Hiệu quả từ thí điểm chương trình chăm sóc và điều trị
05/12/2012 Lượt xem: 212 In bài viếtNgười nhiễm HIV hiện đã có thể đăng ký nhận dịch vụ khám, điều trị và chăm sóc miễn phí như xét nghiệm HIV, chẩn đoán, điều trị ARV, các bệnh nhiễm trùng cơ hội, theo dõi lâm sàng và các xét nghiệm liên quan tại 318 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS trên toàn quốc. Họ cũng có thể được giới thiệu tới các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc y tế khác.
7/10 chỉ số tốt lên
Theo Thạc sĩ, BS Ðỗ Thị Nhàn, Trưởng phòng điều trị và chăm sóc, Cục Phòng , chống HIV/AIDS ( Bộ Y tế) cho biết, dịch vụ chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV, bệnh nhân AIDS đang ngày càng được cải thiện chất lượng rõ rệt nhờ việc triển khai thí điểm cải thiện chất lượng chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS trong 6 tháng qua (từ tháng 4 đến tháng 10/2012) tại 5 tỉnh, thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Bình và Thanh Hóa.
Mục tiêu chính của chương trình là cung cấp dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV chuẩn theo đúng Hướng dẫn quốc gia tại các cơ sở; đảm bảo người nhiễm HIV được nhận dịch vụ có chất lượng; giảm tỷ lệ không tuân thủ và mất dấu bệnh nhân; người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị ARV, qua đó giảm tỷ lệ bệnh tật, tử vong và kháng thuốc.
Hiện tại, 5 tỉnh, thành phố triển khai thí điểm đã thành lập nhóm quản lý chất lượng chương trình chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, nhóm kỹ thuật tuyến tỉnh về cải thiện chất lượng.
Cũng theo BS Ðỗ Thị Nhàn, qua 2 lần thu thập số liệu báo cáo trong 6 tháng triển khai chương trình thí điểm tại 11 phòng khám thì có đến 7/10 chỉ số cải thiện chất lượng có xu hướng tốt lên bao gồm: Tỷ lệ bệnh nhân mới đăng ký điều trị được làm xét nghiệm CD4 lần đầu trong vòng 15 ngày tăng 20.7%; bệnh nhân chưa đủ tiêu chuẩn điều trị điều trị ARV(lâm sàng, miễn dịch) nhưng chưa được điều trị tăng 5.2%; bệnh nhân được đánh giá tuân thủ điều trị ARV trong lần khám gần nhất tăng 2.7%; bệnh nhân được điều trị ARV trong vòng 30 ngày tăng 13.5%; bệnh nhân được kê đơn dự phòng CTX hoặc DAPSONE khi đủ tiêu chuẩn trong lần khám gần nhất tăng 31.1%; bệnh nhân được sàng lọc Lao trong lần khám gần nhất tăng 42.4%; bệnh nhân được làm xét nghiệm CD4 ít nhất 1 lần trong 6 tháng tăng 2.4%.
Tuy nhiên, có 3 chỉ số giá trị trung bình giảm đi bao gồm tỷ lệ bệnh nhân chưa điều trị ARV đến tái khám định kỳ; bệnh nhân đang điều trị ARV đến tái khám đúng hẹn trong lần khám gần nhất; kết quả CD4 của bệnh nhân lúc bắt đầu điều trị ARV. Giá trị giảm 3 chỉ số không nhiều và có thể do cách lấy mẫu để tính toán chỉ số thay đổi.
Các kết quả ban đầu đạt được là do sự phối hợp, nỗ lực của các bộ, ban, ngành trung ương đến cơ sở. Hoạt động còn có sự tham gia mạnh mẽ và hợp tác của CDC và các tổ chức quốc tế trong hỗ trợ kỹ thuật và định hướng chương trình thí điểm.
Đây là lần đầu tiên các số liệu được sử dụng để làm bằng chứng giúp cải thiện chất lượng hoạt động của chính các cơ sở y tế. Các hoạt động thí điểm bước đầu đã có phần mềm hỗ trợ đo sự cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng hơn cho các cơ sở.
Nâng cao chất lượng cải thiện trong tương lai
Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống HIV/AIDS giai đoạn 2012-2015 đã đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc và điều trị HIV/AIDS. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã có chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Ngành y tế đang rất quyết tâm trong việc triển khai để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong những năm tới.
TS. Bùi Đức Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết, triển khai kế hoạch cải thiện chất lượng chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV là rất cần thiết. Mục tiêu cụ thể ngành y tế đặt ra trong giai đoạn 2013-2015 là xây dựng hệ thống tổ chức triển khai cải thiện chất lượng từ Trung ương đến cơ sở dựa vào hệ thống y tế sẵn có. Bên cạnh đó, mở rộng hoạt động cải thiện chất lượng tại các cơ sở chăm sóc, điều trị người lớn và trẻ em; mở rộng hoạt động cải thiện chất lượng sang lao/HIV và lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Cục phòng, chống HIV/AIDS đã xây dựng kế hoạch mở rộng cải thiện chất lượng giai đoạn 2013-2015 với dự kiến phát triển, mở rộng mô hình hoạt động như sau: năm 2013 có 54 phòng khám/16 tỉnh và 5 phòng khám OPC Nhi tại 4 tỉnh; năm 2014 có 90 phòng khám/19 tỉnh, 5 phòng khám Nhi mới/5 tỉnh, X TB/HIV, X Phòng lây truyền mẹ con; năm 2015 sẽ được mở rộng thêm là 131 phòng khám người lớn/27 tỉnh.
Để đáp ứng với mục tiêu trên, trong thời gian tới cần huy động kinh phí hỗ trợ, tham gia tích cực của các tổ chức nước ngoài và kinh phí từ các địa phương. Bên cạnh đó, ngành y tế sẽ tăng cường năng lực hệ thống về cải thiện chất lượng như đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực hỗ trợ kỹ thuật và cho cán bộ tuyến tỉnh; tăng cường sự tham gia của tuyến tỉnh, thành phố; tăng cường sự tham gia của người nhiễm; tổ chức các hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và họp giao ban và báo cáo tổng kết định kỳ…
Trà My
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]