Tuyên truyền phòng, chống ma túy: Như thế nào cho đúng ?

05/10/2015 Lượt xem: 1189 In bài viết

Nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhiều mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tệ nạn ma túy. Với sự nỗ lực của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể, các tổ chức quốc tế và sự đồng thuận của Nhân dân cả nước nên công tác phòng, chống ma túy đã có những chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, kết quả đạt được chưa thực sự bền vững, tội phạm và tệ nạn ma túy vẫn chưa giảm nhiều; công tác quản lý cai nghiện, quản lý sau cai nghiện, giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện đang đặt ra nhiều thách thức. Và vấn đề truyền thông nâng cao nhận thức để mọi người ý thức không vướng vào ma túy luôn là điều quan trọng. Nếu làm thật tốt công tác này thì nó sẽ giải quyết được nhiều vấn đề phòng, chống ma túy.

Nhận thức về công tác tuyên truyền ma túy

Trước tình hình tội phạm và tệ nạn ma túy phức tạp, những năm qua, Đảng, Chính phủ có nhiều chỉ thị, nghị quyết, chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy, giao trách nhiệm cho các Bộ, các ngành có trách nhiệm tuyên truyền về phòng, chống ma túy để nhân dân có nhận thức hiểu biết về pháp luật, tác hại, cách phòng, chống tội phạm ma túy.

Chỉ thị số 21 ngày 26/6/2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống và kiểm soát ma túy trong tình hình hình mới đã khẳng định “Đổi mới nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục phòng, chống ma túy trong Đảng, cơ quan Nhà nước và nhân dân với nhiều hình thức thích hợp, phong phú để mọi người nhận thực rõ mối hiểm họa từ ma túy, tính cấp bách của công tác phòng chống ma túy ở nước ta hiện nay”.

Nhận thức được yêu cầu của cuộc đổi mới công tác tuyên truyền vận động quần chúng trong phòng, chống tội phạm về ma túy, ngày 25/11/2013 Bộ Công an đã ban hành Quyết định số 6502 phê duyệt dự án “Thông tin tuyên truyền phòng, chống ma túy và giám sát thực hiện chương trình” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy giai đoạn 2012 – 2015. Dự án xác định nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống ma túy nhằm xây dựng các hình thức, nội dung, biện pháp tuyên truyền phù hợp với từng địa bàn, đối tượng tuyên truyền, nhằm giảm thiểu tác hại của ma túy.

Trước tình hình phức tạp của tệ nạn ma túy, ngày 13/12/2013, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2434/QĐ-TTg ban hành kế hoạch thống kê người nghiện ma túy. Giao cho Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương rà soát thống kê người nghiện ma túy trên toàn quốc.

Mục đích là khắc phục và chấn chỉnh những tồn tại, thiếu sót trong công tác thống kê người nghiện ma túy, đánh giá đúng thực trạng số người nghiện ma túy, số người sử dụng trái phép chất ma túy trên toàn quốc, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách, xây dựng kế hoạch phòng, chống ma túy và công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, các Bộ ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống ma túy.

Triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các ngành, các cấp đã thành lập Ban Chỉ đạo tổ chức tuyên truyền sâu rộng, phát động phong trào toàn dân tố giác tội phạm và người nghiện ma túy. Nhiều địa phương đã có cách làm hay, thể hiện sự quyết tâm rất cao như cử những đồng chí có trách nhiệm trong Thường vụ, BCH huyện ủy làm tổ trưởng các tổ trực tiếp xuống thôn bản, từng gia đình có người thân liên quan đến ma túy để tuyên truyền, động viên, thuyết phục yêu cầu cam kết từ bỏ ma túy, như ở Mộc Châu, Sơn La... Kết quả rà soát đến tháng 9/2014 toàn quốc có 204.377 người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý của lực lượng Công an, tăng 22.981 người (12,14%) so với cuối năm 2013 (nhưng thực tế số người sử dụng ma túy ở Việt Nam còn lớn hơn), theo quy luật có “cầu” thì có “cung”.

Ngoài việc tuyên truyền, lực lượng chức năng đã ra quân đánh mạnh, đánh trúng triệt xóa nhiều đường dây tụ điểm ma túy phức tạp. Năm 2014 đã bắt giữ 19.195 vụ, 28.887 đối tượng, thu 573,2 kg heroin, 19,3 kg cocain, 29,8kg thuốc phiện, 288,4 kg cần sa khô, 1.248 kg cần sa tươi, 231,2 kg và 165.314 viên ma túy tổng hợp cùng nhiều phương tiện tài sản khác.

Góp phần to lớn kiềm chế, làm giảm tình hình và tệ nạn ma túy, nhiều địa phương đã chủ động đầu tư kinh phí tổ chức tuyên truyền phòng, chống ma túy có hiệu quả, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Sơn La, Hòa Bình, Nghệ An, Ninh Bình,... Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương chưa thấy hết được hiểm họa, tác hại của ma túy nên chủ quan, thiếu quan tâm chỉ đạo, chưa đầu tư kinh phí, chưa quan tâm đến công tác tuyên truyền hoặc công tác tuyên truyền làm hình thức, theo thời vụ, chưa thường xuyên, chỉ làm vào tháng phòng, chống ma túy (tháng 6 hàng năm), giao phó cho lực lượng Công an, trong công tác tuyên truyền còn lúng túng.

Khó khăn khách quan

Tại Hội thảo khoa học “Nâng cao kỹ năng tuyên truyền phòng, chống tội phạm về ma túy các tỉnh Bắc Bộ” do Học viện Cảnh sát nhân dân tổ chức mới đây, nhiều ý kiến tham luận cho rằng cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, nâng “chất” công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân phòng, chống ma túy.

Tại vùng Tây Bắc, nơi có nhiều điểm nóng về ma túy, qua các đợt tăng cường cơ sở, xuống địa bàn nắm tình hình hay đánh án, lực lượng trinh sát ma túy đã tranh thủ tuyên truyền trực tiếp với bà con thôn bản hiểu được nhiệm vụ đấu tranh chống tội phạm ma túy. Từ đó, quần chúng nhân dân thấy được sự vất vả, nguy hiểm của lực lượng công an trong từng chuyên án, từng trận đánh nên đã có nhiều người dân hưởng ứng giúp đỡ từ việc lo chỗ ăn, chỗ ở đến tham gia cùng vào công tác đấu tranh, bắt giữ đối tượng.Tuy vậy, công tác tuyên truyền vận động quần chúng nhân dân cũng tồn tại những hạn chế như số lượt tham gia tuyên truyền còn ít, nội dung tuyên truyền còn nghèo nàn. Hình thức tuyên truyền còn chưa đa dạng, chủ yếu là hình thức nói chuyện trực tiếp, còn việc sử dụng các hình ảnh, ví dụ minh họa chưa có nhiều.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế trên trong đó trình độ dân trí thấp cũng ảnh hưởng đến chất lượng công tác tuyên truyền. Có những vùng đồng bào dân tộc, số lượng người dân mù chữ hoặc trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ cao nên việc tuyên truyền bằng hình thức kẻ vẽ pa – nô, áp phích hay sử dụng những thuật ngữ không mang lại hiệu quả cao.

Phong tục lối sống, tiếng nói, đặc điểm tâm lý của các dân tộc trên địa bàn có nhiều điểm khác biệt cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng tuyên truyền. Có nhiều cùng đồng bào dân tộc ít người, số lượng người nghe nói được tiếng Việt (tiếng Kinh) rất ít trong khi đó số cán bộ là người dân tộc thiểu số cũng rất ít. Thực tế, có nhiều cuộc hội thảo, tập huấn, tuyên truyền ở các thôn, bản, bà con đến nghe rất đông, khen hay nhưng lại không hiểu nhiều, nên việc áp dụng vào thực tế vẫn là khoảng cách rất lớn. Cũng có những vùng mọi người sống khép kín trong phạm vi dòng tộc, trong phạm vi bản làng, có tâm lý cản giác e dè khi tiếp xúc với người lạ. Do đó, việc tiếp xúc, giao tiếp chia sẻ thông tin thường gặp khó khăn.

Hơn nữa, hoạt động tội phạm ma túy ngày càng tinh vi xảo quyệt. Việc đối tượng phạm tội không chỉ tìm cách che giấu hành vi phạm tội của mình mà còn tìm cách khống chế đồng bọn, lôi kéo đe dọa người thân, hàng xóm xung quanh vừa tham gia vào hoạt động phạm tội vừa không dám tố cáo hành vi phạm tội của chúng. Chính vì thế, có những địa bàn trọng điểm về ma túy, có nhiều người dân đã thờ ơ hoặc lo sợ, hoặc vô tình tiếp tay cho hành vi phạm tội của đối tượng ma túy. Khi lực lượng Công an đến địa bàn đã có thông tin về bản là có công an đến hoặc trong quá trình bắt khám xét, không có người dân nào đứng ra làm chứng.

Các đề xuất đưa ra để khắc phục khó khăn, đó là phải xác định rõ 3 yếu tố: Địa bàn, đối tượng và nội dung tuyên truyền. Với địa bàn chủ yếu là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng trọng điểm về ma túy, đòi hỏi phải xây dựng hệ thống chính trị cơ sở ở một số xã, một số địa bàn đủ mạnh. Trong đó, chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là người DTTS.

Xây dựng lực lượng nòng cốt là người đồng bào dân tộc tại chỗ ở những xã, bản trọng điểm về ma túy. Phát huy vai trò của già làng, trưởng bản, người uy tín và chức sắc tôn giáo tại địa phương để họ trở thành những tuyên truyền viên tích cực trong giáo dục, vận động, tố giác, không để kẻ xấu lợi dụng, kích động nhân dân đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn. Bên cạnh công tác tuyên truyền phòng, chống tệ nạn ma túy, cần giúp bà con tiếp cận được các kiến thức về phát triển kinh tế, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thay thế cây thuốc phiện.

Thiếu tướng, GS.TS Nguyễn Văn Nhật, Phó Giám đốc Học viện CSND cho biết, Học viện cũng đang nghiên cứu, lên phương án mở thêm một khoa về tiếng dân tộc để phục vụ tốt hơn nữa công tác phòng chống tội phạm nói chung, phòng chống tội phạm ma túy vùng biên giới nói riêng. Theo Thiếu tướng, cán bộ làm công tác tuyên truyền, vận động phòng chống tệ nạn ma túy tại cơ sở được học tiếng nói của đồng bào, am hiểu phong tục tập quán của địa phương, thường xuyên bám dân, cắm bản, tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để thay đổi nhận thức của đồng bào.

Thông tin “một chiều” không đạt kết quả cao

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ tâm lý cho Người nghiện ma túy (PSD) trên 20.000 học sinh, sinh viên, 5.000 phụ huynh học sinh, thân nhân người nghiện ma túy, 15.000 học viên đang cai nghiện tại các trung tâm, những người đã cai nghiện thành công, 75% số người được hỏi cho rằng các phương pháp truyền thông hiện nay chưa hiệu quả.

Một số phương pháp truyền thông đang triển khai chưa đạt được hiệu quả cao thậm chí còn gây hiệu ứng ngược, một phần quảng cáo cho việc sử dụng ma túy, ví dụ như khi các phương tiện thông tin đại chúng thay vì đưa ra cảnh báo làm mọi người tránh xa ma túy thì ngược lại kích thích trí tò m.

Dẫn chứng về vấn đề này, một trinh sát từ đội Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, qua tiếp xúc với một số doanh nhân trên địa bàn - những người có thể nói là thành đạt và trong độ tuổi chín chắn về suy nghĩ, đã chia sẻ rằng khi đọc trên một số trang báo có những bài viết như: ma túy đá và những “khát khao” dục vọng, hay sau “đập đá”, sex với 5 - 6 người chưa thỏa mãn. Bản thân họ cảm thấy rất tò mò và đã dùng thử để xem “công dụng” thật ra sao!?.

Có thể thấy thay vì viết tác hại của nó, nguy hiểm của nó đôi lúc có những bài báo giật gân câu khách miêu tả cảm giác thăng hoa khi sử dụng may túy dẫn tới phản ứng ngược là kích thích trí tò mò tìm và sử dụng ma tuý. Đây là vấn đề rất lớn trong truyền thông nếu như chúng ta không có định hướng rõ ràng về mặt tuyên truyền sẽ dẫn đến thất bại.

Bên cạnh đó, hiện nay các biện pháp như dùng băng rôn, khẩu hiệu hay những tiểu phẩm thường đi theo một lối mòn giống nhau. Các khẩu hiệu thường dùng sáo ngữ “nói không”, ví như: “Nói không với ma túy”, “Nói không với chất kích thích”. Trong một số trường hợp, cụm từ “nói không” có thể chấp nhận được, nhưng trong nhiều trường hợp, dùng từ này sẽ không nói lên được bản chất của vấn đề muốn tuyên truyền. Tại sao không trực tiếp nói thẳng vấn đề có tính chất răn đe là “Cấm buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy”... mà chỉ “nói không”!?

Một hạn chế nữa trong tuyên truyền hiện nay đó là, chúng ta thực hiện công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy mới chỉ có thông tin một chiều. Điều này có nghĩa rằng chỉ có tuyên truyền viên nói và người dân cứ nghe, sau đó kết thúc buổi tuyên truyền mà không có sự phản hồi từ phía nhân dân.

Để tránh tình trạng trên, đòi hỏi tuyên truyền viên nên dành một lượng thời gian nhất định sau khi thực hiện buổi tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng chống tệ nạn ma túy. Thời lượng dành cho người dân nói lên tiếng nói của mình là rất quan trọng, bởi vì đây là tiếng nói cơ sở, tiếng nói của người dân. Lắng nghe người dân nói là để xem họ cần gì xuất phát từ thực tiễn địa phương đòi hỏi. Có như vậy thì buổi tuyên truyền mới thành công, đạt hiệu quả thiết thực đối với người dân tham gia phòng, chống tệ nạn ma túy.

Theo Đại tá Phạm Văn Chình, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Bộ Công an, phòng, chống ma túy là việc làm khó khăn phức tạp, liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, thậm chí phải hy sinh xương máu. Vì vậy, các lực lượng chức năng phải chủ động, kiên trì, tích cực làm thường xuyên, liên tục công tác tuyên truyền, phải làm ngay từ lúc tội phạm ma túy chưa phức tạp.

Muốn tuyên truyền có hiệu quả, lực lượng Công an phải tích cực gọi hỏi, giáo dục cá biệt, để các đối tượng có liên quan phạm tội ma túy hoặc người nghiện thấy rõ tác hại hậu quả của ma túy; thấy rõ sai phạm của mình. Từ đó cam kết sửa chữa. Đồng thời phải tích cực điều tra cơ bản, bắt và xử lý triệt để các điểm, tụ điểm, đường dây ma túy phức tạp, xử lý những người nghiện tái phạm, đối tượng cố tình phạm tội, gieo rắc cái chết trắng cho xã hội.

 

Hoàng Anh

Nguồn: tiengchuong.vn

[TT: TBC]