Người “gieo chữ” nơi không tiếng trống trường

26/11/2012 Lượt xem: 206 In bài viết

Cô giáo Đinh Thị Thuỷ (SN 1968), giáo viên trường tiểu học Yên Bài B, xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) là một trong những người “không bình thường” như thế. Cô Thuỷ đang là đồng giáo viên chủ nhiệm của hai lớp ghép, với gần 40 học sinh hết sức đặc biệt. Lớp học của những trẻ nhiễm HIV tại Trung tâm GDLĐXH số II Ba Vì.

Gặp cô sau giờ lên lớp, đưa tay phủi vội những bụi phấn còn vương trên áo, cô Thuỷ chậm rãi kể, nhà cô cách trung tâm chưa đầy hai cây số. Đầu năm 2006, nghe tin ở trung tâm có nhiều trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi, do kỳ thị mà không được đến trường, khiến cô cảm thấy day dứt, cứ như mình cũng có một phần trách nhiệm đối với những em nhỏ vô tội.

Vài hôm sau, cô và một đồng nghiệp trẻ bàn nhau đến cổng trung tâm GDLĐXH số II, xin với bảo vệ, cho vào thăm các cháu. Tấm biển “không nhiệm vụ miễn vào” cùng sự nghiêm khắc của bác bảo vệ, khiến hai cô giáo trẻ tiu nghỉu ra về với rất nhiều băn khoăn.

Cho đến một ngày, Trung tâm có kế hoạch đưa các cháu ra hòa nhập dần với cộng đồng, thông qua sự vận động tham gia tình nguyện của các cán bộ trong xã, cô Thuỷ mới có cơ hội gặp mặt các em. Cô giáo Thuỷ nhớ lại, các cháu bị bố mẹ bỏ rơi, rồi bị “nhốt” chữa bệnh quá lâu, nên có em bám lấy cô thảng thốt gọi mẹ. Có em thì lại liên tiếp hôn tay, hôn má các cô để bày tỏ tình cảm.

Đầu năm học 2006 - 2007, bất chấp những ngăn cản của gia đình và của bạn bè, cô Thủy cùng một cô giáo nữa rủ nhau vào dạy học cho các cháu. Cô Thuỷ cho biết, ngày ấy kiến thức về phòng tránh HIV chưa có nhiều, sống với mấy chục đứa trẻ với cơ thể phồng rộp, nhiễm trùng lở loét, khiến hai cô giáo thực sự lo lắng. Cô Thuỷ nói, không thể nói là không có cảm giác sợ, nhất là khi các cháu vẫn còn quá nhỏ, không điều khiển chuẩn xác được các hoạt động trong sinh hoạt thường ngày.

Sau này, qua những kỳ tập huấn, cô giáo Thuỷ đã không còn cảm giác sợ khi chung sống với “bệnh phẩm” của các con nữa. Cô cho biết, nếu biết cách phòng ngừa đúng cách, các cô sẽ không bao giờ có thể lây HIV từ học sinh. Cô đã dạy cho học sinh của mình những nguyên tắc sống khắc nghiệt và tử tế, để hòa nhập nhưng không bao giờ để lây bệnh sang người xung quanh.  

Cô Thuỷ cho biết, đa phần các em đều rất chăm ngoan, tình cảm và gần gũi với giáo viên. Ảnh Phan Hoàng

Cô Thuỷ chia sẻ, dạy trẻ nhiễm HIV phải rất “đa năng”, tận tình, hướng dẫn từng li từng tí. Trí nhớ các em bị suy giảm, thế giới bó hẹp giữa bốn bức tường nên cô phải giảng giải rất cặn kẽ các em mới hình dung được.

Với những đứa trẻ thiếu đi phần may mắn, thì các cô giáo, những người vượt lên trên định kiến của xã hội, là một phần bù đắp cho các em sự thiếu thốn về tinh thần. Những ngày nghỉ, ngày lễ, hay cả ngày Tết, bọn trẻ ra nhà các cô ăn uống, liên hoan, ngủ lại ở nhà cô là chuyện bình thường.

Gần sáu năm gắn bó với hai lớp học đặc biệt của mình, cô Thuỷ cho biết, đa phần các em đều rất chăm ngoan, tình cảm và gần gũi với giáo viên. Đám trò học chỉ sợ cô buồn. Không chỉ đọc thông viết thạo, chúng chẳng kém trẻ ngoài trường. Các em đi thi học sinh giỏi, vở sạch chữ đẹp cũng mang giải thưởng về làm quà tặng cô.

Những giờ lên lớp để lại trong cô nhiều kỷ niệm khó quên. Cô Thuỷ nhớ mãi, có lần bé Phan Thị Tính, lớp 2C ôm chầm cô Thủy nghẹn ngào thủ thỉ: "Con hát bài Gặp mẹ trong mơ, đúng là thấy mẹ. Cô giống mẹ con, nhưng mẹ mất rồi. Cô làm mẹ con nhé". Hay có lần theo giáo trình giảng dạy, cô phải giao cho các em làm bài tập làm văn với chủ đề “Các em hãy kể về gia đình của mình”. Nghe đề bài, cả lớp bất chợt im lặng, chỉ có bạn lớp trưởng đứng lên lí nhí: “Thưa cô, chúng em không có gia đình”. Câu nói ấy bất chợt khiến cô không kìm được cảm xúc, vội quay lại lau bảng để giấu đi những giọt nước mắt đang chực chảy dài. Thấy cô cứ lau bảng mãi, cả lớp lại nhốn nháo hỏi: “Cô ơi bảng sạch sao cô cứ lau mãi thế, cô ốm hay cô giận bọn em”. Cô Thuỷ gạt nhanh nước mắt, nhẹ nhàng đáp: “Không phải cô giận các em đâu, cô bị bụi phấn rơi vào mắt đấy mà”.

Cô giáo Thuỷ kể, trước đây trung tâm cũng đã thử đưa các cháu ra ngoài trường học chung với các bạn bình thường, nhưng gặp phải sự phản đối dữ dội của phụ huynh các cháu. Họ kiên quyết phản đối vì sợ các em lây bệnh cho con em mình. Có người độc mồm còn chửi rủa các cô là “rước cái bọn HIV về làm hại bà con lối xóm”.

Mấy năm gần đây cùng với sự đấu tranh kiên trì của các cán bộ trung tâm và chính quyền địa phương, tình trạng kỳ thị của cộng đồng đối với những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cũng đã phần nào thuyên giảm. Các cháu lớp lớn đã được ra ngoài đi học như các bạn bình thường. Trong trung tâm hiện giờ chỉ còn hai lớp ghép 1-2 và 3-4. Vì các em còn quá nhỏ nên mọi người vẫn chưa yên tâm cho các cháu ra ngoài học. Những dịp lễ hay buổi sáng thứ 2 đầu tuần, các em cũng chỉ ra trường một lúc rồi về.

“Nếu đã từng gần gũi, chăm sóc các cháu, mới có thể hiểu những khát khao được đi học, được hòa nhập của những đứa trẻ nhiễm HIV bị bỏ rơi. Thật đúng khi ta chia nụ cười, sẽ nhận về vô số niềm vui; chia vòng tay ta sẽ nhận về mình tình yêu thương ấm áp”, cô Thuỷ tâm sự.

Chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng phòng chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ - Trung tâm GDLĐXH số II Ba Vì cho biết, cô giáo Đinh Thị Thuỷ là người rất nhiệt tình, tâm huyết với công việc. Cô coi lớp học tại trung tâm như mái nhà thứ hai của mình; luôn dành cho các em học sinh tại trung tâm một tình cảm đặc biệt. Có những hôm trái nắng trở trời, nhiều em đổ bệnh, cô Thuỷ còn túc trực ở bệnh xá cả ngày để chăm sóc các em.

Với tấm lòng cùng sự nhiệt huyết của mình, năm 2008 cô giáo Đinh Thị Thuỷ được nhận bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ năm 2008 đến nay, cô liên tiếp nhận nhiều bằng khen thưởng, danh hiệu thi đua cơ sở như: Giáo viên dạy giỏi; Cô giáo giỏi việc nước đảm việc nhà; Cô giáo như mẹ hiền…

Phan Hoàng

Theo tiengchuong.vn

[TT: TBC]