Kết quả khảo sát tại Đồng Tháp cho thấy, trong 715 đối tượng đã từng tham gia cai nghiện có 159 người tiếp tục tái nghiện, chiếm 22,24%.
Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tái nghiện như: Các đối tượng mua bán và sử dụng ma túy còn lén lút hoạt động; một số địa phương chưa có những giải pháp cụ thể giúp đỡ đối tượng sau cai; công tác hỗ trợ giải quyết việc làm nhiều nơi còn buông lỏng; lối sống buông thả, thích ăn chơi, đua đòi dễ dẫn đến tái nghiện.
Anh N.T.H. ngụ khóm 3, phường 4, thành phố Cao Lãnh cho biết, anh đã từng 2 lần đi cai nghiện ở trung tâm. Mỗi lần về đến nhà lại bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, gia đình anh lại thiếu quan tâm, bị ức chế dẫn đến buồn phiền nên anh tiếp tục sa vào ma túy.
Công tác quản lý sau cai nghiện đã được tỉnh triển khai từ năm 2011. Theo đó, người chấp hành xong thời gian cai nghiện ma túy bắt buộc, tiếp tục được quản lý sau cai từ 1 đến 2 năm theo hình thức quản lý tại nơi cư trú do UBND cấp xã thực hiện. Những người có nguy cơ tái nghiện cao sẽ được quản lý tại Trung tâm GDLĐXH hội tỉnh.
Thời gian quản lý sau cai giúp họ ý thức được trách nhiệm và tránh được sự cám dỗ, lôi kéo sử dụng chất ma túy; đồng thời có sự hỗ trợ tích cực của gia đình, cộng đồng xã hội và nhất là sự nỗ lực của chính bản thân người nghiện để vững vàng hơn về tâm lý, quyết tâm cai nghiện, tìm việc làm và ổn định cuộc sống.
Từ lúc triển khai thực hiện công tác quản lý sau cai đến nay, có khoảng 100 đối tượng trên địa bàn tỉnh đã được quản lý, trong đó có trên 90% được quản lý tại nơi cư trú.
Thời gian tới, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt hiệu quả cao, theo ông Nguyễn Văn Tại, Phó Trưởng phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Đồng Tháp), trước hết công tác cai nghiện và quản lý sau cai phải được sự quan tâm lãnh, chỉ đạo kịp thời của cấp ủy, chính quyền; sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội.
Công tác cai nghiện phục hồi phải kết hợp chặt chẽ giữa các khâu: cắt cơn, phục hồi sức khỏe, giáo dục đạo đức nhân cách, pháp luật, dạy nghề, tổ chức lao động sản xuất, đặc biệt là công tác quản lý và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện.
Theo ông Nguyễn Văn Tại, điều quan trọng là trong giáo dục cai nghiện cần hiểu rõ tình trạng nghiện của từng trường hợp để giúp đỡ, hỗ trợ và điều trị. Phải khơi dậy ý chí quyết tâm cai nghiện cho người nghiện ma túy, cùng với việc làm trong sạch môi trường ở cơ sở, qua đó giúp người sau cai không còn tái nghiện.
Hiểu Minh
Theo tiengchuong.vn
[TT: TBC]