Nếu điều trị ARV thì người bị nhiễm HIV có thể sống tới 50 năm

22/10/2015 Lượt xem: 4103 In bài viết

Khách mời tham gia tọa đàm là GS.TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế - Thành viên tổ chuyên gia của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và Phòng, chống ma túy, mại dâm; TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế); ông Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) và ông Nguyễn Văn Thoan - người nhiễm HIV đang điều trị ARV.

ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành phố

Việt Nam đã triển khai thí điểm ARV trong cuộc chiến với HIV/AIDS từ năm 2004. Qua một chặng đường tương đối dài, đến nay tình hình điều trị bằng thuốc kháng virus ARV đối với người nhiễm HIV/AIDS của nước ta ra sao, thưa ông?

TS Nguyễn Hoàng Long: Chúng ta bắt đầu chương trình điều trị ARV tại Việt Nam từ năm 2004. Hơn 10 năm vừa qua, Nhà nước ta liên tục mở rộng và nâng cao chất lượng điều trị ARV. Nếu như lấy mốc 2004, chúng ta mới điều trị cho 400 bệnh nhân thì hiện nay chúng ta điều trị 100.000 người. Số lượng bệnh nhân rất lớn so với trước đây. Hiện nay ARV đã được triển khai tại tất cả 63 tỉnh, thành trên toàn quốc, cả nước có 316 điểm điều trị ARV. Và đặc biệt chúng ta đã triển khai tại tuyến xã, 526 trạm y tế xã hiện nay đang phát thuốc ARV cho các bệnh nhân. Ngoài ra chúng ta đã mở điều trị ARV tại các trại giam, các cơ sở tạm giam, tạm giữ.

Thời gian qua, chúng ta đã rất tích cực mở rộng cơ sở điều trị bằng ARV, đồng thời ngày càng nâng cao chất lượng điều trị, thông qua đó chương trình điều trị HIV bằng ARV mang lại hiệu quả rất lớn. Chúng ta đã biết ARV có tác dụng rất lớn trong việc giảm tử vong, nâng cao sức khỏe. Nếu bệnh nhân được uống ARV đầy đủ, đều đặn thì có thể nói rằng chất lượng cuộc sống gần như bình thường. Theo tính toán của các chuyên gia quốc tế, trong giai đoạn 2000-2015, Việt Nam đã giảm được 150 nghìn trường hợp tử vong liên quan đến HIV/AIDS.

Bên cạnh đó chúng ta giảm được lây nhiễm nếu sử dụng ARV. Nếu như bệnh nhân nhiễm HIV mà uống thuốc ARV thì khả năng lây nhiễm giảm 95%. Như vậy, rất nhiều người chung sống hòa bình lâu dài với HIV nếu chúng ta có thuốc ARV.




GS. TS Trịnh Quân Huấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế

Thời gian qua, người nhiễm HIV/AIDS được hưởng những lợi ích gì từ chương trình điều trị thuốc kháng ARV và việc này tác động như thế nào tới cộng đồng, xã hội?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Chúng ta biết rằng thuốc ARV là một nhóm thuốc được các nhà khoa học Mỹ phát hiện ra từ những năm 90 của thế kỷ XX, sau khi có thuốc ARV nó đã giúp thay đổi các phương cách điều trị. Bộ Y tế cũng đã ban hành các quy chuẩn, đặc biệt là đưa ra các phác đồ điều trị bậc 1 và bậc 2. Vì vậy, tính từ lúc bắt đầu triển khai, đến năm 2015 đã có 100.000 bệnh nhân điều trị.

Lợi ích của ARV đối với những bệnh nhân AIDS là giúp họ kéo dài tuổi thọ. Khi bệnh nhân bị nhiễm HIV, họ cảm thấy như bị một bản án tử hình, nhưng thuốc ARV đã giúp họ kéo dài tuổi thọ, sống được thêm 15 đến 20 năm. Hiện rất nhiều người nhiễm HIV từ năm 2004 đến nay vẫn còn sống và theo tính toán của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu điều trị ARV từ khi nhiễm thì con người có thể sống thêm tới 50 năm.

Lợi ích thứ hai là trước khi có ARV thì người ta thường khuyên những cặp vợ chồng hay những người nhiễm HIV không nên xây dựng gia đình và khi xây dựng gia đình thì không nên có con, nhưng thực tế từ khi có thuốc ARV, thì những vợ chồng nhiễm HIV vẫn có thể sinh ra những đứa con không bị nhiễm HIV. Đây là lợi ích mà những người nhiễm HIV cảm thấy rất phấn khởi khi xây dựng gia đình.

Đối với cộng đồng, khi điều trị thuốc ARV tốt, liên tục, suốt đời thì có thể khống chế được hoàn toàn HIV. Chúng ta biết rằng cứ một ngày virus HIV có thể nhân lên 10 tỷ bản sao và nếu không được điều trị thì nó sẽ phá hoại toàn bộ hệ thống miễn dịch của cơ thể. Nếu điều trị tốt thì chúng ta có thể khống chế được dịch. Từ những năm 2008-2009, mỗi năm chúng ta phát hiện được tới 20.000 đến 30.000 ca nhiễm HIV mới thì bây giờ mỗi năm chúng ta phát hiện được 10.000 đến 20.000 ca mới. Rõ rằng, đây là một biện pháp khống chế dịch rất tốt. Đây cũng là mục tiêu 90-90-90 đến năm 2030 mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết là có thể loại bỏ được HIV/AIDS.

Bên cạnh đó, bệnh nhân không phải nằm bệnh viện nữa, giúp giảm gánh nặng cho bệnh viện, giảm gánh nặng cho xã hội mà lại có lợi cho bệnh nhân.



TS Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế)

Khi biết thông tin tọa đàm được tổ chức, nhiều khán giả đã gửi câu hỏi cho chương trình và đây là một trong số những câu hỏi đó. Tôi là Trần Thái Bảo, trú tại phố Khâm Thiên, Hà Nội. Tôi không may bị lây nhiễm HIV/AIDS từ năm 2008 nhưng tôi băn khoăn không biết làm sao để được điều trị miễn phí bằng thuốc này? Các đối tượng phải đáp ứng những tiêu chí nào thì được điều trị ARV miễn phí? Trong trường hợp tôi không thuộc đối tượng đó, thì chi phí mua thuốc điều trị cho một bệnh nhân là bao nhiêu tiền và có thể mua thuốc ở đâu?

TS Nguyễn Hoàng Long: Hiện nay tất cả việc điều trị ARV tại Việt Nam đang được miễn phí vì chúng ta có viện trợ của các tổ chức quốc tế. Về tiêu chuẩn điều trị, hiện có hai nhóm. Thứ nhất là tiêu chuẩn về kết quả CD4 dưới 500, cái này bệnh nhân phải xét nghiệm. Nếu tế bào CD4 dưới 500 thì bệnh nhân được uống ARV. Bên cạnh đó có một số nhóm cần phải điều trị ngay mà không cần quan tâm kết quả CD4 là người nghiện ma túy, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người bị đồng nhiễm lao và một số đối tượng khác như người ở vùng sâu vùng xa.

Nếu bạn đang ở Hà Nội thì sẽ căn cứ vào tế bào CD4. Bạn sẽ liên hệ với cơ quan phòng chống AIDS, cụ thể là Trung tâm phòng, chống AIDS Hà Nội, để có những hướng dẫn cụ thể liên quan đến điều trị.

Anh có thể cho biết anh bắt đầu điều trị thuốc ARV từ khi nào? Và tình trạng sức khỏe và bệnh hiện nay của anh ra sao?

Anh Nguyễn Văn Thoan: Tôi bắt đầu điều trị thuốc ARV từ năm 2007. Từ khi uống thuốc này, tôi thấy cơ thể mình khỏe mạnh hơn trước rất nhiều. Trước đây, khi bị nhiễm HIV, tôi cảm thấy tự ti và xác định không bao giờ bệnh này có thể chữa khỏi. Cho đến khi có thuốc ARV, tôi cảm thấy rất vui vì tôi có thể kéo dài cuộc sống của mình.

Theo tôi, để điều trị hiệu quả căn bệnh thế kỷ từ loại thuốc này, những bệnh nhân bị nhiễm HIV như tôi nên tuân thủ đúng những quy định khi tham gia điều trị như phải uống suốt đời, không được bỏ cuộc và phải tuân thủ đúng giờ giấc. Nếu ai tiếp cận thuốc ARV rồi thì nên tiếp tục duy trì.

Làm gì cho người nhiễm HIV/AIDS khi nguồn viện trợ chấm dứt?

Theo thống kê, đến tháng 7/2015, cả nước có khoảng 227.000 ca nhiễm HIV. Tuy nhiên, đây mới chỉ là số lượng được báo cáo. Ông nghĩ sao về con số này trước thách thức là các nguồn viện trợ cho điều trị ARV sẽ cắt giảm từ tháng 4/2016 và chấm dứt vào cuối năm 2017?

TS Nguyễn Hoàng Long: Đúng là theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện nay trên toàn quốc có 227.000 người nhiễm HIV dương tính vẫn đang sống và cũng còn số lượng chưa được phát hiện trong cộng đồng. Trong số lượng đã phát hiện chúng ta mới đang điều trị 100.000 người, nếu như tính theo tỷ lệ phần trăm thì chúng ta mới điều trị dưới 50% . Theo chủ trương, chúng ta phải mở rộng phạm vi điều trị bằng ARV càng rộng càng tốt, tăng tỷ lệ người nhiễm HIV được điều trị ARV, đồng thời phấn đấu đến năm 2020 là 90% những người nhiễm HIV dương tính được phát hiện. Nếu thực hiện được điều này, chúng ta khống chế được dịch.

Tuy nhiên, nếu thực hiện được như vậy thì kinh phí rất lớn. Với số lượng 100.000 bệnh nhân hiện nay thì trong một năm chúng ta cần khoảng 420 tỷ đồng cho thuốc ARV. Mà trong khoản tiền này thì 95% hiện nay chúng ta nhận từ viện trợ quốc tế, đặc biệt là Quỹ PEPFAR, Quỹ Toàn cầu.

Đặc biệt, trong thời gian tới, viện trợ này đang cắt giảm, sau năm 2017 thì cắt giảm hoàn toàn.

Chúng ta đạt được rất nhiều thành công tuy nhiên khó khăn trước mắt còn rất nhiều đặc biệt là 5 năm nữa thì nhu cầu đáp ứng ARV là hết sức thiết yếu. Nếu như chúng ta không đáp ứng được việc này thì hết sức khó khăn. Thứ nhất bệnh nhân tăng tử vong, điều đó rất rõ ràng. Thứ hai là khi bệnh nhân không được điều trị thì nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng rất cao. Khả năng dịch quay trở lại cao nếu không được điều trị. Hơn nữa bệnh nhân không điều trị thường xuyên gây ra kháng thuốc thì phải chuyển sang phác đồ bậc 2. Khi đó chi phí điều trị tăng lên rất nhiều lần so với phác đồ bậc 1.



Anh Nguyễn Văn Thoan - Người nhiễm HIV đang điều trị ARV

Nếu nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV chấm dứt hẳn, những người nhiễm HIV sẽ không được điều trị ARV miễn phí nữa, vậy trên phương diện là người đang hưởng lợi từ chương trình điều trị, anh có thể cho biết những khó khăn gặp phải?

Anh Nguyễn Văn Thoan: Nếu nguồn viện trợ cho công tác điều trị ARV chấm dứt hẳn, những người nhiễm HIV như chúng tôi không được điều trị miễn phí nữa sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Bởi hầu hết những người nhiễm HIV như tôi, gia đình đều có hoàn cảnh, kinh tế thiếu thốn, bản thân tôi nghiện lâu năm, chúng tôi chưa biết trông vào đâu.

Khi ARV không được viện trợ thì những người nhiễm HIV như tôi sẽ phải bỏ ra mấy triệu đồng trong một tháng để mua thuốc. Điều này sẽ khiến ít người nhiễm HIV được tiếp cận ARV, vì kinh tế chúng tôi không có, nếu không có hỗ trợ thì chúng tôi không có khả năng.

Do vậy, chúng tôi mong muốn BHYT can thiệp, tiếp tục hỗ trợ để chúng tôi bớt đi phần nào gánh nặng chi phí để cho chúng tôi kéo dài được sự sống.

Như vậy, việc điều trị ARV bị gián đoạn hoặc ngừng điều trị thì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đối với người nhiễm HIV và dịch HIV ở Việt Nam. Vậy theo GS. TS Trịnh Quân Huấn, là Chuyên gia của Ủy ban Quốc gia Phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm, ông có những khuyến cáo, giải pháp gì để bảo đảm việc điều trị ARV bền vững cho bệnh nhân?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Khó khăn đầu tiên phải nói đến việc chúng ta đang phụ thuộc 95% nguồn ngân sách tài trợ từ nước ngoài để mua thuốc ARV. Hiện nay, mỗi một năm chúng ta cần hơn 400 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách chỉ cung cấp được 60-70 tỷ đồng. Trước tình hình này, Bộ Y tế đã trình Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1899/QĐ-TTg, trong đó để bảo đảm ngân sách cho công tác phòng chống HIV/AIDS đến năm 2020, yêu cầu đa dạng hóa các nguồn kinh phí trong nước, tiếp tục vận động, kêu gọi và đa dạng hóa các nguồn viện trợ quốc tế, thu hút các nhà tài trợ mới, đồng thời chuyển dần nhiệm vụ điều trị người nhiễm HIV/AIDS từ các chương trình, dự án sang nhiệm vụ của Quỹ Bảo hiểm y tế.

Theo tôi nghĩ, một giải pháp nữa là vấn đề sản xuất thuốc tại Việt Nam. Vì hiện nay khó khăn nhất chúng ta đang gặp là bản quyền thuốc vẫn còn nên chúng ta không thể sản xuất được thuốc nên giá thuốc rất đắt. Muốn đạt được như vậy chúng ta phải có đơn xin sản xuất thuốc này và phải cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Việc sản xuất thuốc giá rẻ ở Việt Nam sẽ vừa bảo đảm vấn đề kinh tế, vừa giúp những người có khả năng mua được thuốc này sớm hơn. Đây là một giải pháp mang tính đầu tư, tốt hơn là kêu gọi tài trợ vì chúng ta đã trở thành nước có thu nhập trung bình khá và chúng ta có khả năng để sản xuất thuốc đảm bảo được người nhiễm HIV được hưởng thuốc giá rẻ này.

Để người nhiễm HIV/AIDS "không quay lưng" với BHYT

Về phía Bộ Y tế, xin ông cho biết kế hoạch, định hướng và những giải pháp của Bộ Y tế để bảo đảm nguồn thuốc và tài chính cho ARV? Khi nguồn viện trợ quốc tế chấm dứt thì những người nhiễm HIV/AIDS đang được điều trị bằng thuốc ARV sẽ như thế nào?

TS Nguyễn Hoàng Long: Hiện Bộ Y tế đang tích cực đôn đốc các địa phương triển khai Nghị định 1899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về giải pháp bền vững trong công tác phòng, chống AIDS và riêng đối với thuốc ARV. Đồng thời Bộ Y tế đang cố gắng phát triển theo mấy nguồn.

Thứ nhất, đối với ngân sách nhà nước, hiện nay Bộ Y tế đã xây dựng kế hoạch phòng chống AIDS từ năm 2016 đến năm 2020, trong đó có nêu nhu cầu rất bức thiết về thuốc ARV. Bộ cũng có giải trình lên Chính phủ và các Bộ ngành liên quan, mong những năm tới tăng phần phân bổ tài chính mua thuốc ARV khi nguồn viện trợ chấm dứt.

Nguồn thứ hai là các địa phương. Hiện đã có 29 tỉnh, thành phố đã phê duyệt đề án cải cách tài chính cho công tác phòng chống AIDS, đặc biệt mong các tỉnh, các địa phương có điều kiện kinh tế sẽ tăng phân bổ tài chính cho ARV.

Nguồn thứ ba rất quan trọng là nguồn BHYT. Đây là nguồn tài chính cơ bản và lâu dài mà chúng ta phải dựa vào nguồn này vì ngân sách nhà nước còn rất khó khăn và hạn hẹp. Chúng tôi rất mong những người nhiễm HIV và đặc biệt là những người đang điều trị AIDS nên quan tâm, tham gia BHYT trong thời gian tới.

Cuối cùng, chúng tôi mong có những nguồn xã hội hóa, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân, đoàn thể và các quỹ từ thiện để giúp những người nhiễm HIV có được nguồn thuốc ARV để điều trị.



TS Phạm Lương Sơn, Trưởng ban Thực hiện Chính sách Bảo hiểm Y tế (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam)

Gần đây Bảo hiểm xã hội Việt Nam có những động thái tích cực cam kết đóng góp tài chính cho điều trị ARV (sẽ chi khoảng 250 tỷ đồng). Ông có thể thông tin chi tiết thêm về việc này ?

TS Phạm Lương Sơn: Chúng ta đã biết BHYT là một chính sách an sinh xã hội, một cơ chế tài chính để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe cho người dân. Những người không may nhiễm HIV cũng nằm trong số cộng đồng dân cư khi tham gia BHYT sẽ được hỗ trợ. Cơ quan BHXH cũng có quan điểm, khi nguồn tài trợ viện trợ dành cho ARV bị cắt theo lộ trình 2017 thì việc góp phần cùng với nguồn tài chính khác của nhà nước, xã hội hóa nhằm đảm bảo việc cung cấp thuốc điều trị cho người không may nhiễm HIV được thường xuyên. Chúng tôi chung tay với Bộ Y tế với các cơ quan liên quan để làm sao cho bệnh nhân nhiễm HIV được tiếp tục điều trị, coi đây là một trách nhiệm xã hội.

Xin ông cho biết, chúng ta đang gặp những khó khăn gì khi thực hiện chi trả thuốc ARV thông qua BHYT?

TS Phạm Lương Sơn: Việc thanh toán chi phí điều trị nói chung và chi phí thuốc ARV nói riêng có những nguyên tắc nhất định. Thứ nhất, những người muốn hưởng lợi phải là những người tham gia chính sách BHYT, có nghĩa là có thẻ BHYT. Tuy nhiên, khoảng 30% dân số chưa tham gia đóng BHYT, nên sự phát triển và độ lớn của quỹ BHYT vẫn còn đang có những khó khăn nhất định.

Vấn đề thứ hai là các cơ sở điều trị cho bệnh nhân AIDS cũng phải đảm bảo được những điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Y tế, nghĩa là làm cơ sở khám chữa bệnh có thể hợp đồng với các cơ quan tổ chức xã hội. Theo những thông tin gần đây thì có khá nhiều trung tâm điều trị HIV/AIDS chưa đảm bảo những quy đinh đó. Đây cũng là một trong những rào cản để thanh toán BHYT cho những bệnh nhân HIV.

Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng rất quan tâm đến vấn đề đảm bảo nguồn thuốc ARV, cho nên trong sửa đổi thông tư của Bộ Y tế, thì thuốc ARV đã đưa vào danh mục được chi trả cho những người nhiễm HIV.

Hiện nay chưa có cơ chế phù hợp với mua thuốc ARV tập trung và cung ứng để tiếp cận giá rẻ từ BHYT, vậy để tăng tỷ lệ người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT, theo ông cần phải có những thay đổi gì?

TS Nguyễn Hoàng Long: Thuốc ARV hiện chủ yếu nhận từ các dự án viện trợ, việc mua thuốc trong nước còn ít. Tuy nhiên, những năm gần đây, chúng ta đang triển khai việc mua thuốc trong nước.

Cụ thể năm ngoái và năm nay đã đấu thầu việc mua thuốc ARV trong chương trình mục tiêu quốc gia. Riêng đối với nguồn từ BHYT, chúng tôi đã có trao đổi sơ bộ với BHXH Việt Nam và đã nhận được sự ủng hộ của BHXH về mua thuốc ARV tập trung, đấu thầu rộng rãi trong nước để có nguồn thuốc giá cả hợp lý. Bên cạnh đó chúng ta cũng cố gắng phát triển thị trường thuốc trong nước nhiều hơn.

Trước đây chúng ta chủ yếu nhập thuốc từ nước ngoài, các nhà sản xuất, phân phối chưa quan tâm nhiều. Tuy nhiên, như GS Trịnh Quân Huấn vừa nêu, hiện nay chúng ta cũng cố gắng khuyến khích các công ty, doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu, xem xét sản xuất ARV trong nước đặc biệt thuốc cho các phác đồ yêu cầu cao. Bộ Y tế cũng sẽ cố gắng tạo điều kiện thuận lơi trong việc đăng ký lưu hành thuốc tại Việt Nam.

Chúng tôi tin rằng, trong thời gian sắp tới khi mà chúng ta sử dụng phương thức mua thuốc trong nước nhiều thì thị trường thuốc ARV sẽ phát triển.

Cơ sở y tế thực hiện việc điều trị bằng thuốc ARV cần có những điều kiện bắt buộc gì để có thể ký hợp đồng với tổ chức BHXH?

TS Phạm Lương Sơn: Các cơ sở y tế muốn ký hợp đồng với tổ chức BHXH cần phải tuân thủ những quy định của Bộ Y tế như các cơ sở y tế là cơ sở có khả năng khám chữa bệnh cho người bệnh nói chung và người nhiễm HIV nói riêng. Những quy định này đã được cụ thể hóa trong Luật Khám chữa bệnh và những văn bản quy định của Bộ Y tế. Chúng tôi mong rằng, sắp tới những cơ sở y tế đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS sẽ hoàn thiện những tiêu chuẩn đó, chủ yếu là liên quan tới những lĩnh vực chuyên môn, chứng chỉ hành nghề và việc quản lý điều trị bệnh nhân nói chung và bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS nói riêng phải có những đổi mới làm sao để làm sao có thể quản lý bệnh nhân tốt.

Một câu hỏi vừa được gửi cho chương trình với nội dung như sau: Xin hỏi ông Sơn, muốn biết BHYT chi trả những khoản gì cho bệnh nhân HIV điều trị bằng thuốc ARV?

TS Phạm Lương Sơn: Sẽ không có sự phân biệt giữa bệnh nhân mắc HIV/AIDS và các bệnh nhân khác. Các khoản BHYT chi trả được quy định rất rõ trong Luật Bảo hiểm y tế.

Có thể cụ thể hóa như này, với một người bệnh nói chung và người bệnh nhiễm HIV thì khi vào viện sẽ được hưởng các chi phí cho các dịch vụ khám, các dịch vụ y tế như xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và thuốc điều trị.

Riêng với bệnh nhân HIV/AIDS khi nguồn tài trợ viện trợ không còn nữa thì Quỹ BHYT sẽ đảm nhiệm việc chi trả thêm việc điều trị ARV.

Một số người cho rằng, hiện nay nếu chúng ta thanh toán các chi phí điều trị cho người nhiễm HIV thông qua BHYT có thể gây vỡ quỹ BHYT, quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

GS. TS Trịnh Quân Huấn: Vấn đề này, tôi nghĩ rằng, cái quan trọng nhất hiện nay là mới có 30% bệnh nhân AIDS đóng BHYT, còn 70% thì chưa. Tuy nhiên, những bệnh nhân AIDS đa số là người nghèo, cho nên là những người nghèo và cận nghèo thì được hưởng chế độ rồi. Có nghĩa là hiện nay để quỹ BHXH, BHYT bảo đảm được, chúng ta cần phải huy động tỷ lệ người đóng BHYT cao lên. Vấn đề là làm thế nào để đạt được tỷ lệ 100% hoặc 90% số người tham gia đóng BHYT cho đến năm 2020. Do đó cần huy động những người nhiễm HIV tham gia đóng BHYT cao lên để không bị vỡ quỹ BHYT.

Ông Phạm Lương Sơn: Bộ Y tế cũng đã có những nghiên cứu, khảo sát, đánh giá cùng các chuyên gia quốc tế tính toán những nhu cầu, kinh phí từ BHYT. Theo tính toán, nếu như tỷ lệ tham gia BHYT như hiện nay và trong những năm tới sẽ tăng nữa (trung bình mỗi năm quỹ BHYT chi trả từ 150 - 200 tỷ đồng/năm) thì với con số như vậy, BHYT hoàn toàn có thể đáp ứng đủ khi chúng ta chi trả cho điều trị HIV, không lo bị vỡ quỹ BHYT.

TS Nguyễn Hoàng Long có chia sẻ gì thêm về vấn đề này? Bộ Y tế đã tính tới những đề xuất như của GS. TS Trịnh Quân Huấn?

TS Nguyễn Hoàng Long: BHYT là nguồn tài chính hết sức quan trọng cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Hiện nay, tỷ lệ tham gia BHYT của người nhiễm HIV chỉ chiếm 30%. Chúng tôi cũng đã khảo sát những lý do tại sao lại thấp như vậy. Có mấy lý do như sau. Đó là bấy lâu nay Nhà nước vẫn điều trị ARV miễn phí nên nhiều người bệnh vẫn chưa quan tâm nhiều đến việc này. Thứ hai nhiều người bệnh chưa hiểu rõ tầm quan trọng, ý nghĩa của BHYT. Thứ ba là cũng nhiều người lo lắng về kỳ thị xã hội. Lo rằng khi tham gia BHYT thì danh tính bị tiết lộ. Cuối cùng là khả năng chi trả. Mặc dù BHYT như vậy nhưng để có khoản tiền đóng thì rất là khó khăn với nhiều người nhiễm HIV. Thế nên, thời gian tới, để phát triển BHYT cần có biện pháp lâu dài.

Thứ nhất là tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là truyền thông cho những người nhiễm HIV, người đang điều trị ARV về tầm quan trọng của BHYT.

Thứ hai là chúng tôi đang cố gắng tìm cơ chế, nguồn tài chính để hỗ trợ người nhiễm HIV tham gia BHYT. Nếu là người nghèo, người cận nghèo và các đối tượng chính sách thì sẽ được hưởng theo quy định hiện hành. Chúng tôi cố gắng để truyền thông thay đổi suy nghĩ, quan điểm giảm dần kỳ thị xã hội đối với nhiễm HIV. Đặc biệt là đối với hệ thống y tế, chúng ta cố gắng triển khai hệ thống y tế xã, y tế cơ sở để mang lại dịch vụ gần dân, thông qua đó kỳ thị xã hội giảm dần.

Chúng tôi mong rằng chính người nhiễm HIV tự vượt qua kỳ thị xã hội để chúng ta có thể hướng tới dịch vụ sử dụng dịch vụ và chấp nhận dịch vụ.

Ông có những đề xuất hay những kiến nghị gì để có thể tăng cường trách nhiệm của cộng đồng trong việc đảm bảo nguồn thuốc ARV để điều trị cho bệnh nhân HIV?

GS. TS. Trịnh Quân Huấn: Tôi nghĩ là có 2 cách để nâng quỹ BHYT, đảm bảo nguồn ngân sách cho điều trị bệnh nhân HIV nói riêng và cho việc điều trị các bệnh nhân khác nói chung. Thứ nhất là trách nhiệm của người dân liên quan đến công tác đóng BHYT. Tôi nghĩ rằng Nhà nước, Chính phủ đã có rất nhiều văn bản, rất nhiều định hướng và đã đưa lên các phương tiện thông tin đại chúng để huy động, vận động quần chúng, nhân dân tham gia đóng BHYT, và khi tỷ lệ này nâng lên càng cao bao nhiêu thì nguồn ngân sách giúp chúng ta có để đảm bảo điều trị bệnh nhân sẽ càng tốt hơn.

Thứ hai, ngoài BHYT, chúng ta vẫn có quyền huy động nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế. Bởi vì đây cũng là nguồn chiếm 25% cho đến năm 2020, các tổ chức này vẫn có thể cung cấp cho Việt Nam. Ví dụ, hiện nay, Quỹ Toàn cầu vẫn tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam đến sau năm 2017, chứ không phải chỉ đến năm 2017. Đây là trách nhiệm của Bộ Y tế cũng như các tổ chức tham gia vào lĩnh vực này. Qua đay, tôi cũng đề nghị Quỹ Toàn cầu tiếp tục giúp cho Việt Nam về công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Tôi nghĩ rằng, các tổ chức song phương, đa phương, các tổ chức phi Chính phủ vẫn có thể giúp chúng ta các nguồn tài trợ. Đây cũng là cam kết của toàn cầu về việc thanh toán đại dịch này.

Chúng tôi vừa nhận được câu hỏi của một vị khán giả. Thưa ông Long, ông có thể cho biết tình trạng kháng thuốc ARV hiện nay?

TS Nguyễn Hoàng Long: Ở Việt Nam, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang có tỷ lệ kháng thuốc ARV khoảng 4,5%. Nếu bình thường chúng ta điều trị phác đồ thông thường (phác đồ bậc 1) thì hiện nay có 95% bệnh nhân trở lên đang điều trị phác đồ này. Nếu theo phác đồ 1 thì một năm, tiền thuốc ARV của một bệnh nhân là gần 3 triệu đồng. Tuy nhiên nếu chuyển sang phác đồ kháng thuốc (phác đồ bậc 2) thì giá thuốc một năm là gần 22 triệu đồng. Như vây là cao gấp nhiều lần so với phác đồ bậc 1.

Các lý do kháng thuốc có nhiều lý do khác nhau. Có thể là do về mặt sinh học, do sự biến đổi của cấu trúc virus. Cái này là do khi tiếp xúc thuốc nhiều thì có tỷ lệ nhất định thay đổi, gây ra kháng thuốc. Tuy nhiên một nguyên nhân rất quan trọng là vấn đề tuân thủ điều trị. Như anh Thoan vừa nói ban đầu, không phải bệnh nhân nào cũng có hiểu biết, tuân thủ điều trị giống như anh Thoan. Nhiều người uống thuốc không đúng quy định, bỏ liều, bỏ ngày. Trong trường hợp đó, tỷ lệ kháng thuốc rất cao.

Chúng tôi thấy nguyên nhân chính gây ra kháng thuốc, phần lớn là không tuân thủ điều trị.

Thưa GS.TS Trịnh Quân Huấn, vẫn còn nhiều người không sử dụng chương trình của chúng ta vì sợ lộ danh tính, theo ông cần có những biện pháp gì?

GS. TS. Trịnh Quân Huấn: Thật ra sự kỳ thị những người nhiễm HIV, hay những bệnh trước đây như bệnh hủi đã có từ lâu, không riêng chỉ ở Việt Nam mà trên cả toàn cầu. Để tránh vấn đề này, tôi cho rằng cần có một thời gian dài và nhiều người nghĩ rằng bị HIV/AIDS là dính đến các tệ nạn xã hội, chính vì vậy người nhiễm HIV càng cảm thấy bị kỳ thị.

Theo tôi, việc thông qua giáo dục, thông tin truyền thông để làm sao cho xã hội cũng như toàn dân hiểu rằng đây là một bệnh và đã là một bệnh thì không phân biệt là tệ nạn hay là bất kỳ một vấn đề gì nhưng phải điều trị như một người bệnh. Chính vì vậy phía cộng đồng nên thông cảm và coi đó như một bệnh, người bị bệnh phải được điều trị như bệnh nhân đến khi khỏi.

Còn bản thân người nhiễm HIV cần cho đây không phải là vấn đề mà người ta cảm thấy tự ti, hay là dẫn đến việc lộ danh tính thì cả xã hội sẽ xa lánh.

Do đó, để giúp người nhiễm HIV không còn cảm thấy tự ti, chúng ta cần giúp người nhiễm HIV hiểu rằng, nếu như không điều trị sẽ chết, nếu được điều trị sẽ vẫn có thể có con, sống một cuộc sống hạnh phúc bên gia đình và những người thân.

Xin trân trọng cảm ơn các khách mời tham gia tọa đàm.

 Nhóm PV

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]