Người nhiễm HIV/AIDS hãy vượt qua chính mình

22/10/2015 Lượt xem: 635 In bài viết

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh như trên tại Hội thảo vận động chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS do Cục Phòng, chống HIV/AIDS vừa phối hợp với Sở Y tế thành phố Hải Phòng và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) tại Việt Nam tổ chức, tại Hải Phòng.

Theo báo cáo từ sở Y tế TP Hải Phòng, tính đến cuối tháng 8/2015, Hải Phòng phát hiện 7.720 số người nhiễm HIV còn sống, số bệnh nhân AIDS là 6.058 người, 3.370 người nhiễm HIV đã bị tử vong. Tỷ lệ nhiễm HIV/100.000 dân là 0,4%, nên Hải Phòng xếp thứ 4 trên toàn quốc về số người nhiễm HIV còn sống. Như vậy, số người phát hiện nhiễm HIV tại Hải Phòng đứng sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Thái Nguyên. Trong đó, quận Lê Chân có 1.597 người nhiễm HIV, là quận có số người nhiễm HIV cao nhất so với các quận, huyện của Hải Phòng.

Là địa phương phát hiện số người nhiễm HIV/AIDS cao thứ 4 toàn quốc, do vậy Hải Phòng đang phải đối mặt với các vấn đề về kỳ thị, phân biệt đối với người bị nhiễm HIV/AIDS như chăm sóc sức khỏe, bảo mật thông tin cá nhân đối với người nhiễm HIV.

Trên thực tế, trong những năm qua, số người nhiễm HIV trên địa bàn Hải Phòng bị chính người thân, gia đình, cộng đồng kỳ thị, phân biệt đối xử như bị mất việc làm, bị tước quyền sở hữu tài sản, đất đai và nhà cửa. Các vấn đề về hỗ trợ việc làm, chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế, trợ giúp pháp lý, giúp người nhiễm HIV/AIDS bảo vệ quyền lợi chính đáng, hòa nhập cộng đồng nhằm góp phần đảm bảo an sinh xã hội của Hải Phòng gặp không ít thách thức.

PGS.TS Trịnh Thị Lý, Phó Giám đốc sở Y tế Hải Phòng cho rằng, để phòng chống đại dịch HIV/AIDS, vấn đề chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS cần được đặc biệt quan tâm. Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn về phòng chống HIV/AIDS cùng với các hoạt động truyền thông, việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV đã có phần giảm bớt, tuy vậy, đây vẫn là một vấn đề bức xúc và nan giải.

PGS.TS Trịnh Thị Lý cho biết, hiện nay, tại Hải Phòng, quy mô các chương trình, các buổi hội thảo chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS còn nhỏ nên chưa thể phát triển rộng rãi đến từng cá nhân trong xã hội.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS khẳng định, kỳ thị và phân biệt đối xử là vấn đề diễn ra ngay từ đầu của đại dịch HIV/AIDS, việc kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS hiện nay đã giảm nhưng thực chất nó vẫn còn tồn tại trong cuộc sống.

TS Cảnh kêu gọi cộng đồng, đặc biệt là những người đang hoạt động trong công tác phòng, chống HIV/AIDS hãy sử dụng hệ thống của mình để tích cực tuyên truyền chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV.

Đồng thời, TS Cảnh cũng đề nghị Ban chỉ đạo phòng chống AIDS, ma túy và mại dâm TP. Hải Phòng có văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan tăng cường các giải pháp nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Hải Phòng. Trong đó, nêu rõ trách nhiệm của từng ban ngành, báo cáo thực hiện và đề nghị Sở y tế và Sở tư pháp Hải Phòng tiếp tục triển khai quy chế phối hợp đã được ký kết về tăng cường công tác trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng được nghe trình bày về tổng quan luật pháp chính sách về chống kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Việt Nam; Kết quả nghiên cứu đánh giá mức độ kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV ở Việt Nam năm 2014 và Quy chế số 1192/QC-BYT-BTP ngày 1/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Tư pháp trong hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, hỗ trợ và trợ giúp pháp lý cho người nhiễm HIV.

Đồng thời, các đại biểu thảo luận các giải pháp nhằm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV như: Kỳ thị và phân biệt đối xử ở cơ sở y tế (từ chối không khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV, có thái độ kỳ thị và phân biệt đối xử với bệnh nhân là người nhiễm HIV, tiết lộ kết quả xét nghiệm HIV cho người khác không đúng theo quy định pháp luật, bắt ép người đến khám chữa bệnh làm xét nghiệm HIV chưa có sự đồng ý của bệnh nhân); Kỳ thị và phân biệt đối xử ở cộng đồng và nơi làm việc (kỳ thị và phân biệt đối xử của cộng đồng và xã hội với người nhiễm HIV, từ chối và không nhận người nhiễm HIV vào làm việc, ép người lao động đi làm xét nghiệm HIV và xuất trình kết quả xét nghiệm HIV).

Ngoài ra, các đại biểu còn trao đổi về chính sách hỗ trợ của nhà nước cho người nhiễm HIV và doanh nghiệp của người nhiễm HIV (đóng thuế cho nhà nước, cấp sổ Bảo hiểm Y tế cho người nhiễm HIV)…

 

Trà My

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]