Thực hiện mục tiêu 90-90-90: Còn nhiều khó khăn

22/10/2015 Lượt xem: 636 In bài viết

Đại diện Đoàn đánh giá cho biết, lãnh đạo tại tất cả các huyện của 4 tỉnh mà đoàn đánh giá tới làm việc đều cam kết triển khai dịch vụ và sẵn sàng sử dụng nguồn nhân lực hiện tại để thực hiện mục tiêu 90-90-90.

Nhân lực và cơ sở hạ tầng có thể bảo đảm được việc lồng ghép dịch vụ xét nghiệm, điều trị vào phòng labo và khoa khám chữa bệnh của bệnh viện. Tuy nhiên, hiện dịch vụ HIV tại các huyện rất khác nhau. Một số huyện chưa có một dịch vụ nào như Kỳ Sơn (Nghệ An), Nậm Pồ (Điện Biên). Cơ sở vật chất đối với Trung tâm y tế huyện chưa bảo đảm việc thực hiện các xét nghiệm khẳng định nhiễm HIV như huyện Mai Sơn, Vân Hồ, Bắc Yên (Sơn La); chỉ có 6/27 huyện thị tại Thanh Hóa có các dịch vụ.

Bên cạnh đó, để triển khai mục tiêu 90-90-90, mỗi tỉnh đều có những khó khăn riêng. Tại Nghệ An, việc tự kỳ thị của người bệnh, theo báo cáo của nhân viên y tế cũng là những rào cản để đạt được chỉ tiêu về điều trị và duy trì quản lý ca bệnh.

Tại Điện Biên, có khoảng 20 dân tộc thiểu số khác nhau. Trình độ học vấn trung bình thấp dẫn đến hành vi bảo vệ sức khỏe và chủ động tìm kiếm dịch vụ chăm sóc sức khỏe kém. Đây là một rào cản lớn để có thể thuyết phục nhiều bệnh nhân chấp nhận theo dịch vụ điều trị.

Tại Sơn La, người sử dụng ma túy e ngại khi tiếp cận với dịch vụ tư vấn xét nghiệm do sợ bị bắt đi cai nghiện, tình trạng tố giác người sử dụng ma túy vẫn còn, ảnh hưởng lớn đến cả công tác xét nghiệm và điều trị HIV. Trong khi đó, nhận thức của cán bộ xã, thôn bản về lợi ích của các can thiệp phòng, chống HIV còn yếu. Hệ thống quản lý các ca nhiễm HIV hiện chưa phản ánh đúng số người nhiễm HIV tại Sơn La. Còn tại Thanh Hóa, địa bàn rộng, rất khó khăn cho việc đi lại.

Trước những khó khăn trên, Đoàn đánh giá đề nghị mở thêm các điểm cấp phát thuốc tại các xã do tình hình đi lại khó khăn tại một số huyện. Đồng thời, nâng cao năng lực cho cán bộ M&E tại các tuyến tỉnh, huyện và xã; nâng cao năng lực cho các tổ chức xã hội dân sự về các vấn đề chính trong hệ thống thông tin chiến lược.

Bên cạnh đó, hỗ trợ triển khai thực hiện tốt báo cáo chương trình, ca bệnh, thu thập số liệu của các chương trình dịch vụ, nâng cao năng lực phân tích và sử dụng số liệu; lồng ghép báo cáo chương trình do các tổ chức xã hội dân sự thực hiện vào hệ thống báo cáo theo dõi, giám sát thường quy của chương trình/hệ thống thông tin của các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh; bảo đảm chất lượng số liệu của các chương trình dịch vụ HIV/AIDS; kiểm tra số liệu, phân tích và phản hồi định kỳ về số liệu với các TT PC AIDS và các dự án thực hiện dịch vụ; xây dựng và duy trì cơ sở dữ liệu của tỉnh, tiếp cận và sử dụng các nguồn dữ liệu hiện có.

Cục phòng, chống HIV/AIDS chỉ đạo, điều phối các nguồn lực khác trong việc cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho người tiêm chích ma túy, người nhiễm HIV; cung ứng sản phẩm xét nghiệm HIV, tải lượng HIV, các thuốc dự phòng bệnh nhiễm trùng cơ hội.

Bên cạnh đó, các Trung tâm phòng, chống HIV/AIDS tỉnh thực hiện mục tiêu chủ động phối hợp với Dự án Quỹ Toàn cầu, Dự án VAAC – US.CDC và các nhà tài trợ khác trên địa bàn tỉnh để đáp ứng kịp thời nhu cầu.

TS. Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS đề nghị: Mỗi tỉnh cần có một kế hoạch thực hiện 90-90-90 cụ thể. Nâng cao tính làm chủ của địa phương, hướng dẫn các địa phương tự xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm của từng địa phương với sự hỗ trợ kỹ thuật từ các chuyên gia. Các chỉ tiêu cần tính toán dựa vào thực tế tại địa phương và cần có cơ chế phối hợp giữa các nhà tài trợ cũng như các địa phương để thống nhất về chuyên môn hỗ trợ, nội dung tập huấn, thống nhất về mức chi, thống nhất nguồn tài chính…

Thùy Chi

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]