“Xóa nghèo” thông tin về HIV/AIDS cho đồng bào dân tộc thiểu số

17/12/2019 Lượt xem: 1570 In bài viết

Cán bộ Đồn Biên phòng Leng Su Sìn, BĐBP Điện Biên tuyên truyền về phòng chống HIV/AIDS cho người dân trên địa bàn. Ảnh: Trung Dũng

Theo thống kê của UBDT, năm 2019, vùng DTTS có 1.317 người nhiễm HIV mới (có 378 người DTTS), 619 bệnh nhân AIDS mới, 1.915 tử vong do AIDS. Tỷ lệ mới mắc HIV chủ yếu ở lứa tuổi 20 - 49, đây là đối tượng lao động chính trong gia đình. Một số người nhiễm HIV/AIDS là người DTTS thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Số người phát hiện nhiễm HIV ở nam giới cao hơn nữ giới. Tuy nhiên, xu hướng nữ giới lây nhiễm HIV ngày càng tăng dần. Gia tăng số người nhiễm HIV vốn được coi là những người ít có nguy cơ như phụ nữ mang thai. Nhiều đồng bào DTTS vẫn chưa thực sự có nhận thức đúng đắn về HIV/AIDS; nguy cơ lây nhiễm HIV trong một số nhóm người như tiêm chích ma túy, phụ nữ bán dâm vẫn còn ở mức cao.

Tuy nhiên, theo tổng hợp đánh giá của UBDT, so với năm 2018, số người phát hiện nhiễm HIV trên địa bàn vùng DTTS và miền núi có giảm. Chia sẻ về vấn đề này, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh đánh giá, từ đầu năm đến nay, các cơ quan thuộc UBDT đã tổ chức thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ công tác; tập trung chỉ đạo hoạt động tuyên truyền đến đồng bào DTTS về “Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS năm 2019”. Ban Dân tộc các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS đến đồng bào DTTS qua đội ngũ người có uy tín, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và trên các phương tiện thông tin, với hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, nội dung đổi mới, qua đó, nhận thức của đồng bào DTTS về công tác phòng, chống HIV/AIDS đã được nâng lên rõ rệt.

Năm 2019, UBDT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tư lệnh BĐBP  tổ chức 2 lớp tập huấn tuyên truyền, vận động về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS cho 110 đại biểu là người DTTS, người có uy tín, già làng, trưởng thôn, bản và cán bộ làm công tác dân tộc, tuyên truyền. Hội nghị tập huấn đã trang bị, cập nhật thông tin, nâng cao kiến thức về chính sách, pháp luật về phòng, chống ma túy, HIV/AIDS, mại dâm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh chống các tệ nạn; kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy; nâng cao trách nhiệm của cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức về tác hại của ma túy, HIV/AIDS. Đặc biệt, các chương trình tập huấn có chuyên đề để các đại biểu được thực hành nâng cao kỹ năng tuyên truyền, giúp thực hiện tốt vai trò là tuyên truyền viên tích cực tham gia phòng, chống HIV/AIDS, mại dâm trong vùng đồng bào DTTS.

Bên cạnh đó, sự vào cuộc của các cơ quan báo chí cũng có tác động tích cực đến việc thay đổi nhận thức của người dân khu vực DTTS. Hệ thống báo chí trực thuộc UBDT và các báo thực hiện Quyết định 45/QĐ-TTg ngày 9-1-2019 của Thủ tướng Chính phủ đã có kế hoạch tuyên truyền hằng tháng, tập trung vào công tác phòng, chống HIV/AIDS, tiêu biểu như Báo Sức khỏe & Đời sống, Báo Biên phòng...

Tuy nhiên, công tác phòng, chống HIV/AIDS tại vùng DTTS còn nhiều thách thức, tình hình chưa ổn định; số người nhiễm HIV có giảm, nhưng vẫn có nguy cơ bùng phát trở lại. Các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, các nguồn viện trợ nước ngoài tiếp tục giảm mạnh, trong khi đó, các chi phí điều trị Methadone, điều trị ARV được đặt ra ngày càng cao. Nguồn nhân lực để làm công tác tuyên truyền, theo dõi, chăm sóc, phát hiện, điều trị, phòng ngừa HIV/AIDS còn hạn chế...

Ông Võ Hải Sơn, Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, qua giám sát cho thấy, một số địa phương có đông người DTTS như Sơn La, Điện Biên, Nghệ An, Thanh Hóa có tỉ lệ người nhiễm HIV cao hơn so với các tỉnh, thành phố khác.

Bên cạnh đó, ở một số cơ sở điều trị HIV/AIDS vùng DTTS còn lúng túng trong việc chuyển từ khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí của chương trình, dự án cho người nhiễm HIV sang thanh toán qua bảo hiểm y tế, nên người bệnh cũng gặp nhiều khó khăn như thẻ bảo hiểm y tế, thông tin trong hồ sơ bệnh án, giấy tờ tùy thân...

“Trong thời gian tới, chúng tôi đề nghị, UBND các tỉnh, thành phố rà soát, bổ sung Ban Dân tộc tỉnh làm thành viên của Ban Chỉ đạo 138 hoặc Tổ kiểm tra liên ngành 178 để tạo điều kiện cho Ban Dân tộc tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Đồng thời, bố trí kinh phí hoạt động cho Ban Dân tộc các tỉnh để tổ chức thực hiện công tác phòng, chống HIV/AIDS” - Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh. 

(Nguồn: bienphong.com.vn)