Hiệu quả phòng, chống HIV/AIDS tại An Giang
26/11/2012 Lượt xem: 206 In bài viếtTừng là một trong năm tỉnh có số lượng người nhiễm HIV cao nhất nước trong năm 2006, đến nay công tác phòng, chống HIV/AIDS tỉnh An Giang đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Số lượng người nhiễm mới giảm đáng kể, đặc biệt tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả đạt được trong công tác phòng, chống tại tỉnh An Giang là nhờ những hiệu quả tích cực từ việc triển khai chương trình Dự án phòng, chống HIV/AIDS ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tài trợ (WB).
Theo Bác sĩ Trần Mỹ Hạnh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS An Giang cho biết, tính đến tháng 6/2012, toàn tỉnh An Giang phát hiện trên 8.200 người nhiễm HIV/AIDS. Trong đó, chuyển sang giai đoạn AIDS hơn 6.100 người và 4.200 người đã tử vong. Phần lớn người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20-39 tuổi. Người nhiễm HIV đã phát hiện tại 100% xã, phường, thị trấn thuộc 11 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh. Các trường hợp nhiễm HIV chủ yếu là do 90% lây truyền qua đường tình dục. Đối tượng nhiễm phần lớn không có nghề nghiệp ổn định, nông dân, công nhân, tiếp viên…
Với tình hình dịch mang tính gia tăng, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS của tỉnh cho rằng việc triển khai các dự án phòng, chống HIV/AIDS trên toàn tỉnh là rất cần thiết, đặc biệt tại các vùng sâu, vùng xa.
Dự án WB đã được triển khai trong giai đoạn từ 2006-2012, tại 11 tỉnh có đồng bào dân tộc ít người, bao gồm: Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang…
Đồng bào dân tộc đã biết tự bảo vệ mình
Dự án tiến hành nghiên cứu đánh giá kiến thức, thái độ, hành vi và hiệu quả can thiệp dự phòng lây nhiễm HIV, giang mai trong nhóm đồng bào dân tộc thiểu số tuổi từ 15-49, nhằm phục vụ cho công tác phòng, chống phù hợp và hiệu quả. Riêng tại tỉnh An Giang, dự án tập trung tiến hành điều tra vùng đồng bào dân tộc Khmer thuộc 2 huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên, nơi có dân số trẻ, trình độ học vấn rất thấp và tỷ lệ thất học rất cao, đặc biệt đối với phái nữ..
Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn, Đỗ Minh Trí cho biết, huyện có 38% đồng bào dân tộc Khmer nên công tác phòng, chống HIV/AIDS được địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Hàng năm, huyện đều có kế hoạch cụ thể thực hiện chương trình phòng, chống HIV/AIDS, với mục tiêu hạ tỷ lệ nhiễm HIV trong đồng bào dân tộc càng cao càng tốt; đồng thời nâng cao trình độ dân trí, kiến thức phòng ,chống HIV/AIDS cho người dân địa phương.
Cũng theo ông Đỗ Minh Trí: “Hiện nhận thức của người dân đã được nâng lên, song vẫn phải tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Bên cạnh đó, xây dựng thêm kênh phân phối bao cao su ra dân, giúp hạn chế tình trạng quan hệ tình dục không an toàn; các cơ quan, ban ngành, đoàn thể cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai các dự án đào tạo nghề, giúp thanh niên dân tộc có việc làm ổn định tại địa phương. Có vậy sẽ giúp hạn chế tình trạng ly hương, giảm nguy cơ mắc các tệ nạn xã hội và lây nhiễm căn bệnh thế kỷ HIV…”
Bà Nguyễn Thị Bảo Trân, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên xác định, do là huyện biên giới miền núi nên tình hình dịch HIV/AIDS diễn biến khá phức tạp và luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan bệnh.
Tính đến tháng 7/2012, toàn huyện có 418 trường hợp nhiễm HIV, trong đó người dân tộc Khmer nhiễm bệnh chiếm 0,19%. Thời gian qua, UBND huyện đã và đang huy động các nguồn lực đầu tư cho phòng, chống HIV/AIDS phù hợp với khả năng và điều kiện phát triển kinh tế xã hội của huyện trong từng giai đoạn. Qua đó, đã tạo được sự chuyển biến về nhận thức của người dân, đặc biệt là với đối tượng có nguy cơ cao.
Từ chỗ chưa nhận thức được mức độ nguy cơ của hành vi, hiện nay người dân đã nhận thức được phải biết tự bảo vệ mình. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên địa phương cũng từng bước hạ được tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng, đưa An Giang thoát ra khỏi danh sách tốp 12 tỉnh có số người nhiễm HIV đứng đầu cả nước.
Quang Minh
Theo tieng chuong.vn
[TT: TBC]