Hiệu quả từ 72 CLB
26/11/2012 Lượt xem: 192 In bài viếtSáng 20/9, Trung tâm nghiên cứu Giới, Gia đình và Môi trường trong Phát triển (CGFED) phối hợp với Hội Kế Hoạch hóa gia đình Đan Mạch (DFPA) tổ chức Hội thảo “Chỉ đường cho hươu có dễ? Câu chuyện về giáo dục tình dục cho thế hệ trẻ”. Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ Dự án “Nâng cao kiến thức, kỹ năng và năng lực của vị thành niên, thanh niên, cha mẹ và cộng đồng về Giới, quyền sức khỏe sinh sản, tình dục và phòng, chống HIV/AIDS ở khu vực nông thôn Việt Nam”.
Dự án được thực hiện từ năm 2007 đến 2012 dưới sự hỗ trợ kỹ thuật của DFPA và tài trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Đan Mạch với mục đích cải thiện chất lượng cuộc sống của nam, nữ vị thành niên, thanh niên ở nông thôn Việt Nam thông qua việc thúc đẩy và tuyên truyền vận động các quyền về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục; công bằng giới bao gồm phòng tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục như HIV/AIDS, mang thai và sinh con ngoài ý muốn, phá thai; chống bạo lực, lạm dục tình dục và quấy rối.
Theo bà Nguyễn Kim Thúy, Phó Giám đốc dự án cho biết, sau gần 6 năm thực hiện, dự án đã được triển khai thí điểm và nhân rộng tại các khu vực nông thôn đặc thù thuộc tỉnh Bắc Giang, Nam Định, Phú Yên và TP. HCM theo phương pháp thúc đẩy sự tham gia của các vị thành niên, thanh niên.
Chương trình giáo dục tình dục không chỉ hướng tới các đối tượng đích, giúp các em tiếp cận các nội dung liên quan trong hệ thống trường học mà còn chú trọng đến việc nâng cao nhận thức trong cộng đồng và gia đình.
Toàn cảnh Hội thảo “Chỉ đường cho hươu có dễ? Câu chuyện về giáo dục tình dục cho thế hệ trẻ”
Với quan điểm và phương pháp tiếp cận phù hợp, CGFED đã xây dựng mô hình câu lạc bộ (CLB) gồm đội ngũ nòng cốt cơ sở với những kiến thức toàn diện. Từ 8 CLB được thành lập khi mới triển khai dự án, nay đã được nhân rộng thành 72 CLB. Các CLB đã phối hợp với ngành giáo dục, y tế, dân số để thực hiện các hoạt động giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản, tình dục trong các giờ học và ngoại khóa của 152 trường học; thành lập được 28 góc thân thiện tại các khu dân cư, trường học và trung tâm y tế trên 4 địa bàn dự án.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Tư liệu dân số thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế nhận xét: “Việc triển khai dự án, nhân rộng mô hình được các địa phương hưởng ứng tích cực, mang lại những kết quả tốt đẹp cho các chương trình mục tiêu. Với nỗ lực hướng tới thế hệ trẻ, CGFED đã chứng minh các tiếp cận cùng tham gia đem đến những thay đổi mong đợi về kiến thức, bên cạnh đó làm chuyển biến thái độ, hành vi vì một cuộc sống khỏe mạnh, an toàn cho vị thành niên, thanh niên. Những thay đổi trực tiếp của các đối tượng đích chắc chắn sẽ khích lệ nhiều sáng kiến hơn nữa, nhằm đảm bảo sức khỏe và quyền sinh sản, tình dục”.
Thùy Chi
Theo tieng chuong.vn
[TT: TBC]