Thừa Thiên Huế: Đẩy mạnh sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai tại các trạm y tế xã
10/06/2021 Lượt xem: 963 In bài viếtTại Thừa Thiên Huế, chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nhiều năm qua đã được chú trọng đáng kể, hầu hết các cơ sở sản khoa, đều có thuốc dự phòng lây truyền HIV cho mẹ và con, các bác sỹ đã được tập huấn về điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các phụ nữ nhiễm HIV trong độ tuổi sinh đẻ và phụ nữ nhiễm HIV mang thai đều được điều trị ARV.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, hàng năm địa phương có trên 15.000 lượt xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm những trường hợp mang thai nhiễm HIV, tuy nhiên, hầu hết phụ nữ mang thai được xét nghiệm ở giai đoạn chuyển dạ nên hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Đưa giải quyết vấn đề trên, ngành Y tế tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp: Trạm Y tế xã tư vấn dự phòng cho bà mẹ mang thai và lấy máu chuyển lên tuyến trên để làm xét nghiệm, hoặc phối hợp với đội chăm sóc sức khỏe sinh sản của tuyến huyện lấy máu đưa về Trung tâm y tế huyện, để làm xét nghiệm. Tuy nhiên, kết quả vẫn hạn chế bởi nhiều lý do khách quan.
Để giải quyết những khó khăn trên, nhằm nâng cao hiệu quả dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, Sở Y tế tỉnh Thừa Thiên Huế đã cho phép các Trạm y tế xã, phường tiến hành xét nghiệm sàng lọc HIV cho phụ nữ mang thai tại Trạm y tế xã với mong muốn phụ nữ mang thai được tiếp cận sớm và dễ dàng với dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV. Nếu bà mẹ mang thai nhiễm HIV thì được đưa vào điều trị sớm tránh được lây nhiễm cho con. Nếu bà mẹ có kết quả âm tính, thì việc tư vấn cho bà mẹ có thể giúp cho họ duy trì được tình trạng âm tính suốt đời.
Theo các nghiên cứu khoa học, cứ 100 trẻ sinh ra từ các bà mẹ nhiễm HIV nếu không có bất kỳ can thiệp nào thì có khoảng từ 30-40 trẻ bị nhiễm HIV. Khoa học hiện nay đã chứng minh rằng, nếu bà mẹ được phát hiện sớm, điều trị tích cực trong giai đoạn mang thai và chăm sóc tốt sau sinh, khả năng này chỉ còn 1-2 trẻ bị nhiễm HIV. Do đó, vì con khỏe mạnh, không nhiễm HIV, phụ nữ chưa biết tình trạng nhiễm HIV cần đi làm xét nghiệm trước khi mang thai, hoặc trong 3 tháng đầu của thai kỳ, hoặc trong lần khám thai đầu tiên để được điều trị ARV càng sớm càng tốt nếu dương tính với HIV.
Phụ nữ đã bị nhiễm HIV cần tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị ARV và cần xem xét kỹ thời điểm có thai, đó là khi tải lượng HIV của mình thấp, tốt nhất là dưới ngưỡng phát hiện để giảm thiểu nguy cơ lây truyền HIV sang con; nên sinh đẻ ở bệnh viện từ tuyến huyện trở lên để có đủ thuốc dự phòng cho con sau sinh; tuân thủ điều trị ARV theo hướng dẫn của thầy thuốc đối với mẹ và con; có chế độ dinh dưỡng hợp lý hỗ trợ sức khỏe cho người mẹ và con.
Trong thời gian tới, địa phương tiếp tục mở rộng điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, giảm các trường hợp trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV bị nhiễm HIV. Mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn xét nghiệm HIV, đẩy mạnh xét nghiệm HIV dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm; đưa xét nghiệm sàng lọc về tại trạm y tế xã để thực hiện sàng lọc cho phụ nữ mang thai giai đoạn sớm, nhằm hướng tới loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con vào năm 2030.
Bên cạnh đó, mở rộng và đổi mới các hoạt động truyền thông, can thiệp giảm tác hại và dự phòng lây nhiễm HIV, nâng tỷ lệ người có hành vi nguy cơ cao được tiếp cận dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV đạt 85% vào năm 2030.
Tập trung nguồn lực cho hoạt động truyền thông trực tiếp, lồng ghép với các hoạt động của địa phương, các ban ngành đoàn thể và các hoạt động trong trường học nhằm bao phủ toàn bộ đối tượng, tập trung chủ đề dự phòng lây nhiễm và giảm thiểu kỳ thị phân biệt đối xử. Triển khai điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho nhóm MSM (PrEP) và cặp vợi chồng dị nhiễm.
Giám sát chặt chẽ tình hình diễn biến dịch HIV/AIDS ở các nhóm nguy cơ cao. Mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS. Thực hiện tốt công tác tư vấn tại phòng khám và tại cộng đồng, giúp người bệnh tuân thủ điều trị, duy trì điều trị suốt đời, đảm bảo tỷ lệ người nhiễm HIV biết tình trạng nhiễm HIV của mình được điều trị thuốc kháng virus HIV đạt 95%; tỷ lệ người được điều trị thuốc kháng virus HIV có tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt 95%.
(tiengchuong.vn)