Cần một cánh cửa rộng hơn!
22/10/2012 Lượt xem: 220 In bài viếtSau 6 năm thực hiện Dự án Trợ giúp pháp lý (TGPL) cho người nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam (do USAIDS/PEPAR thông qua Dự án Sáng kiến chính sách y tế hỗ trợ), không ít người nhiễm và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã được trợ giúp về mọi mặt, đồng thời hiểu biết hơn về quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình. Tuy nhiên, trong thực tế, họ cần được giúp đỡ và hỗ trợ nhiều hơn nữa…
Những câu chuyện cảm động…
Theo Chị Hà Thị Kim Thoa, Trưởng nhóm Hoa Xương Rồng, cộng tác viên Văn phòng TGPL cho người nhiễm HIV, Trung tâm tư vấn pháp luật, Hội Luật gia tỉnh Quảng Ninh cho biết, từ khi được thành lập (cuối năm 2006), trung tâm đã tư vấn và hỗ trợ về mặt pháp lý cho hàng trăm trường hợp; giúp đỡ và nhờ chính quyền địa phương tác động cho rất nhiều trẻ nhiễm HIV, ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được đến trường…
Không ít trường hợp rất phức tạp, nhưng với sự trợ giúp tận tình, kinh nghiệm giải quyết các tình huống của Trung tâm, công lý đã về tay những người “thấp cổ bé họng”. Trường hợp chị L (TP. Hạ Long) là một vụ việc điển hình. Chị L là người gốc Hoa nhưng sống ở TP Hạ Long từ nhỏ. Chồng chị L nghiện hút ma túy và chị bị lây nhiễm HIV từ chồng. Hai vợ chồng chị có một cậu con trai sinh năm 2001, vì nhiều lý do đến tận năm 2010 cháu vẫn chưa được đến trường. Vì còn phải làm ăn, buôn bán chị L phải gửi con ở một nhà trẻ tư thục ở gần nhà. Một lần, không hiểu nguyên nhân vì sao con trai chị L bị chồng cô giáo đánh cho sưng tím hết cả mặt.
Theo lời cháu kể lại, cháu cũng chỉ nghịch như các bạn khác vậy mà tự nhiên chú dùng chân đang đi giày đạp vào mặt cháu và chửi: “Đã nhiễm HIV mà còn nghịch”. Vốn sinh hoạt chung trong nhóm với nhau, chị L đã tâm sự với chị Thoa. Thấy vậy, chị Thoa đã đánh giá sự việc rồi chuyển gửi luật gia mời hai mẹ con đến làm việc.
Khi cơ quan chức năng đến làm việc tại nhà trẻ, bản thân cô giáo đứng ra nhận lỗi nhưng ông chồng lại nhất định không nhận, thâm chí còn cãi chày, cãi cối: “Nó nghịch thì phải đánh”. Sau khi được luật gia phân tích: Trẻ nhỏ bình thường đã không được đánh, trẻ bị bệnh lại càng không được làm như thế, mãi đến tận lần thứ ba đến nhà anh chồng mới chịu xin lỗi
Sự việc đã qua rồi nhưng bản thân chị L vẫn rất bức xúc. Vì thế, chị sẵn sàng công khai danh tính để lên tiếng phản đối sự phân biệt, kỳ thị đối xử đối với những người có hoàn cảnh như mẹ con chị. Trước mong muốn chân thành này, chị Thoa và Hội luật gia tỉnh đã đứng ra kết nối với cơ quan báo chí địa phương nhờ họ đưa tin, viết bài về vấn đề này. Nhờ đó, thái độ của người dân địa phương đối với những người nhiễm HIV đã thay đổi rất nhiều. Không chỉ có vậy, Trung tâm còn liên hệ cho cháu đi học tại một trường tiểu học gần nhà.
Cảnh ngộ của chị H (phường Cao Xanh, TP Hạ Long) cũng đáng thương không kém. Bản thân chị H cũng bị lây nhiễm HIV từ chồng. Sau khi chồng H chết, mặc dù biết con dâu bị bệnh nhưng nhìn H lúc nào cũng mơn mởn, ông bố chồng cô không những quản lý cô rất khắt khe mà còn tỏ ý ghen tuông, thậm chí nhiều lần còn gạ gẫm đòi “ngủ” với H. Không chịu nổi cảnh ấy, H đã đem chuyện này nói với mọi người trong nhà thì bị họ nghi ngờ cô quyến rũ bố chồng. Cực chẳng đã H đã phải cầu cứu Văn phòng TPPL cho người nhiễm.
Biết được hoàn cảnh trái ngang của H, chị Thoa và đồng nghiệp cùng Trung tâm đã đến nhận là người của Hội Phụ nữ tỉnh để tìm hiểu sự việc và phân tích cho ông bố chồng H hiểu làm như thế là vi phạm pháp luật và phạm tội loạn luân… Nhưng ông cụ nhất định không nghe, thậm chí còn bảo: “Nó còn trẻ thế, để phí đi…”, rồi ông nói thẳng muốn cưới H làm vợ hai. Sau rất nhiều lần kiên trì đến và giải thích bằng luật pháp nhưng không thể lay chuyển được ý ông cụ, các tư vấn viên đành phải chọn phương án vận động ông cụ cho cô con dâu ra ở riêng. Hiện, tâm lý H đã ổn định. Cô đã có gia đình mới và cũng tham gia sinh hoạt ở một nhóm người nhiễm và hoạt động rất tích cực…
Mở rộng hơn cánh cửa pháp lý cho người nhiễm
Những người có chung hoàn cảnh và bị xâm phạm quyền lợi như mẹ con chị L, chị H còn rất nhiều trong xã hội và xuất hiện ở hầu hết các tỉnh, thành cả nước. Ông Hồ Hải Phong, cộng tác viên Trung tâm TGPL cho người nhiễm, Hội Luật gia TP. HCM bức xúc phản ánh, hiện chúng ta có rất nhiều văn bản pháp luật trong lĩnh vực HIV nhưng tình trạng vi phạm pháp luật cũng rất nhiều, tuy nhiên chưa có trường hợp nào bị xử lý. Tại TP. HCM có không ít trường hợp người nhiễm HIV khi đi khám bệnh đã bị các bác sỹ đùn đẩy trách nhiệm bằng cách chuyển hết khoa này sang khoa khác.
Trong lĩnh vực lao động, việc làm cũng vậy. Một trường hợp bị nhiễm HIV đang làm việc tại một nhà hàng đã bị chủ nhà hàng cho nghỉ việc mà không tuyên bố lý do. Sau khi nghỉ việc, thông tin bị nhiễm HIV của người này tự nhiên lan rộng ra khiến anh ta bị kỳ thị đến nỗi không thể xin việc làm ở đâu được. Chán nản, tuyệt vọng người này đã rơi vào cảnh bi quan và không thiết tha gì cuộc sống nữa.
Thực tế trên cho thấy, nhu cầu được trợ giúp về mặt pháp lý với người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn rất lớn. Không chỉ mong muốn được tư vấn về mặt pháp lý, họ còn rất cần được hỗ trợ về mặt sức khỏe, việc làm… Thế nhưng, mọi việc không hề đơn giản. Thực tế, theo các chuyên gia pháp luật phản ánh, người nhiễm và những người bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS rất e dè khi tìm đến các trung tâm TGPL. Vì vậy, hoặc các trung tâm phải tự đi tìm đối tác hoặc nhờ các nhóm, câu lạc bộ người nhiễm giới thiệu, kết nối… Các chuyên gia pháp luật không khỏi lo ngại, mọi sự sẽ trở lại con số không khi dự án TPGL cho người nhiễm kết thúc. Vì vậy, tiếp tục duy trì, mở rộng mô hình TGPL hiện tại, đồng thời phối hợp liên ngành (y tế, pháp luật…), lôi kéo chính quyền địa phương vào cuộc… là mong muốn của những người đã và đang hoạt động trong lĩnh vực TGPL cho người nhiễm và bị ảnh hưởng bởi HIV.
Từ 25/12/2007 đến 31/8/2012, Trung tâm tư vấn pháp luật và Chính sách y tế, HIV/AIDS đã TGPL cho 3.700 trường hợp; tư vấn miễn phí qua điện thoại 10.245 cuộc; tư vấn chuyển gửi chăm sóc, điều trị ARV, điều trị nhiễm trùng cơ hội, xét nghiệm HIV… và giải quyết các vấn đề pháp lý liên quan đến các lĩnh vực gia đình, hôn nhân gia đình, đất đai, hình sự, hành chính cho hàng ngàn trường hợp. |
Đoan Trang
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]