“Bệnh thành tích” trong cai nghiện ma túy ở Sơn La

24/12/2012 Lượt xem: 192 In bài viết
<xmp id="9669" contenteditable="false" style="DISPLAY: inline" tabindex="-1">

Với gần 10.000 người nghiện có hồ sơ quản lý, Sơn La là một trong những địa phương có nhiều người nghiện ma túy nhất cả nước. Mới đây, nhằm làm giảm lây nhiễm HIV và một số bệnh có liên quan từ người nghiện ma túy, tỉnh Sơn La triển khai chương trình điều trị Methadone để thay thế các chất gây nghiện cho các đối tượng nghiện ma túy.

Cũng từ việc triển khai chương trình này đã bộc lộ những bất cập trong công tác cai nghiện ma túy ở Sơn La, gây khó khăn không nhỏ tới chương trình điều trị Methadone.

Cơ sở điều trị Methadone tỉnh Sơn La bắt đầu đi vào hoạt động ngày 4/10/2012 với 36 bệnh nhân tham gia điều trị. Ông Đàm Văn Hưởng, Giám đốc Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh Sơn La cho biết, theo quy định, mỗi một cơ sở điều trị Methadone phải thu nhận ít nhất 250 bệnh nhân.

Sở dĩ cơ sở điều trị Methadone tỉnh Sơn La không thu nhận đủ bệnh nhân là do những bất cập trong công tác quản lý người nghiện ma túy ở tỉnh hiện nay. Cụ thể là theo quy định, các đối tượng được đưa vào cơ sở điều trị Methadone phải là những người vẫn đang sử dụng ma túy nhưng không nằm trong các trung tâm cai nghiện. Tuy nhiên, khi lãnh đạo Trung tâm làm việc với các địa phương ở thành phố Sơn La – nơi đặt cơ sở điều trị Methadone thì câu trả lời nhận được hầu hết là “không còn người nghiện”.

Ông Hưởng cho biết: “Ở thành phố Sơn La, theo như báo cáo thì gần như toàn bộ đối tượng nghiện chích đã được đưa vào trung tâm 05,06 của tỉnh hoặc trung tâm 05,06 của thành phố. Như báo cáo, có 82 đối tượng nghiện đang quản lý thì một phần đã chết, một phần đã đưa vào trung tâm 05,06, một phần thì đã trốn ra khỏi thành phố… Vì vậy không còn người nào để đưa vào Trung tâm AIDS điều trị Methadone”.

Tìm hiểu thực tế này, chúng tôi được biết, Kết luận 03 năm 2006 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La về về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống ma tuý trong tình hình mới quy định: các bản, tiểu khu, tổ dân phố phải đạt danh hiệu “4 không” là: không có người trồng cây thuốc phiện, không có người buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy thì mới đủ điều kiện để bình xét danh hiệu bản, tiểu khu, tổ dân phố văn hóa.

Vậy là, để đạt danh hiệu văn hóa, các đơn vị, địa phương đua nhau triển khai việc tố giác, phát giác người nghiện, đưa đối tượng nghiện vào các trung tâm cai nhằm làm trong sạch địa bàn. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều cơ quan, đơn vị, tổ, bản, tiểu khu ở Sơn La được công nhận đạt danh hiệu “4 không” về ma túy. Song điều đáng nói đây không phải là kết quả thực chất, hay nói cách khác là không ít địa phương, cơ sở đã “giấu bệnh” để nhận “thành tích” về mình.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Trường đang tham gia điều trị Methadone để thay thế các chất gây nghiện tại cơ sở điều trị Methadone tỉnh Sơn La. Trường đã mắc nghiện ma túy từ 8 năm nay. Hơn 8 năm làm bạn với “thuốc trắng”, không ít lần gia đình, vợ con to tiếng cãi vã vì nhu cầu về tiền để mua thuốc thỏa cơn nghiền của Trường rất lớn. Vậy mà, Trường vẫn nằm ngoài “vòng kiểm soát” của Ban Chỉ đạo 03 nơi gia đình cư trú.

Bệnh nhân Nguyễn Văn Cường cũng trong tình trạng tương tự. Thâm niên làm bạn với “thuốc trắng” của Cường còn tới 15 năm, cuộc sống gia đình có lúc điêu đứng như đứng trước bờ vực thẳm, nhưng Cường cũng không thuộc diện 03 quản lý.

Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Xuyên, tổ trưởng 1, phường Tô Hiệu, thành phố Sơn La – nơi Cường cư trú, rất hãnh diện: Nhờ làm tốt công tác tố giác, phát giác người nghiện nên trên địa bàn hiện không còn người nghiện ma túy. Liên tục từ năm 2006 đến nay, tổ đều đạt danh hiệu “4 không” về ma túy. Đây là tiêu chí rất quan trọng để tổ đạt danh hiệu tổ văn hóa qua các năm!

Xây dựng địa bàn “4 không” về ma túy theo Kết luận 03 của Ban thường vụ Tỉnh ủy Sơn La là một chủ trương đúng. Tuy nhiên, bệnh thành tích trong việc triển khai nội dung này tại một số địa phương, cơ sở đang khiến hiệu quả của nó đi ngược lại với mục tiêu làm trong sạch ma tuý địa bàn./

Thu Thuỳ/VOV-Tây Bắc
[TT: NTH]