Đừng mất cảnh giác với HIV/AIDS…

07/12/2018 Lượt xem: 592 In bài viết

Hãy công bằng với trẻ

Bà Trần Thị Huyền Thanh, Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM, nêu: “Tháng 10/2018, chúng tôi phát hiện sự việc một bé năm tuổi ở H.Bình Chánh, TPHCM bị cô giáo mầm non kỳ thị, loan tin nhiễm HIV/AIDS khi chưa xác định thực hư. Chúng tôi thật sự bất bình. Người mẹ trẻ thì van nài cán bộ hội đừng cho ai biết chuyện nữa, chị đã khổ lắm rồi, đã cho con nghỉ học, giờ chỉ mong bé sống bình thường để quên cảm giác bị cô giáo và bạn bè xa lánh. 

Chính quyền địa phương đã đưa bé đi xét nghiệm HIV, kết quả bé không hề bị nhiễm. Sau đó, chúng tôi cử cán bộ đến nhà vận động người mẹ cho con đi học lại. Cuối cùng, người mẹ cũng hiểu ra rằng, còn đó sự công bằng, tận tâm của hội cùng các cơ quan chức năng và đã cho con trở lại trường”. 

Luật sư Nguyễn Hoàng Trung Hiếu, Đoàn Luật sư TPHCM, nêu ý kiến: “Có những trẻ lây nhiễm HIV từ chính mẹ ruột, nhưng gia đình giấu, không cho con biết, cứ đưa đi viện lấy thuốc kêu trẻ uống. Khi đến tuổi ý thức được sự việc, phát hiện mình nhiễm HIV, các bé bị sốc tâm lý dẫn đến những hành vi dại dột. Từng có bé gái nhiễm HIV từ mẹ, bỏ học sớm, về Bình Dương làm công nhân, thuê nhà trọ ở. Dù đã 16 tuổi nhưng em vẫn chưa biết mình nhiễm HIV, nên đã vô tình lây nhiễm cho bạn trai.

Đây chỉ là một trong rất nhiều trường hợp vô tình lây nhiễm HIV cho người mình thương, rất đau lòng. Cho nên, để “trẻ em tham gia vào các vấn đề của trẻ em” - chương 5 Luật Trẻ em, đồng thời bảo vệ trẻ trước các vấn nạn xâm hại, lây nhiễm HIV thì gia đình, xã hội, đều phải gấp rút thay đổi cái nhìn đối với trẻ. 

Đẩy mạnh truyền thông

Thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV Cục Phòng, chống HIV/AIDS, nhận định: “Dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát vì vẫn còn nhiều người nhiễm HIV trong cộng đồng chưa được phát hiện, đặc biệt ở miền núi, vùng sâu trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện chích ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm MSM trẻ tuổi; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp; sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS. Và phía sau những nhóm nguy cơ này, phụ nữ, trẻ em luôn là người thụ động, gánh chịu hậu quả: nguy cơ lây nhiễm HIV từ những hành vi không an toàn (thậm chí, hành vi đó rất vô tình). 

Hành lang pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cam kết chính trị cho phòng, chống HIV/AIDS cũng ở mức cao cả cấp Trung ương và địa phương. Tuy nhiên, chỉ cam kết chưa đủ mà cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi cán bộ lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS”. 

Ông Trần Công Bình, cán bộ dự án bảo vệ trẻ em của UNICEF, góp thêm: “Chúng ta tự hào có hành lang pháp lý đầy đủ. Thế nhưng, lâu lâu lại nghe chuyện một đứa bé, một phụ nữ, một bệnh nhân nhiễm HIV bị cộng đồng kỳ thị, xa lánh. Lâu lâu, lại có thêm trường hợp thương tâm đến bàng hoàng khi có người “trả thù đời” vì bị lây nhiễm HIV… Những lúc ấy, chúng ta lại lúng túng khi xử lý, còn lưỡng lự khi vận dụng quy định pháp luật để răn đe… 

Thời gian gần đây, trước thông tin ngồn ngộn của những căn bệnh đưa đến nguy cơ tử vong nhanh như đột quỵ, ung thư… chúng ta có vẻ lơ là, mất cảnh giác với công tác phòng, chống lây nhiễm HIV. Theo tôi, đã đến lúc chúng ta phải xem lại công tác tuyên truyền. Truyền thông luôn phải đón đầu, đi trước, nhưng cũng cần chiều sâu và sự bền bỉ. Không vì mất viện trợ, mất các nguồn lực quốc tế mà chúng ta mất cảnh giác với HIV/AIDS. Muốn vậy, Chính phủ cần có chính sách cho công tác này”. 

(http://tiengchuong.vn)