Nâng cao hiệu quả phòng chống HIV/AIDS
03/10/2012 Lượt xem: 179 In bài viếtCam An là xã nằm về phía đông của huyện Cam Lộ (Quảng Trị), tiếp giáp với thành phố Đông Hà. Địa bàn tương đối rộng và khá phức tạp, toàn xã có 11 thôn và 16 xóm dân cư, dân số gần 5.600 người. Trên địa bàn có quốc lộ 1A và tuyến đường Xuyên Á đi qua. Bên cạnh đó còn có trạm thu phí cầu đường là điểm dừng chân giao lưu, mua bán hàng hóa của nhiều du khách, nhiều khách sạn, quán xá, nhà hàng, nhà trọ và nhiều dịch vụ vui chơi, giải trí phát triển nhanh chóng. Từ những đặc điểm tình hình đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm lây nhiễm HIV trong cộng đồng.
Trước tình hình phức tạp đó, những năm qua Đảng ủy, chính quyền, các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể xã Cam An đã tích cực làm tốt công tác phòng chống HIV bằng nhiều hình thức, trong đó trạm y tế của xã đóng vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân trong việc phòng tránh căn bệnh thế kỷ này.
Trao đổi với chúng tôi, chị Ngô Thị Phượng, Trưởng Trạm Y tế xã cho biết: “Đội ngũ y, bác sĩ của trạm chỉ có 6 người, tuy lực lượng còn ít nhưng ngoài công tác chuyên môn chúng tôi rất quan tâm đến công tác phòng chống HIV/AIDS. Hàng tháng, trạm phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể trong xã như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, hội nông dân để truyền thông, tư vấn về cách phòng chống HIV/AIDS cho mọi đối tượng trên địa bàn xã. Bên cạnh đó chúng tôi cùng với đội ngũ y tế thôn tiến hành giao ban hàng tháng để triển khai các hoạt động về phòng chống HIV như tập huấn ở cộng đồng, tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh của các thôn xóm… ”.
Trong những đợt cao điểm như kỷ niệm ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS, Trạm Y tế xã đã tham mưu cho UBND xã Cam An làm lễ mít-tinh diễu hành trên địa bàn toàn xã với quy mô khá lớn. Ngoài ra còn chú trọng đến công tác truyền thông, tư vấn cho đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ về phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con.
Ngoài lực lượng y tế thôn, hiện nay tại xã Cam An có một nhóm nhân viên tiếp cận cộng đồng, bao gồm những người tự nguyện, có nhiệm vụ hàng tháng tiến hành gặp gỡ, tiếp cận các đối tượng có nguy cơ cao (thanh niên nghiện hút, phụ nữ làm việc tại các quán ăn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí…) để tuyên truyền các biện pháp phòng tránh HIV/AIDS, phát bao cao su, động viên các đối tượng tự nguyện lấy máu xét nghiệm HIV.
Chị Nguyễn Thị Thu Vân, nhân viên tiếp cận cộng đồng phụ trách địa bàn thôn Phú Hậu cho biết: “Phú Hậu là thôn có địa bàn khá phức tạp, ở đây có trạm thu phí giao thông nằm trên địa bàn nên thu hút nhiều khách vãng lai qua lại, mặt khác nhiều đối tượng thanh, thiếu niên bỏ học, không có công ăn việc làm, rong chơi, lêu lỏng ở các địa phương khác tập trung về đây để tiêm chích ma túy làm cho tình hình an ninh trật tự cũng như nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng”.
Trước tình hình đó chị đã không quản ngại khó khăn, vất vả tìm mọi cách tiếp cận các đối tượng thanh niên để tuyên truyền các biện pháp phòng tránh căn bệnh HIV/AIDS, phát bao cao su, tờ rơi cho các đối tượng… Đặc biệt, chị cùng người dân trong thôn tích cực vận động mọi người thu gom kim tiêm do các đối tượng nghiện hút vứt bừa bãi ở những khu vực công cộng và khu vực nghĩa trang của xã nhằm hạn chế nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng dân cư.
Được biết trên địa bàn xã Cam An đã từng có người bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS và đến nay bệnh nhân đã qua đời. Khi phát hiện ra bệnh nhân bị nhiễm căn bệnh này, người thân trong gia đình và hàng xóm đều lo lắng và xa lánh. Trước tình hình đó cán bộ y tế xã đã trực tiếp đến với gia đình và bản thân người bị bệnh để quản lý theo dõi, chăm sóc, tư vấn cho mọi người biết về cách phòng chống HIV/AIDS, đặc biệt tư vấn cho người thân trong gia đình và bà con lối xóm biết chia sẻ, yêu thương, không nên xa lánh người bệnh bởi vì bệnh HIV rất khó lây truyền qua việc tiếp xúc bình thường với người bệnh và khi mọi người đã có các biện pháp phòng tránh an toàn.
Khi bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS, cán bộ y tế xã tiếp tục tư vấn cho bệnh nhân và người nhà tích cực chăm sóc, ăn uống bồi dưỡng cho người bệnh. Đồng thời cử các nhân viên y tế trực tiếp đến chăm sóc, điều trị các vết thương ngoài da cho bệnh nhân… Khi bệnh nhân qua đời, Trạm Y tế xã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ đến hướng dẫn cho gia đình và cộng đồng về cách tiếp xúc với người đã chết, các biện pháp xử lý môi trường trước, trong và sau khi đám tang diễn ra một cách an toàn, tránh nguy cơ lây nhiễm cho người thân trong gia đình và những người phục vụ. Vận động người thân trong gia đình tự nguyện đi xét nghiệm máu để có các biện pháp phòng tránh một cách an toàn.
Đồng chí Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Cam An cho biết: “Hiện nay việc tiếp cận những đối tượng di biến động tại khu vực trạm thu phí cầu đường, tại các nhà hàng, quán trọ dọc tuyến quốc lộ 1A, tuyến đường Xuyên Á trên địa bàn xã rất khó khăn. Bởi vì các đối tượng này thường là hành khách đi xe tuyến đường dài Bắc- Nam, hoặc những đối tượng nghiện hút ở các địa phương khác tụ tập về đây để tiêm chích ma túy, khi sử dụng xong, các dụng cụ tiêm chích vứt bừa bãi, tình trạng này làm cho nguy cơ lây nhiễm HIV trong cộng đồng rất cao. Chúng tôi cũng đã cảnh báo cho người dân tích cực hơn nữa trong việc phòng chống HIV và làm tốt công tác thu gom các dụng cụ tiêm chích để xử lý một cách an toàn. Ngoài sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi mong muốn Trung tâm Y tế huyện Cam Lộ, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh cần quan tâm hơn nữa trong việc tăng cường thêm cán bộ chuyên trách, cũng như kinh phí dành riêng cho công tác phòng chống HIV ở cơ sở, có như vậy công tác truyền thông cũng như các hoạt động trên lĩnh vực phòng chống căn bệnh thế kỷ này mới đạt kết quả tích cực”.
Nhờ triển khai đồng bộ các biện pháp nên những năm qua xã Cam An đã khống chế lây nhiễm HIV/AIDS từ nhóm hành vi nguy cơ cao ra cộng đồng. Người dân trên địa bàn xã hiểu đúng và biết cách dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho bản thân và cộng đồng. Hầu hết các thôn, xóm của xã đã đưa hoạt động phòng chống HIV/AIDS trở thành một trong các mục tiêu ưu tiên của chương trình phát triển kinh tế- xã hội hàng năm nhằm giảm tác hại của căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ở mức thấp nhất, góp phần vào sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương một cách bền vững.
Theo nguồn Báo Quảng Trị
[TT: TBC]