Muốn giảm cướp, phải thay đổi cách cai nghiện

12/12/2012 Lượt xem: 198 In bài viết
<xmp id="9669" contenteditable="false" style="DISPLAY: inline" tabindex="-1">

Gần đây nhiều vụ cướp giật liều lĩnh, chém giết hung bạo xảy ra liên tục, kết quả điều tra sơ bộ cho thấy đa số hung thủ có sử dụng ma túy. Ông có nhận định gì về vấn đề này?

BS Nguyễn Hữu Khánh Duy, Giám đốc Trung tâm Điều dưỡng và cai nghiện ma túy Thanh Đa: Ngày xưa số nghiện heroin có thể nhiều hơn bây giờ nhưng ít gây trọng án vì heroin gây tác hại não không nhiều. Amphetamin (ATS - hàng đá) gây tổn thương não rất mạnh, dễ gây những rối loạn tâm thần nên chuyện chặt tay người đi đường để cướp xe là chuyện dễ hiểu. Nếu xét nghiệm các vụ cướp dã man tôi tin rằng nhiều người phạm tội dính ma túy tổng hợp. Không chỉ có cướp, những người lái xe đường dài gây tai nạn, tài xế chống đối công an… cũng là do ma túy tổng hợp.

Trung tâm chúng tôi có 1/4 số học viên nghiện ma túy tổng hợp dạng hàng đá. Người nghiện hàng đá có triệu chứng cơ thể tim đập nhanh, buồn nôn… và dấu hiệu tâm thần (mất ngủ, hoảng sợ, trở nên thù địch…). 1/4 số nghiện hàng đá đến cai nghiện bị tâm thần.

Thiếu chiến lược điều trị

Nghĩa là theo ông vấn đề nằm ở khâu cai nghiện?

Khi sử dụng ma túy người nghiện bị tổn thương não bộ nên phải xem họ là người bệnh. Do đó phải có chiến lược điều trị cắt cơn. Viện Sức khỏe tâm thần Trung ương đã có phác đồ điều trị cắt cơn cho loại nghiện hàng đá đạt hiệu quả tốt, viện tổ chức nhiều buổi học, tập huấn về phác đồ này rồi. Nhưng để có giá trị pháp lý buộc các trung tâm cai nghiện phải làm theo thì bộ trưởng Bộ Y tế phải ký tên đóng dấu ban hành. Hiện nay mạnh ai nấy làm. Cần lưu ý rằng người nghiện hàng đá rất hung hãn, Chợ Rẫy không nhận, BV Tâm thần không nhận, đưa vô đây thì tôi phải nhận. Có khi vừa đưa vô là họ đạp cửa, phá phòng chỉ mặt tôi nói rằng tao mà ra được là giết cả họ nhà mày luôn. Nhưng sau khi điều trị, cắt cơn, họ lại quay lại xin lỗi.

Điều trị cai nghiện heroin, theo phương cách của trung tâm tôi đảm bảo 80%-90% là dứt. Nhưng với hàng đá, tôi chỉ có thể cắt cơn, tạm ổn định, vì não bộ tổn thương rất nặng, phải điều trị lâu dài, tối thiểu là hai năm mới mong phục hồi nhưng khó có thể phục hồi như ban đầu được.

TP.HCM cũng đã từng thực hiện Đề án sau cai nghiện tiếp tục cho người đã cai nghiện học nghề, lao động một thời gian. Theo ông có nên lập lại mô hình này?

Việc thí điểm đề án sau cai nghiện của TP.HCM những năm 2003 đến 2008 đáp ứng tình hình phức tạp lúc bấy giờ. Theo tôi thì nó có còn nhiều chỗ chưa được, cần phải sửa nhưng thay vì sửa nó để làm tiếp thì trung ương lại cho dừng. Vì sao phải sửa? Là do chúng ta làm lộn ngược. Thay vì phải có đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản trước, xây dựng cơ sở vật chất xong rồi mới đưa người nghiện vô cai thì mình lại đi tập trung người nghiện, xây dựng cơ sở rồi mới tập huấn cán bộ.

Cán bộ thiếu chuyên môn

Chúng ta đã có cán bộ cai nghiện từ những năm mới giải phóng kia mà?

Cho tới nay cả nước chưa có một trường, một ngành nào đào tạo cán bộ cai nghiện ma túy. Cán bộ không biết cai nghiện ma túy thì làm sao làm được. Thực tiễn cho thấy là cai nghiện vừa phải điều trị bằng thuốc, vừa có liệu pháp không dùng thuốc như lao động trị liệu, sinh hoạt trị liệu, huấn nghiệp trị liệu, giải trí trị liệu… Cái đó phải là ngành y tế làm nhưng làm gì có ông bác sĩ loại này.

Thời gian qua chúng ta đẩy cái này cho ông LĐ-TB&XH làm. Mấy ông này rất nhiệt tình nhưng không hiểu trị liệu là gì nên làm không có kết quả. Tôi nói đơn giản thế này: Buổi sáng thì phải nghe nhạc đỏ để hăng hái đi làm việc, buổi chiều nghe nhạc xanh vui vẻ, buổi tối nghe nhạc êm dịu để ngủ, nếu đảo ngược lại buổi tối nghe nhạc đỏ hừng hực thì làm sao ngủ. Sáng ra nghe nhạc tình thì rũ người làm sao đi làm việc. Hoặc như học viên chán thì làm gì? Cho tĩnh tâm hoặc nghe nhạc trị liệu. Nhưng ai biết cái này? Phải là ông bác sĩ chuyên ngành biết cách cho học viên cai nghiện tĩnh tâm chứ không phải cứ xây một cái tịnh tâm đường, kêu một nhà sư vào thuyết giảng cho học viên nghe tai này lọt qua tai kia.

Cần đúng cách, không phải kéo dài thời gian

Tuyển người có ĐH còn hơn là người không biết gì, thưa ông?

ĐH nhưng biết gì về ma túy đâu mà làm. Tôi tuyển sinh viên ĐH chuyên ngành tâm lý vô đây cho đi học lại hết. Ở trong nước, ngoài nước đâu có khóa tập huấn thì tôi đều cho nhân viên đi. Thanh Đa đã làm công tác cai nghiện 14 năm nay, đào tạo liên tục nhưng vẫn chưa đáp ứng hết nhu cầu thực tế.

Theo tôi, để cai nghiện hiệu quả không tùy thuộc vào thời gian bao lâu mà quan trọng là nội dung và phương pháp. Phải phân loại từng trường hợp, nguyên nhân dính vào ma túy để có cách điều trị tổng hợp. Người chán gia đình trị liệu khác, người bị sốc chuyện tình cảm trị liệu khác. Không có một biện pháp đơn thuần nào, không có một loại thuốc đơn thuần nào chữa được ma túy.

Vậy theo ông giải quyết căn cơ việc cai nghiện cần phải làm gì?

Giải quyết tốt nhất thì phải làm những việc sau: Một là phải mở càng sớm càng tốt khoa đào tạo người cai nghiện ma túy. Hai là phải sửa đổi nội dung và phương pháp cai nghiện như tôi đã nêu trên. Ba nữa là phải phân loại học viên để cai nghiện, không phải trường hợp nào cai tập trung cũng tốt. Ở trung tâm tôi, một học viên thời gian ở trung tâm nhiều hơn ở ngoài, nó cứ vào vài tuần rồi lại ra, ra rồi nghiện rồi lại xin vô, ra vô cả chục lần nhưng nó ý thức được rằng việc nó nghiện là sai cần phải thay đổi. Quan trọng là làm sao cho nó thay đổi nhận thức. Đâu có phải cứ nghiện là bắt buộc tập trung là tốt đâu. Cai nghiện thì bắt buộc phải lâu dài nhưng không có nghĩa là cứ cách ly với xã hội.

Theo baophapluat

[TT: NTH]