Là địa bàn trọng điểm về HIV/AIDS, thành phố Thanh Hóa đã tăng cường các hoạt động chăm sóc, điều trị, hỗ trợ toàn diện cho người nhiễm HIV tại cộng đồng và các cơ sở y tế. Trong đó, các nhóm hoạt động chính của dự án gồm: tư vấn xét nghiệm tự nguyện (VCT); chăm sóc và hỗ trợ người nhiễm tại nhà và cộng đồng; chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS; điều trị ARV cho trẻ em dưới 15 tuổi; điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con; điều trị nhiễm trùng cơ hội và điều trị các bệnh lây truyền qua đường tình dục cho người nhiễm HIV; nâng cao năng lực cho cán bộ công tác trong lĩnh vực phòng chống HIV/AIDS…
Từ ngày 1/7/2012, thành phố Thanh Hóa sáp nhập thêm 19 xã, thị trấn của bốn huyện Đông Sơn, Quảng Xương, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa, nâng số phường, xã của thành phố từ 18 lên 37 phường, xã. Do đó, theo thống kê mới nhất của Trung tâm phòng chống HIV/AIDS Thanh Hóa, đến hết quý 3/2012, thành phố Thanh Hóa có số ca nhiễm HIV lũy tích là 1.662, số người chuyển sang giai đoạn AIDS còn sống là 900 người; số người nghiện là gần 2.000 người.
Dự án Quỹ toàn cầu đang hỗ trợ điều trị ARV cho 450 người lớn và 36 trẻ em dưới 15 tuổi. Khi điều trị, nhờ được tư vấn, thăm, khám sức khỏe thường xuyên nên tâm lý của người nhiễm cũng ổn định hơn. Nhiều trường hợp còn tích cực đóng góp cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại cộng đồng.
Ông Lê Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Thanh Hóa khẳng định: "Thành công mà dự án Quỹ toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS mang lại cho thành phố Thanh Hóa là hoạt động điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con."
Ông Hùng cho biết, từ năm 2008-2012, Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa đã sàng lọc và phát hiện 38 trường hợp mẹ nhiễm HIV, qua tư vấn đã có 25 trường hợp tham gia điều trị dự phòng lây nhiễm mẹ-con. Kết quả là 100% trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV được điều trị dự phòng hoàn toàn không bị lây nhiễm.
Theo tài trợ của dự án, các cháu được cấp sữa ăn thay thế đến hết sáu tháng đầu sau sinh, đồng thời được chăm sóc, xét nghiệm và theo dõi điều trị đến 18 tháng tuổi.
Để thực hiện tốt công tác này, nhiệm vụ đặt lên hàng đầu với đội ngũ y, bác sỹ các trạm y tế và Trung tâm Y tế thành phố là tư vấn cho các bà mẹ mang thai biết cách làm mẹ an toàn, đặc biệt là tư vấn để các bà mẹ đồng ý làm xét nghiệm HIV trước sinh khi thai ở tuần thứ 14.
Trung tâm Y tế thành phố Thanh Hóa còn xét nghiệm nhiễm HIV sớm cho trẻ dưới 18 tháng tuổi để các bà mẹ nhiễm HIV sinh con vững tâm.
Tuy nhiên, công tác phòng chống HIV/AIDS của thành phố Thanh Hóa đang đối mặt với nhiều thách thức mới. Trước mắt, đó là việc sáp nhập thêm các phường, xã gây khó khăn trong quản lý, chăm sóc người nhiễm HIV, nhất là khi dự án chưa “vươn dài” tới những phường, xã này.
Nguồn nhân lực, kinh phí và trang thiết bị cũng sẽ là rào cản trong việc đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS ở thành phố Thanh Hóa trong thời gian tới. Do vậy, từ nay đến cuối năm 2012 (cuối kỳ của dự án), dự án sẽ tiếp tục tập trung nâng cao năng lực điều phối và quản lý các hoạt động dự án; đảm bảo việc chăm sóc và điều trị dự phòng, thực hiện các xét nghiệm cho người nhiễm HIV đầy đủ liên tục, không bị gián đoạn.
Trung tâm Y tế thành phố sẽ tham mưu cho Ủy ban Nhân dân thành phố Thanh Hóa tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo về công tác phòng chống HIV/AIDS, đảm bảo tính bền vững của chương trình, cũng như lồng ghép chương trình phòng chống HIV/AIDS vào các chương trình an sinh xã hội, phát triển kinh tế của thành phố để tăng tính chủ động cho công tác phòng chống HIV/AIDS./.
Theo TTXVN
[TT: TBC]