao độ, liên tục. Hai là, phải phát huy trách nhiệm của cộng đồng, các tổ chức cũng như các cơ quan thực hiện chương trình này. Thứ ba, phải nghiên cứu sâu những cơ chế, chính sách liên quan đến dân tộc miền núi như: Giảm đói nghèo, nâng cao đời sống, nâng cao vật chất tinh thần; Chuyển hóa nhận thức của bà con, làm sao tránh xa tệ nạn xã hội cũng như việc tái trồng cây thuốc phiện, vận chuyển chất ma túy. Thứ tư, những người là cán bộ dân tộc thiểu số cũng phải vào cuộc. Ở đây là luôn luôn ưu tiên và đặt vai trò rất cao đối với những người có uy tín.

PV: - Xin cảm ơn ông!

(vov4.vov.vn)