Quặn thắt những bi kịch vùng biên!
10/01/2013 Lượt xem: 191 In bài viếtĐằng sau sự nghèo nàn, lạc hậu vốn có, những thân phận hẩm hiu nơi núi rừng phía Tây Thanh Hóa đang phải đối mặt với những án ‘tử hình” lơ lửng trên đầu bởi căn bệnh thế kỷ. Những cái chết trắng, cùng với quan hệ tình dục bừa bãi đã để lại những hệ lụy vô cùng tàn khốc, bản làng xơ xác, tiêu điều, mẹ mất con, vợ mất chồng, những đứa trẻ sinh ra không biết mặt cha mẹ…
Heo hắt bản nghèo vì AIDS
Sau bao dự định, cuối cùng chúng tôi quyết định vượt gần 300km đến những huyện vùng biên xa nhất tỉnh Thanh Hóa. Những ngày cuối năm, khi cơn mưa nặng hạt đang răng phủ khắp núi rừng. Con đường khúc khủy bám men sườn núi, với những khúc cua tay áo thót tim, vực sâu thăm thẳm, sương mờ bao phủ, những bản làng nằm khép mình bên sườn núi dường như vẫn chìm trong giấc ngủ vùi. Hơn 11h vật lộn trên đường những lúc tưởng chạm tới mây trời, lúc lại lao xuống vực sâu thẳm, chúng tôi mới đến được “cổng trời”, nơi có độ cao hơn 700m so với mặt nước biển. Mới 14h nhưng sương mù đã dày đặc, ánh đèn xe le lói như điểm sáng nhỏ nhoi giữa đêm đen mịt mùng. Bác tài xế với kinh nghiệm nhiều năm phải thốt lên: đường trơn, những đoạn bùn dày tới 40cm, nếu không thạo đường, vững tay lái rất dễ rơi xuống vực.
Qua rất nhiều cung đường hình chữ U kéo dài, Mường Lát hiện ra với vẻ đẹp nguyên sơ như bức tranh thủy mặc giữa núi rừng. Trong bức tranh hùng vĩ đó, những bản làng nằm ẩn hiện trong sương núi, những ngôi nhà sàn đơn sơ, trống hơ, trống hoác, những đứa trẻ với chiếc áo mỏng, bùn đất lấm lem…là những “nốt trầm” khiến chúng tôi không khỏi nhói lòng. Mường Lát đẹp, thơ mộng nhưng còn nghèo khổ quá!
Xã Pù Nhi, huyện Mường Lát là một trong những điểm nóng về ma túy, HIV, với 11 thôn bản, 925 hộ, trong đó hộ nghèo chiếm tới 63,2%, đời sống người dân chủ yếu là làm nương rẫy, phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên. Cái nghèo, đói cứ bám dai dẳng hết đời này, sang đời khác. Ông Lương Văn Xích, chủ tịch UBND xã nhớ lại: Trong khoảng 3 năm từ 2008-2010 tại 3 bản: Đông Ban, Na Tao, Hạ Sơn có trên 20 người chết vì AIDS, rất nhiều gia đình cả vợ, con đều bị HIV, chủ yếu là do chồng tiêm chích ma túy lây nhiễm sang. Các đối tượng nghiện tập trung ở độ tuổi 24-30. Xã cũng đã rất tích cực phối hợp với Trung tâm y tế huyện đến từng gia đình vận động, tuyên truyền, tình hình bệnh thế kỷ đã bước đầu giảm dần.
Mẹ con chị Ngân Thị Lòng, bản Na Tao, xã Pù Nhi, Mường Lát đang mang trên mình căn bệnh thế kỷ.
Qua cầu treo, con đường duy nhất vào bản Na Tao, những ngôi nhà sàn quây quần bên nhau, không che được nỗi buồn hiu hắt, ông Vi Văn Thấm trưởng bản trầm ngâm kể: Cả bản có 157 hộ, 676 nhân khẩu. Có 11 đối tượng nghiện chích ma túy. 40 người nhiễm HIV, trong đó có 26 người đang điều trị ARV. Thực tế con số còn cao hơn bởi nhiều người không chịu đi xét nghiệm. Trong khoảng 5 năm trở lại đây đã có 8 người chết vì AIDS.
Ghập ghềnh phận sơn nữ
Theo chân trưởng bản, chúng tôi đến thăm gia đình chị Ngân Thị Lòng, (SN 1986), một trong những bông hoa của núi rừng. Chị tâm sự rằng: Như bao cô gái khác lấy chồng từ rất sớm. Bất hạnh ập xuống, 6 năm về trước chồng chết vì bệnh hiểm nghèo. Nỗi đau cứ âm thầm trôi qua bao nhiêu mùa nương rẫy. Năm 2009, hạnh phúc bất ngờ xuất hiện khi chị gặp được người thông cảm, sẵn sàng chia sẻ những bất hạnh cùng mình. Niềm vui như được nhân đôi khi cùng năm đó chị sinh được con trai Hà Văn Kiên. Hạnh phúc mới chớm nở sau bao giông bão cuộc đời, đã vội nguội tắt khi biết chồng mình tiêm chích ma túy. Sau khi thấy sức khỏe cả nhà ngày càng yếu, cùng với sự động viên của cán bộ y tế, chết lặng khi được tin cả gia đình đã nhiễm HIV. Cuộc sống vốn đã khó khăn, nhà có 2 sào ruộng, vợ chồng ai thuê gì thì làm vẫn thiếu ăn. Giờ cả nhà lại bị như thế này, không biết tương lai sẽ như thế nào? Từ ngày được Nhà nước cho uống thuốc ARV thấy sức khỏe cải thiện hơn.
Mẹ con chị Ngân Thị Phiến, bản Na Tao đang chờ uống thuốc ARV tại Trung tâm y tế huyện Mường Lát.
Bất hạnh không kém chị Lòng, là chị Ngân Thị Phiến (SN1972), khuôn mặt khắc khổ, già nua so với tuổi, cùng với bệnh tật khiến chị càng héo hắt hơn. Phải mất rất lâu, chị mới trải lòng mình, chị có 4 đứa con, 3 đứa đầu là của đời chồng trước đã chết do bệnh tật. Sau đó chị quyết định đi bước nữa với người đàn ông cùng bản. Những mảnh đời khốn khó gặp nhau tưởng sẽ nương tựa được khi lúc về già. Nào ngờ năm 2009 chồng nghiện chết do AIDS, để lại chị cùng đứa con trai Vi Văn Quý, 6 tuổi với bản án tử hình quanh quẩn trên đầu. Tuy đã 6 tuổi nhưng Quý còi cọc như bé lên 3. Những vết lở loét đã bắt đầu xuất hiện trên người cháu, khiến sức khỏe giảm xút hẳn, thường xuyên ốm đau. Còn chị từ lâu sức khỏe đã yếu nhưng là lao động chính, vẫn cố gắng gượng ra đồng, lên mương, quằn quại cùng nỗi đau để kiếm bát cháo, miếng rau nuôi các con. Hiện đang làm hồ sơ lấy thuốc ARV uống.
Chị Ngân Thị Bình, 38 tuổi, khu 1, thị trấn Mường Lát (trước kia thuộc bản Pong, xã Tam Chung) không ngờ cuộc đời mình lại có kết cục cay đắng. Từng có một gia đình hạnh phúc với 2 cô con gái đẹp người, đẹp nết, chồng vốn lại là Phó bí thư đoàn xã. Năm 2010 chồng chết vì AIDS do quan hệ tình dục không lành mạnh để lại gánh nặng gia đình trên đôi vai vốn đã trai sạn vì gùi củi, nhưng cái chị không ngờ nhất là cùng năm đó đi xét nghiệm, cầm kết quả HIV trên tay chị giường như ngã quỵ. Trước kia cuộc sống cũng tạm đủ ăn, từ ngày chồng mất, chị lại thường xuyên đau ốm không làm được việc nên càng khó khăn hơn. Hiện chị đang uống thuốc ARV. Mong mỏi lớn nhất của chị kéo dài sự sống để lo cho con gái út, đang học lớp 6 trưởng thành, không chịu cảnh mồ côi cả cha lẫn mẹ.
Mẹ con chị Hà Thị Phóng, bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, trò chuyện với cán bộ y tế.
Danh sách những góa phụ nơi núi rừng ngày càng dày thêm, mỗi ngày trôi qua với những bệnh nhân HIV là sự “ban tặng” quý giá. Cuộc sống tuy lay lắt, khốn khổ, nhưng họ vẫn khát khao sống, khát khao được lên nương, chăm sóc và dõi theo sự trưởng thành của các con. Theo báo cáo của Trung tâm y tế Mường Lát, từ năm 2001 đến nay đã phát hiện 401 người nhiễm HIV, 181 người chuyển sang AIDS, 59 người đã tử vong, hiện đang điều trị uống thuốc ARV cho 155 người. Con số thực tế cao hơn nhiều so với thống kê. Nguyên nhân là do bởi địa bàn rộng, địa hình phức tạp, số đối tượng nguy cơ cao còn tiềm ẩn trong cộng đồng nhiều, số di biến động thường xuyên thay đổi nơi cư trú nên rất khó khăn trong công tác tuyên truyền, quản lý.
Danh sách nỗi đau kéo dài.
Rời Mường Lát, chúng tôi xuôi về Quan Hóa mà lòng trĩu nặng. Biết đến bao giờ người dân nơi đây thoát nghèo, thoát khỏi làn khói trắng chết người, thoát khỏi những căn bệnh thế kỷ, vốn là một trong những nguyên nhân làm tụt hậu sự phát triển. Quan Hóa là nơi hợp lưu của 3 con sông lớn: sông Mã, sông Luồng, sông Lò, phía Bắc giáp Sơn La, Hòa Bình, phía Tây giáp huyện Mường Lát và nước Lào. Địa hình hiểm trở, thuận lợi cho những kẻ gieo rắc cái chết trắng vận chuyển hàng. Lũy tích người nhiễm HIV/AIDS toàn huyện là 596 người. Tổng số người nhiễm HIV hiện đang còn sống 393 người. 171 người đã chết do AIDS. Bệnh nhân hiện đang uống thuốc ARV là 284 người. Địa bàn rộng, số người nhiễm đã vượt qua mức khống chế. Công tác tuyên truyền vận động cần mất rất nhiều thời gian. Kinh phí hoạt động còn hạn hẹp, chỉ nhờ vào các Dự án tổ chức nước ngoài. Kinh phí cho hoạt động của chương trình mục tiêu quốc gia triển khai chậm, ảnh hưởng rất lớn tới tiến độ hoạt động.
Theo ông Hà Văn Tưởng, trưởng công an xã Hồi Xuân cho biết: hiện xã là một trong những điểm nóng nhất về ma túy, HIV của huyện. Những năm 1980, số thanh niên đi bè luồng, gỗ xuống dưới xuôi bán, từ đó bắt đầu xuất hiện các đối tượng nghiện hút. Toàn xã có 93 người nhiễm HIV/AIDS. Số người tử vong vì AIDS từ năm 2005 trở lại đây là 25 người. Trong 2 năm 2006- 2007 tại bản Khằm, bản Cốc, bản Mướp có số lượng người chết cao nhất. Có ngày 1 bản 2 thanh niên ra đi.
Dù bị HIV nhưng hàng ngày chị Phóng vẫn lên rừng kiếm củi mang ra chợ bán.
Chị Hà Thị Phóng, 29 tuổi, bản Khằm, xã Hồi Xuân, huyện Quan Hóa nghẹn ngào: Trước kia 2 người quen nhau ở phiên chợ ngày tết, rồi ưng cái bụng, lấy chồng từ năm 20 tuổi. Hiện con gái chị đã học lớp 3. Không có đất làm ruộng nên sáng sớm 2 vợ chồng đi bộ từ 3-4km, lên hang Ma lấy củi, chiều mang ra chợ bán. Tuy vất vả, cực nhọc nhưng mỗi ngày 2 vợ chồng cũng chỉ kiếm được 20.000đ. Những ngày mưa gió kéo dài lại phải đi vay từng bò gạo. Cuối năm 2009, phát hiện cả nhà nhiễm HIV, cùng năm đó điều trị ARV, sức khỏe cũng tạm ổn. Trong nhà có đồ đạc gì đáng giá đều bán lấy tiền mua thuốc.
Trong căn nhà gió lùa 4 phía giữa cái lạnh nơi núi rừng, niềm vui, niềm hi vọng là những tờ giấy khen của cháu Cao Thị Thủy được mẹ Phóng cẩn thận treo lên. Thủy ngây thơ, hồn nhiên dường như chưa cảm nhận được những chặng đường khúc khuỷu phía trước của cả gia đình, em cho biết: ở lớp em được thầy cô, các bạn yêu quý, giúp đỡ em rất nhiều. Em cố gắng học để sau này trở thành bác sỹ về chữa bệnh cho dân làng. Ước mơ trong sáng, vô tư của em liệu có trở thành hiện thực? Cảm giác cứ nghẹn nghẹn trong cố khiến chúng tôi chỉ nhìn 2 mẹ con không nói nên lời….
Rời núi rừng, nơi ôm ấp, nuôi dưỡng những bản làng, nơi bà con đang còn vất vả trong từng miếng ăn, manh áo. Những ngọn đèn đêm bắt đầu le lói, lúc ẩn, lúc hiện trong màn sương, tắt lúc nào không biết, những ánh đèn đó như những thân phận mang trên người căn bệnh thế kỷ. Cùng với sự giúp đỡ, họ đang từng ngày đấu tranh với bệnh tật để giành lại sự sống. Họ đang cần lắm sự sẻ chia, giúp đỡ của cả cộng đồng.
Ngọc Hưng
Nguồn: tiengchuong.vn
[TT: TBC]