Hai tuần trước, một nhóm thanh niên Cameroon đã tổ chức biểu tình chống lại cộng đồng LGBT. Đây là hành động “ăn theo” một loạt các vụ bắt bớ và giam giữ trong những năm gần đây của chính quyền Cameroon đối với những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng tính. Tháng 8/2012, tại Zimbabwe, đất nước coi quan hệ tình dục giữa những người đàn ông là bất hợp pháp, cảnh sát đã bắt giữ, rồi phải thả 44 thành viên của một tổ chức người đồng tính ở đây sau khi tổ chức này công bố báo cáo về vi phạm nhân quyền.
Khó tiếp cận các dịch vụ y tế
Một loạt các hành vi vi phạm quyền con người đối với người đồng tính đã được ghi nhận, trong đó có việc từ chối khám chữa bệnh, loại bỏ quyền tự do lập hội, người đồng tính bị bạo lực, quấy rối, thậm chí là bị sát hại.
Báo cáo về tình hình nhân quyền đối với LGBT tại châu Ấu và Mỹ của Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc, công bố vào tháng 5/ 2012 đã ghi nhận nhiều trường hợp bạo lực, hận thù và phân biệt đối xử đối với LGBT. Tại Mỹ, hơn 84% LGBT bị bạo lực và phân biệt đối xử tại trường học, trong đó 40% bị xô đẩy, và 18% bị tấn công.
Tại một số thành phố của Liên bang Nga và Ukraine gần đây cũng đã thông qua luật cấm các thông tin công khai về xu hướng tình dục và bản sắc giới tính.
Vi phạm nhân quyền do khuynh hướng tình dục khiến cộng đồng LGBT luôn phải sống trong sợ hãi và khép mình. Điều này khiến họ không tiếp cận được các dịch vụ y tế cần thiết và làm tăng tỷ lệ nhiễm HIV trong số nam quan hệ tình dục đồng giới và chuyển giới.
Bằng chứng và kinh nghiệm đã chỉ ra rằng các điều luật trừng phạt đối với các đối tượng thuộc nhóm tính dục thiểu số đã ngăn cản họ tiếp cận với các dịch vụ HIV/AIDS. Một nghiên cứu được tiến hành ở Senegal năm 2008 cho thấy, các luật trừng phạt đã khiến LGBT “sợ hãi và giấu mình”. Thậm chí những người cung cấp dịch vụ phòng, chống AIDS cũng không dám khám, chữa cho họ do “sợ bị liên quan”.
Ở nhiều khu vực trên thế giới, những người đàn ông có quan hệ tình dục với nam giới và người chuyển giới có tỷ lệ hiện nhiễm HIV cao do họ ít có khả năng tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV, điều trị, chăm sóc và hỗ trợ.
Tại khu vực tiểu sa mạc Sahara, châu Phi, tỷ lệ nhiễm HIV trong số những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới nằm trong khoảng từ 6% đến 31%. Ở châu Á, tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm LGBT cao gấp gần 19 lần so với tỷ lệ nhiễm trong dân cư. Ở Mỹ Latinh, một nửa số trường hợp nhiễm HIV là do quan hệ tình dục không an toàn giữa những người đồng tính.
Ủy ban toàn cầu về HIV và luật pháp (GCHL) vừa tiến hành nghiên cứu tại hơn 140 nước trên thế giới về HIV và luật pháp. Kết quả cho thấy, hơn 60 nước coi việc làm người khác lây nhiễm HIV là tội phạm, 78 nước hình sự hóa hành động tình dục đồng giới, hơn 100 nước hình sự hóa một số hành động kinh doanh tình dục.
Tăng quyền bình đẳng cho người đồng giới
Trước tình hình đó, GCHL kêu các chính phủ cải tổ hệ thống pháp luật và tôn trọng các quyền cơ bản của con người, trong đó có LGBT để tăng cường hiệu quả cuộc chiến chống HIV/AIDS.
Bên cạnh những trở ngại, cũng đã có những tiến bộ đáng khích lệ trong việc tăng cường quyền bình đẳng, không phân biệt đối xử và phổ cập các dịch vụ y tế cho các trường hợp tình dục thiểu số.
Ngày 12 Tháng Bảy năm 2012, Tổng thống Chile đã ký ban hành luật chống phân biệt đối xử nhằm trừng phạt đối với LGBT. Luật có xuất xứ từ 7 năm trước khi xảy ra vụ tàn sát dã man một người đồng tính 24 tuổi tại nước này.
Trong Ngày Quốc tế chống kỳ thị và phân biệt đối xử với LGBT, 17/5/2012, Ủy ban Giáo dục châu Âu (ETUCE), Liên đoàn Thương mại Liên minh châu Âu (ETUC) và Tổ chức của những người đồng tính châu Âu đã cam kết tăng cường hợp tác để ngăn chặn kỳ thị và phân biệt đối xử với LGBT trong trường học, nơi làm việc và xã hội.
Ngày 7/3/2012, tại cuộc họp của Hội đồng nhân quyền về Bạo lực và phân biệt đối xử, dựa trên xu hướng tình dục và bình đẳng giới, Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-Moon đã nói: "Chúng ta phải giải quyết bạo lực, xoá bỏ tội phạm hoá quan hệ đồng giới, cấm phân biệt đối xử và nâng cao nhận thức cho cộng đồng. Chúng ta cũng cần thường xuyên báo cáo để xác định những vi phạm được giải quyết. Đã đến lúc phải hành động".
Ngày 17/5, Chương trình phối hợp phòng, chống HIV/AIDS của Liên Hợp Quốc UNAIDS cũng ra tuyên bố kêu gọi chống lại tình trạng bạo lực và phân biệt đối xử đối với những đối tượng này trong cộng đồng, đặc biệt tại các trường học.
Nhật Thy
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]